Tín dụng… bạc cắc

Tiền nhỏ nghĩa lớn
Tín dụng… bạc cắc

Trên đảo ngọc Phú Quốc đâu đâu cũng thấy những dự án hàng ngàn tỷ đồng và cũng có những người ngày ngày mòn mỏi chờ được vay bạc cắc để mua heo nhưng chưa đến lượt. Trong khi những đồng nghiệp ở nhiều ngân hàng mở miệng là nói đến tiền tỷ thì cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội toàn đi giao và thu tiền lẻ.

Cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch huyện Phú Quốc, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, đến từng xã phục vụ người dân.

Cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch huyện Phú Quốc, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, đến từng xã phục vụ người dân.

Tiền nhỏ nghĩa lớn

Ông Hoàng Văn Nhiệm, 55 tuổi, từ Hà Tây vào ấp 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lập nghiệp từ năm 1991. Vợ chồng ông cùng 2 người con ngày qua ngày cần mẫn trên 2 công đất trồng rau và 10 công đất trồng dừa. Làm từ mờ sáng đến tối trời, chắn vén lắm nhưng họ cũng chỉ đủ trang trải cho 3 bữa cơm mỗi ngày. Một ngày cách đây 5 năm, “ông bụt” đã gõ cửa nhà họ. Đó là ngày đơn đề nghị vay vốn theo diện hộ nghèo của ông Nhiệm được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Quốc chấp thuận và quyết định giải ngân. “Cầm 10 triệu đồng trên tay mà tôi run run”, ông Nhiệm nhớ lại. Chiều hôm đó, ông lập tức thực hiện ý tưởng ấp ủ bấy lâu của mình: mua 2 con heo nọc. Đóng cái thùng xe như cái cũi, có ngàm ngoắc vào khung yên xe máy để làm chuồng heo di động. Rồi ông Nhiệm đi khắp An Thới, Dương Đông, Dương Tơ, Cửa Cạn… để nhắn nhe với những người quen biết: “Tôi có 2 con heo nọc, ai cần phối giống heo nái thì gọi nhé!”. Không phải đợi lâu, chỉ đôi, ba ngày sau, điện thoại di động của ông Nhiệm đổ chuông đều. Mỗi lần chở heo nọc đi thụ tinh, ông bỏ túi 300.000 đồng. Người tốt tính, heo tốt giống nên ông Nhiệm tíu tít với những chuyến đi khắp đảo. Tích cóp được tiền, năm sau ông mua thêm 4 con trâu, 2 con bò… Hiện nay ông có 17 con heo, trâu, bò, 2 công đất trồng rau, 10 công đất trồng dừa và ao thả cá. Ông quy hoạch vườn cây, ao cá, chuồng trại theo mô hình khép kín, lấy phân gia súc, gia cầm ủ làm phân vi sinh bón cây, ủ hầm biogas lấy khí đốt. Rau cắt cho vợ mang ra chợ An Thới bán mỗi ngày cũng được 200.000 đồng, đàn heo đem lại cho ông hàng tháng được 15 triệu đồng. Trâu, bò cho sức kéo và là thứ của để dành…

Ông Nguyễn Hiếu Trung, Giám đốc Phòng giao dịch huyện Phú Quốc, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Thị trấn An Thới có 36 tổ vay vốn với 1.205 hộ vay theo các diện: hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm... Dư nợ của địa bàn đến nay là hơn 15 tỷ đồng. Chúng tôi có 8 cán bộ tín dụng, 3 ngày đi một xã, bắt đầu từ ngày 6 hàng tháng để giao dịch lưu động: giải ngân, thu nợ, thẩm định đơn vay”.

Ngày giao dịch lưu động tại thị trấn An Thới bắt đầu lúc 8 giờ, nhưng trước đó 1 giờ, anh Dương Tấn Hưng, cán bộ tín dụng và 4 cộng sự đã chất đầy đủ máy phát điện, máy in, máy tính xách tay, va li tiền… lên xe rồi giục nhau đi cho sớm kẻo bà con chờ.

Đến trụ sở UBND xã An Thới lúc 8 giờ, ai vào việc ấy, loáng một cái, “sở chỉ huy chiến dịch” đã được thiết lập xong. Rồi góc thì người tư vấn, thẩm định hồ sơ; góc người giải ngân, thu nợ; góc người họp với các tổ viên ở cơ sở… 18 giờ, ngày công tác kết thúc, nhóm của Hưng chỉ nghỉ được 15 phút ăn vội vàng hộp cơm trưa.

Người ăn không hết, kẻ lần không ra

Một trong những hoạt động đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội là ủy thác cho các chi hội: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên ở địa phương đứng ra thu nợ của những hộ gia đình thuộc đối tượng mình quản lý.

Chị Nguyễn Thị Tình, 50 tuổi, làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 6, thị trấn An Thới, từ năm 2005 đến nay. Tháng 9 năm 2010, chị vay theo diện giải quyết việc làm được 12 triệu đồng với lãi suất 0,65%/tháng. Có vốn, chị nuôi 12 con heo nái, đào ao nuôi ba ba, cá. Mỗi dịp tết, thương lái từ TPHCM ra đảo thu mua ba ba với giá từ 220.000 - 300.000 đồng/kg. Chị còn muốn mở rộng trang trại, nuôi thêm cá sấu, tắc kè.

Bận bịu làm việc nhà nhưng người đàn bà gầy quắt này vẫn nhiệt tình tham gia tổ hội từ năm 1999. Hàng tháng, chị đến từng nhà, có khi đi năm lần bảy lượt mới gặp người ta. Có người như chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương ở chợ An Thới, nợ 4 triệu đồng, chị đi vận động 2 ngày mới lấy được tiền. Thu nợ, vào sổ để đến ngày cán bộ ngân hàng xuống giao dịch, chị mang tiền, sổ đến bàn giao. Thù lao của chị được 300.000 đồng/tháng cộng khoản phần trăm ít ỏi trên số tiền thu được. “Không đủ bù công sức và thời gian đi lại nhưng tôi cố gắng làm, giúp được gì cho bà con thì giúp”, chị Tình bộc bạch. Chị vui nhất là tổ của mình chưa có trường hợp nào nợ quá hạn, chứng tỏ bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Ông Phan Đình Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 4, vò đầu bứt tai vì tổ ông có hộ vay diện học sinh, sinh viên để cho con đi học nhưng con ra trường mấy năm rồi vẫn không trả. Ông đến thu nợ thì họ bảo: “Để mai cháu nó đi làm nó trả”. Có người vay nuôi ốc hương, tháng nào đến thu lãi, ông ấy cũng bảo ốc nhỏ chưa bán được. Trong khi ông tận mắt thấy người đó vẫn bán ốc đều đều. Có gia đình ông đến vận động bảo mỗi tháng trả 100.000 đồng cả vốn lẫn lãi cũng được nhưng người ta vẫn không chịu nghe. Vậy mà sáng nào họ cũng ra thị trấn ăn hủ tiếu, uống cà phê, mua vé số. Có người bị lập mấy chục tờ biên bản xử lý nợ rồi nhưng vẫn bơ như không. Có người được giải ngân là âm thầm đi khỏi địa bàn, biệt tích. Ông bức xúc: “Rất nhiều tiền chết dí kiểu đó mà người nghèo khác lại không được vay, ngân hàng kẹt vốn”.

Anh Dương Tấn Hưng thống kê: “Toàn thị trấn An Thới có 37 hộ nợ quá hạn gần 100 triệu đồng, trong đó nợ từ năm 1997 đến nay còn hơn 40 triệu đồng”.

Khác với những người đồng nghiệp ở nhiều ngân hàng mở miệng là nói đến tiền tỷ, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội toàn đi giao và thu tiền lẻ. Khách hàng toàn người nghèo nên để đến kiểm tra xem người vay sử dụng vốn có đúng mục đích không, anh Hưng phải đi bộ 3 - 4 giờ, trèo tít lên đỉnh núi hay ngồi ghe chồm lên dằn xuống trên sóng để ra đảo… là chuyện cơm bữa. Nhưng anh bảo chưa đau bằng chứng kiến cảnh “có người vay vốn ra đến cổng UBND xã là chủ nợ đã sáp đến đòi rồi, lấy đâu vốn làm ăn. Có người suốt ngày ăn nhậu và nằm bẹp ở nhà, bà con chòm xóm hỏi sao không đi làm thì nhăn nhó than bị bệnh gan, đau bao tử… Thế mà vẫn đề nghị được vay vốn làm ăn”.

Anh Hưng ưu tư: “Theo quy trình, ấp phải tổ chức họp để bình xét, xác nhận đơn đề nghị vay vốn của các hộ. Nhưng nhiều nơi không họp, đưa “chui” thẳng lên UBND xã, thị trấn để lấy chữ ký, đóng dấu rồi gửi ngân hàng. Điều này dẫn đến những điều tiếng của bà con và người vin cớ vay vốn chây ì khi trả nợ”.

Khi người vay hội đủ điều kiện, ngân hàng sẽ giải ngân từ 12 - 13 triệu đồng/hộ. Bà con đều mong muốn được nâng lên 15 - 20 triệu đồng/hộ. Anh Nguyễn Tấn Nghĩa, 35 tuổi, ở thị trấn An Thới, vay được 12 triệu đồng nuôi 2 con heo nái, làm bánh tráng. Anh than phiền: “12 triệu đồng chỉ mua được 4 con heo giống, tôi muốn vay nhiều vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài ra, thời hạn vay 2 năm ngắn ngủi quá, quay đi quay lại chưa làm được gì đã đến hạn trả nợ. Đó là chưa kể xui xẻo gia súc, gia cầm dính dịch bệnh thì trắng tay luôn. Tôi kiến nghị ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay ít nhất là 4 năm”.

Tình cờ, 1 ngày sau hôm giao dịch lưu động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Quốc, có một đoàn từ thiện chở gạo, mì gói, bột ngọt đến tập kết ở sân UBND thị trấn An Thới để tặng quà từ thiện. Ông Hoàng Đình Trường, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội của UBND thị trấn An Thới cho biết, toàn thị trấn có 145 hộ nghèo. Và đoàn mạnh thường quân đó là những người dân An Thới hiện định cư ở Mỹ, nhân chuyến về thăm quê, tổ chức tặng quà. Nhìn nhiều người chạy xe máy đến nhận quà, bất giác tôi nhớ đến người phụ nữ mà mình vừa lội bộ đến thăm nhà hôm trước.

Chị là Thị Phương, dân tộc Khmer, 53 tuổi, ở xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang ra ấp 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc sinh sống từ hơn 20 năm nay. Ngày ngày chị trồng rau, nấu rượu, nuôi heo nái. Chồng bị ung thư, bệnh tật suốt 10 năm, bao nhiêu của cải trong nhà bán sạch để chạy chữa cho chồng mà anh vẫn không qua khỏi. Chồng đã mất 3 năm nay. Năm ngoái đàn heo bị dịch chết, chị Phương buồn thảm và lâm vào cảnh trắng tay. Giờ hai mẹ con chị ở trong cái nhà mái tôn, vách tôn diện tích 4,5m x 9m. Ngày ngày chị nấu được 60 lít rượu, bán cho bà con trên đảo với giá 13.000 đồng/lít. Cậu con trai 21 tuổi không nghề nghiệp, làm phụ hồ bữa đực bữa cái. Mong ước của chị là có được mấy triệu đồng mua heo giống về nuôi để tận dụng hèm rượu. Thế nhưng đơn của chị vẫn còn phải xếp hàng, chờ đến lượt.

Giá như đoàn từ thiện thay vì phát quà theo kiểu rải mành mành kia để tiền cho chị Phương vay vốn mua heo! Giá như đừng có những người vay được vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội rồi không chịu làm ăn hoặc chây ì trả nợ thì đã có thêm nhiều cơ hội cho những người như chị Phương! Và những người nhậu nhẹt những bữa tiệc ê hề; những người bỏ tỷ này tỷ nọ sắm xe sang, đồ hiệu để chiều lòng người đẹp, liệu có nghĩ đến những trò lố của mình khi nhìn khuôn mặt không thể khóc được vì quá khổ của chị Phương?

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục