Tìm giải pháp đột phá phát triển nhà ở xã hội

Ngày 28-3, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội (NƠXH)”, với sự tham dự của lãnh đạo của các sở ngành và các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bất động sản…
Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Thông tin tại hội thảo cho biết, nhu cầu về NƠXH, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2 triệu m2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án NƠXH nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất…

Tại TPHCM, chương trình phát triển nhà ở, nhất là NƠXH là chủ trương lớn của TP. Đến năm 2030, TP dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn NƠXH, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TPHCM cho hay, trong năm 2022 chỉ có duy nhất dự án 260 căn NƠXH được đưa vào vận hành tại TP Thủ Đức, là dự án đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Một thực tế hiện nay là dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán xong mới được miễn.

Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua NƠXH, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển NƠXH cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu NƠXH cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển NƠXH.

Một dự án NƠXH trên địa bàn TPHCM

Một dự án NƠXH trên địa bàn TPHCM

Ông Phạm Đăng Hồ chia sẻ, trên cơ sở rà soát các vướng mắc, TPHCM đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án NƠXH. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ NƠXH trong tương lai.

Các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo cho rằng, NƠXH là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NƠXH đạt mục tiêu đề ra.

Tin cùng chuyên mục