Tìm lối thoát phá sản

Kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, Đông Nam Á đã siết chặt việc đi lại bằng đường hàng không với hầu hết các quốc gia. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi doanh thu các hãng hàng không trong khu vực giảm mạnh. 

Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính thiệt hại của các hãng hàng không Đông Nam Á ở mức 38 tỷ USD, khi nhu cầu hành khách giảm 49% từ năm 2019 đến 2020 với khả năng mất 7,2 triệu việc làm.

Các hãng hàng không nhỏ và vừa trên thế giới đã nộp đơn xin phá sản, do đại dịch có Flybe ở Anh, Trans State và Compass Airlines ở Mỹ và Virgin ở Australia. Tại Đông Nam Á, mới đây nhất, hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways đã nộp đơn xin phá sản, dọn đường cho tái cấu trúc. Thai Airways có khoản nợ tồn đọng khoảng 92 tỷ baht (khoảng 2,8 tỷ USD), với khoảng 78% là nợ các nhà đầu tư trái phiếu, theo số liệu của Bloomberg. Tại Indonesia, hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đã cho khoảng 800 nhân viên tạm nghỉ việc 3 tháng kể từ ngày 14-5, trong bối cảnh vật lộn để duy trì hoạt động mùa Covid-19. Quý đầu tiên của năm 2020, doanh thu hành khách và hàng hóa của hãng giảm 31,9%. Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines (SIA) báo cáo khoản lỗ ròng 212 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3. Đây là khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử 48 năm của hãng. Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines (MAS) đang thua lỗ nay lại thêm khó khăn vì đại dịch khiến quan chức Malaysia đang tính chuyện sát nhập MAS với với Air Asia.

Hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways đã nộp đơn xin phá sản
Các chuyên gia kinh tế cho biết, dù không chắc chắn nhưng họ vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng nhu cầu đi lại toàn cầu sẽ phục hồi, ít nhất là một phần vào nửa cuối năm 2020 và ngành hàng không sẽ có sự phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu của hành khách có thể thấp hơn nhiều so với dự báo, vì các tác động kinh tế do đại dịch ở các nước ASEAN.


Theo các chuyên gia, một chiến lược có thể giải quyết tác động của nhu cầu đi lại thấp của các hãng hàng không ASEAN là thông qua các thỏa thuận giữa ASEAN và các khu vực khác, như Hiệp định vận tải hàng không toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN (gọi tắt là CATA ASEAN-EU) đang được xúc tiến. CATA ASEAN-EU sẽ là thỏa thuận đầu tiên ở quy mô liên lục địa và bao gồm một loạt hội tụ quy định, bao gồm tiếp cận thị trường, an toàn, an ninh, quản lý không lưu, bảo vệ xã hội, người tiêu dùng và môi trường. Các chuyên gia tin rằng thỏa thuận này có thể giúp ngành công nghiệp hàng không ASEAN phục hồi bằng cách cải thiện quyền bay giữa các quốc gia.

Chẳng hạn, các hãng vận tải ASEAN bay từ Chiang Mai (Thái Lan) đến Amsterdam (Hà Lan) có điểm dừng chân tại Paris (Pháp) sẽ được phép đón khách và chở hàng cho chặng giữa 2 thành phố châu Âu. Tương tự, các hãng hàng không của EU sẽ có thể bay từ Düssre (Đức) đến Surabay (Indonesia) với một điểm dừng tại Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) hoặc Jakarta (Indonesia).

Điều này được kỳ vọng sẽ làm tăng lưu lượng giao thông hàng không ở ASEAN và EU, do đó củng cố vị thế của cả sân bay 2 khu vực, tạo ra nhu cầu bổ sung có thể giúp xây dựng các kết nối mới, bao gồm mở lại các kết nối bị bỏ trong đại dịch. Các chuyên gia kinh tế cũng tin rằng CATA ASEAN-EU sẽ loại bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường.

Tin cùng chuyên mục