Tìm giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới ĐBSCL. 
Vựa lúa ĐBSCL chịu thiệt hại do thiếu phù sa và hạn mặn
Vựa lúa ĐBSCL chịu thiệt hại do thiếu phù sa và hạn mặn
“Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới ĐBSCL. Sự dâng lên của nước biển, giảm thiểu dòng chảy từ thượng nguồn, gia tăng hạn hán, xâm thực mặn, phèn hóa đang biểu hiện ngày càng rõ rệt và chưa có khuynh hướng dừng lại. Chính vì vậy, đây là lúc cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động này tại ĐBSCL”, là cảnh báo của các nhà khoa học tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp vừa diễn ra tại Hậu Giang.

Theo đó, trong tương lai gần, BĐKH sẽ làm xu thế ngập lũ nước mặn và triều trên vùng đồng bằng ven biển gia tăng, trái ngược lại với xu thế thay đổi diễn biến lũ nước ngọt đến từ thượng lưu.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học cho rằng, cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, có xét đến suy giảm cả lũ nước ngọt và phù sa; nghiên cứu các giải pháp thay đổi thời vụ cho các vùng nhằm giảm tập trung nước trong các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô, kết hợp với giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ. 

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hiện tỉnh đã xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, sử dụng cống đập thời vụ nếu nồng độ mặn cao, dịch chuyển mùa vụ, khôi phục lại tập quán cày ải phơi đất. Đẩy nhanh việc chuyển đổi canh tác lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu, chú trọng cây trồng cạn hoặc cây công nghiệp ngắn ngày để hạn chế nước tưới, góp phần thích ứng với BĐKH”.
Theo Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam, cần rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực ở các tỉnh, TP phù hợp với các quy hoạch chung toàn vùng. Có chính sách khuyến khích người thực hiện theo quy hoạch.

Theo ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, BĐKH đã hiện hữu rất rõ, thay đổi nhanh chóng theo từng năm, đã gây ra những tác hại khó lường đến sản xuất nông nghiệp trên cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Điển hình là tình trạng hạn, mặn lịch sử ập đến trong năm 2016 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, làm thất thu hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp căn cơ, thích ứng với tình hình thời tiết bất lợi hiện nay là rất cấp thiết đối với các tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBSCL...

Chính từ sự cấp thiết trên, diễn đàn đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, Sở NN-PTNT, nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cục, viện, trường và 180 nông dân trong vùng. Tại đây, ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để nông dân đặt câu hỏi, giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học, nhà quản lý về các mô hình sản xuất phù hợp, tình hình dịch bệnh, nhất là đối với cây ăn trái. Qua đây, đã nâng cao nhận thức, tạo sự chủ động cho người dân trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh trong vùng ĐBSCL theo hướng bền vững.

Tin cùng chuyên mục