Đây là nỗ lực không hề nhỏ đối với quốc gia sử dụng than đá làm nguồn năng lượng phát điện và cơ bản đã khai thác hết nguồn thủy điện. Thực tế cho thấy, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới. Ở nước ta, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chống biến đổi khí hậu.
Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam có triển vọng rất lớn trong lĩnh vực điện gió và đã có nhiều dự án đưa vào hoạt động thương mại, hòa lưới điện quốc gia. Cùng đó, từ năm 2019, năng lượng mặt trời cũng đã bắt đầu được chú ý đầu tư, khai thác. Dẫu vậy, thống kê mới đây của Bộ Công thương cho thấy, nước ta sẽ thiếu 11 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023, sau đó vẫn sẽ thiếu hụt, bởi nước ta đang vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa sâu rộng.
Trong những năm gần đây, đã có hàng chục tỷ USD vốn FDI đổ vào ngành điện, mà trọng tâm là năng lượng tái tạo. Nổi bật là Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu, do Delta Offshore Energy Pte. Ltd (Singapore) đầu tư với tổng vốn 4 tỷ USD, công suất thiết kế 3.200MW. Quy mô hơn nữa là sự hợp tác giữa Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án điện gió ngoài khơi, tổng công suất 3.500MW, mức đầu tư 10 tỷ USD. Tại tỉnh Long An, VinaCapital đã hợp tác với GS Energy (Hàn Quốc) thành lập liên doanh VinaCapital GS Energy để đầu tư và phát triển dự án nhà máy điện khí hóa lỏng công suất 3.000MW, dự kiến đầu năm 2027 sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Về lĩnh vực điện mặt trời, hàng loạt gương mặt trong nước như Bamboo Capital, Trung Nam, Trường Thành Group… tham gia đầu tư. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, sự đầu tư này vẫn như “muối bỏ biển”, trong khi giai đoạn 2021-2030, nước ta cần 99,3-115,9 tỷ USD để phát triển điện; giai đoạn 2031-2045, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 180-227,3 tỷ USD.
Trong điều kiện nội lực của doanh nghiệp trong nước có hạn, việc tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI đầu tư năng lượng tái tạo được xem là giải pháp khả thi. Song, cũng cần biết rằng, tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế là một cuộc đua không dễ dàng. Để đạt được mục tiêu huy động vốn ngoại, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải đạt khả năng cạnh tranh cao, thủ tục thông thoáng, cải cách hơn nữa, đồng thời tuân thủ quy luật cung cầu và vận hành theo những chuẩn mực toàn cầu hóa.