Tìm cây “thần tài” cho cao nguyên đá

Tỉnh miền núi cao Hà Giang hiện có trên 63.000 hộ nghèo, chiếm gần 42% tổng số hộ toàn tỉnh. Theo ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các hộ nghèo phần nhiều do thiếu vốn và thiếu đất canh tác. Cây cải dầu hiện đang được coi là đáp án cho bài toán về loài cây trồng tăng thu nhập. Chủ trương của tỉnh đến năm 2015 sẽ có trên 10.000ha trồng loại cây này tại 4 huyện vùng cao nguyên đá, tuy nhiên, người dân đã lạnh nhạt với loại cây này chỉ sau 2 vụ trồng.
Tìm cây “thần tài” cho cao nguyên đá

Tỉnh miền núi cao Hà Giang hiện có trên 63.000 hộ nghèo, chiếm gần 42% tổng số hộ toàn tỉnh. Theo ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các hộ nghèo phần nhiều do thiếu vốn và thiếu đất canh tác. Cây cải dầu hiện đang được coi là đáp án cho bài toán về loài cây trồng tăng thu nhập. Chủ trương của tỉnh đến năm 2015 sẽ có trên 10.000ha trồng loại cây này tại 4 huyện vùng cao nguyên đá, tuy nhiên, người dân đã lạnh nhạt với loại cây này chỉ sau 2 vụ trồng.

Vườn hoa hồng tại thị trấn Đồng Văn (Hà Giang)

Vườn hoa hồng tại thị trấn Đồng Văn (Hà Giang)

Dầu chưa ép, dân đã ngán

Vụ đông năm 2008, tỉnh Hà Giang trồng khảo nghiệm cây cải dầu tại huyện Đồng Văn, tổng diện tích 13,47ha tại các xã Phố Là, Phố Cáo, Lũng Cú, Sủng Là với 154 hộ tham gia. Có 5 giống cải dầu thuần được đưa vào gieo trồng do Công ty giống Kim Thụy (Vân Nam - Trung Quốc) cung ứng. Năng suất bình quân 5 tạ/ha. Đến vụ đông năm 2009, cây cải dầu được trồng trên diện tích 210ha. Kết quả thu được rất thấp ở những vùng gieo trồng của các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc...

Đáng chú ý, cũng trong thời gian này, Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) trồng thử nghiệm 12 giống hạt cải dầu nhập từ của Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Canada trên diện tích 2ha tại cả 4 huyện vùng cao núi đá. Kết quả thu được rất khả quan, cho năng suất 12-15 tạ/ha. Hàm lượng dầu trong hạt đạt 40%-42% tính theo trọng lượng khô. Với giá thị trường 10.000 đồng/kg, người dân lãi 5-10 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần so với trồng bắp chính vụ. Từ kết quả khảo nghiệm này, tỉnh Hà Giang càng quyết tâm trồng đại trà cải dầu tại vùng đá với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT hợp đồng với Viện Công nghệ thực phẩm thu mua toàn bộ số hạt cải với giá 10.000 đồng/kg.

Vụ đông - xuân năm 2010-2011, tỉnh giao chỉ tiêu cho 4 huyện trồng 1.000ha cải dầu với cơ chế hỗ trợ 70% giống, 50% phân bón hóa học và 100% thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp ứng trước 30% giống và 50% phân bón còn lại, sau khi thu hoạch người dân mới phải hoàn trả. Đầu ra của sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Đông Thành bao tiêu toàn bộ. Công ty này cũng chịu trách nhiệm quảng bá sản phẩm “Dầu cải Đồng Văn Hà Giang”. Đổi lại, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua dây chuyền thiết bị, chuyển giao công nghệ, cho thuê đất xây dựng nhà xưởng của công ty này.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, rất lạc quan cho biết, các huyện đã gieo trồng được 950/1.000ha cải dầu, đạt 95% kế hoạch. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất ít địa phương đạt được con số đó, đơn cử tại huyện Quản Bạ, các xã báo cáo đã gieo trồng 172ha, song qua khảo sát của ngành nông nghiệp, diện tích gieo trồng thực tế chỉ đạt gần 115/200ha. Ông Phan Thống Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, dè dặt nói: “Vụ đông - xuân năm 2010-2011 xã được giao trồng 17ha cải dầu. Ráo riết vận động được 27 hộ đăng ký trồng 10,2ha, các hộ này sau đó thực trồng chỉ 7,6 ha. Vụ cải dầu năm trước vừa thất bại nên dân không tin vào thành công của cây này. Nhưng quan trọng hơn, hạt cải của vụ trước vẫn chưa tiêu thụ được nên dân sợ làm ra không bán được”.

Còn anh Hạng Mí Chơ ở thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ đã 2 năm trồng cải dầu trên diện tích 1.000m2, thật thà cho biết: “Trước đây trồng bắp lai đỡ tốn công, lại không đói. Nay bắt bỏ bắp trồng cải dầu, chỉ được lúc nở hoa đẹp làng, đẹp bản nhưng lại… đói. Cả thôn không ai thích trồng cải dầu, chính quyền bảo làm thì phải làm thôi”.

Hương thảo có “thơm”?

Mấy năm trước, vùng thảo quả thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ được xem như mỏ vàng lộ thiên với hơn 300ha, cho thu nhập trên dưới 3 tỷ đồng/năm. Nay, nói đến thảo quả, người dân không còn hào hứng vì ở đây có loại cây trồng mới cho thu nhập cao gấp 5 lần và được người dân gọi nôm na là cây hương thảo (cỏ thơm). Cây này dễ trồng như rau lang, rau muống. Kiếm nắm ngọn, cắm thân cây xuống đất, không cần chăm sóc tưới bón và chỉ vài tháng sau cây đã lan nhanh thành cả đám rộng. Khi thu hoạch chỉ việc cắt thân ngọn hoặc nhổ cả rễ, đập bỏ đất, treo lên giàn sấy cho tái để lâu không mốc. Mỗi người có thể cắt sấy cả trăm ký hương thảo/ngày. Hiện giá thu mua tại chợ xã 30.000 đồng/kg tươi và trên 100.000 đồng/kg đã sấy tái.

Tìm cây “thần tài” cho cao nguyên đá ảnh 2

Hương thảo được thu mua tại phiên chợ xã biên giới Tùng Vài (huyện Quản Bạ, Hà Giang)

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Quản Bạ cho biết không muốn tuyên truyền về cây hương thảo vào thời điểm này. Theo ông Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, đến nay cả huyện lẫn tỉnh đều chưa biết rõ về loại cây này, từ tên khoa học đến tác dụng của nó, nguồn gốc cũng không rõ ràng. Huyện đã có văn bản nhờ cơ quan chuyên môn Trung ương xác định giúp nhưng chưa được hồi đáp. Vẫn theo ông Hội, do hiệu quả kinh tế cao, mấy năm gần đây người dân các xã biên giới như Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn tự phát mở rộng diện tích trồng hương thảo trong khi huyện không khuyến khích.

Bí thư Đảng ủy xã Tùng Vài Nguyễn Tiến Trường cho biết, trước đây dân phải trồng “chui” cây hương thảo vì huyện không ủng hộ, thêm nữa được biết cây này có tinh dầu độc hại với côn trùng, nên trồng ở rừng đầu nguồn có thể gây độc hại cho nguồn nước sinh hoạt của địa phương. Nhưng qua vài năm trồng thử, có thu nhập cao nên năm 2010 xã đã có nghị quyết phát triển loại cây này. Hiện toàn bộ số hương thảo sau thu hoạch được tư thương Trung Quốc thu mua.

Được biết trước đây để trồng thảo quả, người dân phải giữ gìn môi trường tự nhiên vì thảo quả là loại cây khó tính, chỉ mọc dưới tán rừng rậm. Song, cán bộ ngành nông nghiệp cũng bày tỏ sự lo ngại bởi việc người dân ồ ạt trồng hương thảo sẽ dẫn đến tình trạng bị tư thương ép giá, thậm chí không thể tiêu thụ, từ đó dẫn tới một “hiểm họa” mới.

Triển vọng về một “Đà Lạt”

Không nổi tiếng như nhiều món đặc sản khác, các loại rau xanh của vùng cao nguyên đá Hà Giang vẫn luôn gây ấn tượng đặc biệt với du khách, nhất là rau được sản xuất tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Vài năm gần đây, suốt đoạn quốc lộ 4C qua xã có hàng chục quán bán rau xanh “đặc sản Hà Giang” về xuôi, giá không hề rẻ nhưng rất hút khách. Về mặt địa hình, độ cao và vị trí địa lý đã tạo cho Quyết Tiến một lợi thế đặc biệt để phát triển các loại rau ôn đới. Toàn xã có gần 600ha rau, trồng rải rác tại các vườn hộ gia đình, khu vực xung quanh nhà ở. Tập trung hơn cả chủ yếu ở 7 thôn nằm dọc theo trục quốc lộ 4C, có diện tích đất đai tương đối bằng phẳng, thích hợp cho trồng rau là: Nậm Lương, Lùng Thàng, Đông Tinh, Tân Tiến, Bó Lách, Vĩnh Tiến và Lùng Mười.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm đến vùng này để thuê đất đầu tư vào các loại rau, hoa có chất lượng cao như: lys, tầm xuân, hồng, bắp cải, su hào, ớt, đậu, bí, tỏi… Những diện tích vốn chỉ để trồng bắp và rau được doanh nghiệp thuê từ 15-18 triệu đồng/năm, người dân còn được tiếp thu nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật và làm quen với việc sản xuất nhiều loại rau, hoa trước đây địa phương không có.

Mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo về phát triển vùng rau, hoa tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và cây dược liệu tại 4 huyện vùng cao núi đá. Thành công của dự án phát triển vùng rau, hoa chuyên canh không những góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân vùng dự án, mà còn tăng sức hút du lịch cho cao nguyên đá Đồng Văn. Với vùng rau, hoa này, có thể ví Quản Bạ như một “Đà Lạt” của Công viên Địa chất toàn cầu.

Chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Đông Tinh, cho biết, doanh nghiệp thuê đất rồi lại thuê ngay chủ đất làm rau, trừ chi phí còn lãi 40-50 triệu đồng/ha/vụ, mỗi năm có thể trồng 2-3 vụ. Nhiều hộ dân đã chuyển một số diện tích đất trồng bắp sang trồng rau xanh hàng hóa. Theo chị Hòa, nhu cầu thị trường còn rất lớn, các hộ xã viên có thể mở rộng diện tích rau gấp đôi nhưng do thói quen của đồng bào vùng cao, gia đình nào cũng để nhiều đất trồng bắp, lúa làm lương thực cho người và gia súc, thừa ra mới trồng rau bán. Nhất là việc trồng hoa thương phẩm lại càng xa lạ. Tuy biết thâm canh cây rau hoặc trồng hoa sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều nhưng vận động vẫn khó. “Phải mất hàng năm vận động, bà con mới chịu cho thuê đất trồng hoa thử nghiệm tại vùng đá” - ông Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn), chia sẻ.

Theo ông Nam, dựa vào thực tế lợi nhuận thu được từ việc chuyển đổi cây trồng từ bắp khoai sang trồng hoa, hiện nay bà con đã hào hứng với việc này. Từ thành công của dự án trồng thử nghiệm hoa lys trái vụ được triển khai tại huyện Đồng Văn cuối năm 2010, mở thêm một hướng đi vững chắc cho nghề trồng hoa tại cao nguyên đá. Với 3.500 gốc lys thử nghiệm, sau 3 tháng đã cho thu nhập trên 800 triệu đồng (bán buôn tại vườn 20.000-25.000 đồng/cành). Nhiều hộ dân tại các xã Sủng Là, Sảng Tủng, Thài Phìn Tủng, thị trấn Phó Bảng đã quyết định đầu tư vốn, nhà lưới để trồng hoa lys trái vụ cung cấp cho thị trường. Hy vọng Phó Bảng sẽ sớm trở thành làng hoa chuyên canh của cao nguyên đá.

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục