Huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) là một trong các huyện nghèo nhất nước. Nơi miền biên ải này, đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú… thiếu thốn không chỉ vật chất mà cả tinh thần, trong đó nhiều người vẫn đang “đói” chữ. Để xóa “đói” cho đồng bào, những lớp học đêm ở rừng đã được mở ra. Và chính những thầy cô giáo cắm bản trên miền rẻo cao này là những “hoa tiêu” đưa đồng bào đi tìm “cái chữ”. Nhưng, để tìm được “cái chữ” nơi đây thật gian nan. Gian nan được đánh đổi bằng những đêm trắng của giáo viên giữa núi rừng tối mịt, gian nan qua những bước chân cao thấp của người học, sau cả ngày trời lên rẫy mệt nhoài...
Các cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ hướng dẫn học sinh học bài ban đêm
Vào Mường Típ
Cuối giờ chiều. Anh Trần Hữu Trường, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn, dùng ô tô loại gầm cao đưa chúng tôi vào xã Mường Típ. Bất chợt, trận mưa rừng đổ ào xuống. Từ Mường Típ báo ra “trong này có mưa đá”. Mấy anh em thấy lo. Lo không chỉ bởi mưa rừng sẽ khiến đường đi vất vả, mà lo nhất là bà con sẽ không đi học. Liên lạc lại bằng điện thoại thì mất sóng.
Chiếc xe lắc lư nên những người ngồi trong xe va đập vào các phụ kiện đau nhói. Con đường loang lổ, giữa một bên núi rừng thâm u, một bên là sông Nậm Mộ hun hút, dòng nước đục ngầu. Ngồi trên xe, thầy Trịnh Hoàng Tuấn, Hiệu phó Trường Tiểu học Mường Típ 2, nói: “Mặc dù khó đi nhưng vẫn là… đường cho ô tô, xe máy đi được, chứ ngày xưa từ thị trấn Mường Xén vào đến Mường Típ cơ cực lắm, lên dốc đau lưng, xuống dốc bầm gót chân”. Trường Tiểu học Mường Típ 2 hiện có 175 học sinh, chia làm 5 điểm trường ở 5 bản. Trong số 29 giáo viên có 12 cô giáo. Vào đến điểm chính của trường đã gian nan, nhưng gian khổ gấp bội là “lội” đường đến các điểm bản. Có nơi phải đi bộ cả nửa ngày đường, như điểm ở bản Huồi Khói, Chà Lạt.
Đến điểm bản Huồi Phe thì trời đã tối. Ăn vội chén cơm cùng mấy thầy cô rồi ghé vào điểm Trường Tiểu học Mường Típ 2. Không khí trong trường thật sôi động. Mấy chục cháu cấp tiểu học đang cùng nhau đọc to ôn bài. Âm vang khuấy động như đàn ve rừng “hòa tấu” vào hạ. Cô giáo Lê Thị Thủy đang hướng dẫn các cháu ôn bài. Cô bảo, gần đây có điện nên giáo viên đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước kia. Ở miền rẻo cao này, do điều kiện nên nhiều em chậm tiếp thu; vì thế ngoài giờ chính khóa ban ngày, thầy cô còn phải dạy phụ đạo thêm cho học trò cả vào ban đêm. Thầy Hạ Bá Và, Hiệu phó Trường Tiểu học Mường Típ 2, góp chuyện: “Bây giờ các em có điều kiện hơn nhiều. Có điện, khá đủ sách vở, đồ dùng học tập… chứ như thời của tôi để “tìm được cái chữ” khó hơn bắt con chim bay ngang rừng”. Bản người Mông của thầy Và nằm trên núi cao ở vùng Huồi Khói, Chà Lạt. Nếu đứng từ điểm trường chính tại bản Huồi Phe có thể nhìn thấy ngọn núi cao trên bản. Nhưng mỗi lần xuống trường học dưới Huồi Phe, thầy Và phải đi bộ vòng vo “như lối đi của rắn”, hết gần một ngày đường mới đến nơi. Cũng vì gian khổ thế nên thầy quyết tâm tìm bằng được “cái chữ” đem về “gieo” lại cho đồng bào mình.
Đến bản Xốp Phe, chúng tôi ghé vào một điểm trường khác thuộc Trường Tiểu học Mường Típ 2. Trong lớp học như loạn cả lên khi thầy Lô Xuân Hằng đang tìm cách lấy ra con tắc tè (dạng như con đỉa) ở mũi em Moong Thị Luyến. Nguyên do trên đường đến lớp học buổi tối, Luyến đi ngang qua con suối và tiện tay vọc xuống lấy nước rửa mặt, vì không để ý nên bị con tắc tè bám theo rồi chui vào mũi. Ở phòng kế bên là lớp học dành cho… phụ huynh. Thầy Ven Văn Tôn đang gõ thước lên bảng cho “học trò” đọc bài. Thầy Tôn cho biết, lớp học có 15 người, được mở từ tháng 8-2015 và đều là phụ nữ lớn tuổi vì ban ngày các bà, các chị còn phải lên rẫy. Trong số “học trò” ở lớp này có bà Moong Mẹ Túc là vợ ông Moong Phò Túc - Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ và cả vợ của thầy Tôn là chị Moong Thị Mưu. Tôi trêu: “Thế dạy vợ có khó không?”. Thầy Tôn cười: “Ở nhà là vợ, đến lớp là học trò của tôi mà”.
Với câu hỏi “vì sao các chị thích đi học”, ban đầu các bà, các chị ái ngại, cứ cúi mặt nhìn vở, nhìn sách. Nhưng khi được thầy Tôn khích lệ, “các trò” lại tranh nhau trả lời:
- Ta đi học để xem tivi.
- Ta đi học để biết cầm cái cân, biết bán ngô (bắp) tính tiền nhanh hơn.
- Ta đi học vì muốn đọc thư con ta. Nó đi học ở xa, gửi cái thư về phải nhờ người khác đọc, ngại lắm.
- Ta đi học vì con có nói mua cho ta cái điện thoại. Ở bản ta có cái sóng rồi mà.
- Ta đi học để đọc thiệp mời ăn đám cưới.
...
Chúng tôi ghé nhà Bí thư Đảng ủy xã Moong Phò Túc. Ông Túc thật thà: “Ngày trước ta cũng muốn cho vợ đi học lắm chứ. Nhưng học rồi “nó” lại chui vô rẫy nên con chữ cũng trôi theo suối luôn. Sau này được cán bộ trên vận động, ta sáng ra nên khuyến khích vợ đi học để làm gương”. Nói rồi ông Túc vào buồng, mặc quần áo chỉnh tề bước ra. Tưởng ông đi đâu, nhưng ông trèo lên giường, chỉ những tấm giấy khen treo trên tường, bảo: “Nhà báo thấy không? Con ta, cái con Moong Y Tâm ấy, nó học giỏi lắm, được rất nhiều giấy khen đây này. Giờ nó đang học năm thứ 2 Trường Đại học Vinh đấy”. Khi chúng tôi chào ra về, ông Túc kêu lên: “Ồ, quên chưa nói cho mấy chú biết, xã ta có 86 đứa học đại học, cao đẳng, trung học dưới xuôi đấy, tự hào không?”.
Thầy Ven Văn Tôn hướng dẫn cho “trò - vợ” Moong Thị Mưu học bài
Hoa trên rẻo cao
Trong chuyến đi này, chúng tôi thật khó quên những thầy cô giáo mà mình đã gặp. Một chuyên viên Phòng GD-ĐT như anh Trường nhưng đã “kinh qua” nhiều năm gắn bó với Trường Tiểu học Mỹ Lý, Na Ngoi. Vì biết nghề mộc nên tranh thủ thời gian nghỉ hè, anh đóng rương, tủ cho bà con lấy công. Thời những năm 1990 thì công nghề mộc cao gấp mấy lần lương nghề dạy nhưng anh vẫn “bám” nghề cho đến gần đây mới chuyển về Phòng GD-ĐT. Một thầy Hạ Bá Và quyết tâm xuống núi tìm chữ cho người Mông mình như đã kể. Một thầy Trịnh Hoàng Tuấn chấp nhận cảnh sống xa vợ con. Vợ anh ở dưới huyện Con Cuông, một mình chăm sóc con cái, còn anh ở lại Mường Típ lo “chăm chữ” cho trò. Một cô giáo Liêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Típ 2, quê ở TP Vinh, đủ điều kiện về xuôi công tác nhưng cô Liêm bảo đã “quen người, quen nết” miền rẻo cao này rồi và nhất là thật khó xa những đứa trẻ thiệt thòi, thiếu thốn nơi đây. Và các cô giáo trẻ từ dưới xuôi lên, như cô Thủy nhà ở huyện Tương Dương, cô Nhung ở huyện Anh Sơn, cô Linh quê huyện Thanh Chương… Các cô đều chưa chồng nên khi nhắc chuyện yêu đương, ai cũng đỏ mặt, ngượng ngùng nói: “Trên ni biết yêu ai, mà người ta cũng không dám yêu và lấy các cô giáo ở chốn núi rừng ni mô”.
Hơn 11 giờ đêm. Mặc dù mọi người khuyên nên ở lại chờ trời sáng hãy về, nhưng chúng tôi vẫn quyết “chui” ra khỏi rừng. Về đến gần bản Nhãn Lỳ (xã Tà Cạ) thì xe bị đá “chém” hỏng lốp. Thấy anh em lo lắng, anh Trường cười bảo “yên tâm” rồi như thợ sửa xe lành nghề, anh kích cầu xe, thay bánh dự phòng vào. Anh Trường tâm sự, giáo viên trên miền rẻo cao này cái gì cũng phải biết qua, chứ nếu không giữa núi rừng tối tăm thế này thì cầu cứu ai. Nghĩ lại càng quý, càng nể phục các thầy cô cắm bản mà chúng tôi vừa gặp. Họ như những bông hoa lấp ló bên cánh rừng trên miền rẻo cao Kỳ Sơn này.
DUY CƯỜNG