
Chiêu Lưu là một xã miền rẻo cao ở huyện miều núi Kỳ Sơn (Nghệ An). Trước đây, cuộc sống của những bản làng người Thái, người Khơ Mú... nơi đây vốn yên bình. Nhưng vài năm trở lại đây, cuộc sống ở mảnh đất này đang bị đảo lộn. Những người phụ nữ vốn chỉ quen với nương rẫy, những cô gái còn đang say mê với những điệu giao duyên, cá lượn, múa khăn... bỗng một ngày nghe theo lời kẻ xấu bỏ bản ra đi. Có người đi rồi về nhưng không ít người đi rồi biền biệt, để lại những đứa trẻ bơ vơ, những người bố, người mẹ ngày đêm vò võ ngóng trông, những người chồng rơi vào cảnh gà trống nuôi con...
Có chồng và 7 con vẫn bỏ đi...
Tôi đến bản La Ngan, ghé một nhà bên đường hỏi thăm về việc những người phụ nữ đi khỏi bản. Thật bất ngờ, mấy người phụ nữ như gặp dịp để trút bầu tâm sự. Trong số những phụ nữ này có cô ruột của Moong Thị Giang. Giang đi từ năm ngoái, khi đang học dở lớp 8. Ngày đó, gia đình nhận được một cuộc điện thoại của Giang nói đã xuống thành phố và đi làm. Sau cuộc điện thoại khoảng 10 ngày, gia đình Giang nhận được giấy của bưu điện xã mời lên nhận 40 triệu đồng. Khi gia đình đến nơi, đúng là có tên người nhận chứ không biết ai gửi. Từ đó, Giang không có tin tức gì nữa. Cùng đi một đợt với Giang có 2 người bạn là Cụt Thị Khôi và Lương Thị Khăm. Khăm đang học lớp 7 còn Khôi đã bỏ học. Gia đình 2 em này mỗi nhà cũng nhận được 40 triệu đồng, cũng không biết ai gửi.

Một góc bản Lưu Thắng ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Lưu Thắng là bản có nhiều phụ nữ bỏ đi nhất. Gặp Trưởng bản Cụt Thanh Sơn, hỏi chuyện thì ông thở dài: “Bản ni đi nhiều lắm”. Việc phụ nữ bỏ nhà đi nhiều bắt đầu từ năm 2011. Theo thống kê của bản đến tháng 12-2013, có đến 49 “đứa con gái và đàn bà” sang Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, có thêm 2 trường hợp nữa. Không chỉ con gái mà có 5 người đã có chồng, con vẫn bỏ đi. Đặc biệt, Seo Thị Thu, sinh năm 1964, có chồng và đến 7 con nhưng vẫn bỏ đi. Trong khi Thu đang giận chồng vì uống rượu thì có một người dưới Khe Năn (cùng xã Chiêu Lưu) lên rủ rê, cho Thu 6 triệu đồng về đưa chồng và Thu đi luôn từ 2 năm nay không liên lạc được. Rồi Cụt Thị Bông, Ven Thị Doong... đều đã có chồng, con nhưng vẫn đi.
Lúc đầu, những phụ nữ trong bản bị người ngoài đến dụ dỗ, nhưng một số người bỏ đi sau đó trở về lừa lại người trong bản mình. Như trường hợp Cụt Thị Bông bị người ngoài lừa bán sang Trung Quốc, sau mấy năm trở về, gặp Moong Thị Phương và mấy phụ nữ trong bản đến hỏi thăm. Bông kể sang Trung Quốc sướng lắm, không phải làm gì, chỉ ở nhà rồi chồng đi làm kiếm tiền về cho... Tin lời đường mật, Phương và một số phụ nữ khác lại bị dẫn dắt ra đi.
Những đứa trẻ bơ vơ
Đến nhà ông Cụt Phò Sang ở bản Lưu Thắng, thấy ông ngồi lặng bên cầu thang nhìn ra ngọn núi phía trước. Ông đang buồn vì cả con dâu, rồi đến con gái là Cụt Thị My bị lừa sang Trung Quốc. My đi từ tháng 3-2013, vừa rồi gọi điện về thông báo đã sinh con. Ông vui vì được tin con, nhưng cũng rất buồn vì con ông, cháu ông không biết cụ thể đang ở đâu. Rồi con trai ông, từ khi vợ bỏ đi cũng không về nhà, bỏ lại cho ông thằng cháu Cụt Văn Đức. Nhắc đến cháu, ông nhìn vô nhà rồi gọi. Thằng cháu từ dưới gầm cầu thang chui lên. Thấy người cháu có nhiều lấm tấm đỏ, tôi hỏi cháu bị sởi à, ông gật đầu. Hỏi sao không giữ cháu trong nhà, ông cười cười: “Không giữ được”.

Bé Moong Thị Quyên với nỗi buồn thiếu mẹ
Ở bản Lưu Thắng, bi kịch nhất có lẽ là gia đình anh Lương Văn Năm và chị Lương Mẹ Hoa, có 4 đứa con, nhà thuộc diện nghèo khó. Trước kia, vợ chồng dựng một túp lều để ở, sau có được một căn nhà theo Chương trình 134. Tuy nhiên, sau đó anh Năm bệnh nặng nên phải bán nhà để chữa trị. Năm 2010, chị Hoa bỏ nhà đi, không liên lạc gì. Không lâu sau đó, anh Năm phát bệnh nặng rồi qua đời. Sau khi bố qua đời, thằng con trai lớn bỏ đi. Năm 2013, cả 3 đứa con gái mới 12, 9 và 7 tuổi cũng bỏ đi, dân bản không biết đi đâu.
Ra đi không hẹn ngày về
Ông Moong Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu cho biết, tình trạng người đi làm ăn xa, bị lừa bán sang Trung Quốc... rộ lên từ năm 2010 đến nay. Theo thống kê, khảo sát chưa đầy đủ, cả xã có khoảng hơn 200 trường hợp đi làm ăn xa. Có khoảng 60 phụ nữ, đa số là người Khơ Mú, ở các bản Lưu Thắng, Lưu Tiến, La Ngan, Khe Tang... đã ra nước ngoài (phần lớn sang Trung Quốc) lấy chồng, làm ăn... Trong số này, có khoảng 20 người tuổi mới 16-17, có 2/3 ra đi theo thỏa thuận, 1/3 ra đi không liên lạc được nên gia đình đã phải nhờ chính quyền “tìm giúp”.
Ông Cụt Thanh Sơn, Trưởng bản Lưu Thắng cho biết, dân bản phần lớn là hộ nghèo. Đất sản xuất thiếu, điều kiện canh tác lúa, ngô, sắn... không thuận lợi nên cho năng suất, thu nhập thấp, như dân bản đã đúc kết “làm nhiều được ăn ít, làm ít không có ăn”.

Ông Cụt Phò Sang và cháu nội Cụt Văn Đức ở bản Lưu Thắng
Điều kiện, môi trường làm ăn khó khăn, thiếu việc làm là nguyên nhân chính khiến thanh niên, đặc biệt là lứa con gái mới lớn, bỏ bản ra đi. Ngoài ra, do nhận thức hạn chế, nhẹ dạ cả tin nên bị lừa; những người có chồng thì vì chồng nghiện ngập, bị đánh đập cũng vì thế mà bỏ đi... Ông Sơn thở dài: “Anh có nghe tiếng lục lạc bò phía núi sau bản không. Tiếng lục lạc “nói” cho dân bản biết buổi sáng con bò đi ra rừng kiếm ăn, buổi chiều con bò về nhà. Nhưng buồn là đàn bà con gái trong bản ta đi rồi không biết có về nữa không...”.
Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, công an huyện đã tham mưu cho chính quyền và trực tiếp thực hiện hầu hết các giải pháp, trong đó có cả những việc làm chi tiết, cụ thể như “soạn bài” về các phương thức, thủ đoạn của bọn buôn bán người... rồi in ra, đưa về tuyên truyền trực tiếp tại 189 bản trên toàn huyện. Trong năm 2013, công an huyện đã điều tra, khởi tố 7 vụ, bắt 9 đối tượng buôn bán người. Đến nay, tình trạng này có giảm nhưng vẫn xảy ra. Cái khó của việc điều tra tệ nạn buôn bán người là khi nhận được tin thì người bị bán đã được đưa ra khỏi địa bàn, loại tội phạm này lại có quá nhiều thành phần, khi làm án phải chứng minh được người bán, người mua...
DUY CƯỜNG