Tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm: Nhà nước không thừa nhận

Chương trình “Trở về từ ký ức” số mới nhất do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện có nhiều thông tin quan trọng về khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm. Trong số đó có cả nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng. Theo chương trình, rất nhiều thân nhân, gia đình các liệt sĩ đã nhận xương động vật được gán là hài cốt của người đã khuất. Thông tin này đã đặc biệt gây xôn xao dư luận. Chiều 25-10, bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ĐỖ MẠNH HÙNG  đã trao đổi với báo chí  về vấn đề này.

Chương trình “Trở về từ ký ức” số mới nhất do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện có nhiều thông tin quan trọng về khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm. Trong số đó có cả nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng. Theo chương trình, rất nhiều thân nhân, gia đình các liệt sĩ đã nhận xương động vật được gán là hài cốt của người đã khuất. Thông tin này đã đặc biệt gây xôn xao dư luận. Chiều 25-10, bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ĐỖ MẠNH HÙNG  đã trao đổi với báo chí  về vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ hiện đang được tiến hành ra sao?

>> Ông ĐỖ MẠNH HÙNG: Việc tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ là vấn đề  Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư quan tâm giải quyết và dư luận đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, trong Nghị quyết 494 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ triển khai thực hiện 2 đề án: tìm kiếm quy tập mộ hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ vô danh.

Trong quá trình đi tìm hài cốt liệt sĩ cũng có hiện tượng lợi dụng khả năng đặc biệt hay gọi là ngoại cảm. Chúng tôi cũng được báo cáo nhiều trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, gia đình có tổ chức đưa về quê nhà và yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức nghi lễ làm địa phương cũng lúng túng. Đã xảy ra một số trường hợp địa phương phải đồng ý với gia đình đứng ra làm nghi lễ để đưa hài cốt vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng sau đó một thời gian chúng ta tìm được chính xác hài cốt liệt sĩ đó ở nơi khác với đầy đủ căn cứ xác minh. Trong những trường hợp này rất khó xử với chính quyền địa phương.

- Vậy chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới đối với việc này như thế nào?

Tôi được biết Bộ LĐTB-XH có chủ trương không công nhận những hài cốt tìm được bằng con đường ngoại cảm. Để đảm bảo tính pháp lý, bộ đã mở ra hướng gia đình và cơ quan chức năng phối hợp để làm giám định ADN hài cốt liệt sĩ, nếu chính xác thì sẽ tổ chức nghi lễ chu đáo để quy tập hài cốt vào nghĩa trang liệt sĩ. Như vậy có thể nói từ trước đến nay việc lợi dụng hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm là có, thậm chí có trường hợp có tính chất lừa đảo.

Theo tôi, các cơ quan chức năng cần làm rõ tính chất mức độ vi phạm của từng trường hợp này và có hướng xử lý nghiêm minh. Mặt khác cũng phải thông tin tuyên truyền đầy đủ để dư luận xã hội hiểu. Dĩ nhiên ai cũng muốn chia sẻ với những gia đình có sự mất mát hy sinh trong kháng chiến và cũng đều mong muốn gia đình họ tìm được người thân của mình. Tuy nhiên cũng phải cảnh báo hiện tượng những người lợi dụng việc đó để kiếm lợi một cách phi pháp và phi nhân tính.

- Thực tế việc nhiều gia đình nhờ đến hoạt động ngoại cảm để tìm mộ người thân là rất phổ biến. Nếu nhà nước không công nhận, xác nhận hài cốt liệt sĩ nếu không có giám định ADN mà thiếu giải pháp quản lý thì có biết bao gia đình vẫn hao tâm tốn tiền đi tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm?

Trên thực tế, nhiều địa phương cũng rất lúng túng với điều này, vì việc đi tìm kiếm hài cốt người thân hy sinh đều xuất phát từ tình cảm, yêu cầu rất chính đáng. Nhưng cách làm của nhiều gia đình rất tự phát, khi đến các địa phương mà có thông tin là người thân của mình đã chiến đấu và hy sinh tại đó để tìm thì cũng tạo một sức ép cho địa phương. Nhiều địa phương nói từ chối thì khó nhưng hỗ trợ giúp đỡ cũng thiếu cơ sở, thôi thì cứ vì tình người để làm tròn trách nhiệm của mình.

Tôi nghĩ thời gian tới phải có quy định chặt chẽ hơn về việc này. Đặc biệt, cũng cần có thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ: nhà nước đã có chính sách, chủ trương và đang nỗ lực ở mức cao nhất để từng bước giải quyết tốt vấn đề này. Đây cũng là một món nợ về tình cảm, tâm linh của những người đang sống với những người đã hy sinh.

- Với những nhà ngoại cảm nổi tiếng, nhiều cơ quan nhà nước như các đoàn quy tập của Bộ Quốc phòng, của nhiều DNNN bỏ tiền ra tổ chức việc quy tập hài cốt liệt sĩ như một hoạt động xã hội, tri ân thì cũng đều thực hiện “quy trình” mời nhà ngoại cảm. Ông đánh giá về vấn đề này thế nào?

Bây giờ mà nói đánh giá một cách đầy đủ thì cũng khó và tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc để trên cơ sở thực tế, cơ sở khoa học có thông tin chính xác về vấn đề này. Theo tôi đã có hiện tượng lợi dụng để kiếm lời phi pháp, phi đạo đức, mà đã xác định được việc này có tính chất không thật, thậm chí dàn dựng, lừa đảo thì phải nghiêm trị.

- Có những tổ chức tập hợp những nhà ngoại cảm và hoạt động rất công khai, khiến người dân càng tin và trông đợi. Việc này có gì bất ổn?

Tôi cho rằng ngay lập tức các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xác minh làm rõ xem quá trình cấp phép, kiểm tra, thanh tra, kết quả hoạt động thực sự của những tổ chức này như nào thì mới kết luận được.

- Bộ LĐTB-XH hay Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có thống kê được bao nhiêu phần trăm tỷ lệ hài cốt liệt sĩ chính xác qua tìm bằng nhà ngoại cảm?

Nhà nước đã có chủ trương không thừa nhận việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng con đường này nên cũng không có con số thống kê.

* Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH thì hiện còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và hơn 200.000 liệt sĩ tuy đã có mộ trong nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, cộng lại là trên 500.000 người, chiếm gần 1/2 số liệt sĩ của ta qua 2 cuộc kháng chiến.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục