Tiết kiệm nước ở ĐBSCL

Sông Mêkông là một trong số các con sông lớn nhất hành  tinh. Ở châu Á nó chỉ thua sông Trường Giang của Trung Quốc, chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Con sông lớn này chảy qua vùng các quốc gia đang phát triển phải đối diện với những thách thức ghê gớm về năng lượng và nguồn nước ngọt. Có tới 19 con đập đã và sẽ được xây dựng trên con sông này, do đó sông Mêkông sẽ là con sông có nhiều đập nước nhất thế giới. Hiển nhiên rằng hiểm họa đối với dòng sông, với sinh thái ở lưu vực của nó, đặc biệt là vùng hạ lưu sẽ càng gay gắt hơn. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa và tôm cá lớn nhất của nước ta, lại ở cuối nguồn của con sông này, vì vậy ta cần phải tỉnh táo để nhận biết và đối phó kịp thời có hiệu quả những bất lợi mà con sông sẽ mang đến.
 
Trước hết, phải tạo ra nhiều hồ sinh thái để trữ nước ngọt. Trước đây, Đồng Tháp Mười là hồ sinh thái tự nhiên rất lớn, có tác dụng trữ nước trong mùa lũ, đẩy lùi mặn trong mùa khô, nay đã cải tạo để trồng lúa thì phải làm thêm nhiều hồ nhân tạo để thay thế. Phải xây dựng các đập và cống lưỡng dụng tại các cửa sông để thoát nước trong mùa lũ, ngăn nước mặn tràn vào trong mùa khô một cách có hiệu quả.
 
Ra sức bảo vệ và phát triển các vùng rừng ở ven biển, đặc biệt vùng rừng ngập mặn ở bán đảo Cà Mau để ngăn mặn xâm nhập vào đồng bằng. Năm 1995, trong cuộc hội thảo khoa học về bảo vệ và sử dụng nguồn nước sông Mêkông do Ủy ban sông Mêkông và Bộ Thủy lợi Việt Nam chủ trì đã công bố các số liệu về thủy văn cho thấy, 70% lượng nước ở vùng hạ lưu con sông này xuất phát từ các sông suối ở các vùng rừng nguyên sinh của nước Lào và một phần nhỏ ở rừng Trường Sơn của Việt Nam. Vì vậy việc bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực này là cực kỳ quan trọng.

Phải có một kế hoạch với những giải pháp cụ thể và có hiệu quả trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước để sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Phải cơ cấu lại mùa vụ và cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, chẳng hạn 1ha lúa cần tới 3.000m³ nhưng 1ha rau màu như bắp, đậu nành chỉ cần 500 - 1.000m³ nước. Vì vậy nên giảm bớt diện tích lúa vụ 3 để trồng xen bắp và đậu nành và những nơi trồng lúa kém hiệu quả. Cần ổn định và thâm canh diện tích nuôi trồng thủy sản. Xây dựng hệ thống thủy lợi để chống thất thoát nước, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng.

Tiết kiệm nước phải trở thành kế hoạch và hành động cụ thể để kịp thời ứng phó với sự suy giảm nguồn nước ở ĐBSCL.

TRẦN QUỐC KHẢI

Tin cùng chuyên mục