Tin nhắn rác... thập diện mai phục

Với người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ), có lẽ không ít lần bực mình vì tin nhắn rác, từ thông tin khuyến mãi của nhà mạng đến việc chào bán đủ thứ mặt hàng. Với hình thức “giã cào” tin rác, nhà mạng và các doanh nghiệp quảng cáo qua tin nhắn rác chỉ việc ung dung ngồi hưởng lợi, còn người dùng ĐTDĐ thì... ”xin lỗi, chịu hổng nổi”, nhưng rồi ”chịu hổng nổi” cũng phải ráng chịu!
Tin nhắn rác... thập diện mai phục

Với người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ), có lẽ không ít lần bực mình vì tin nhắn rác, từ thông tin khuyến mãi của nhà mạng đến việc chào bán đủ thứ mặt hàng. Với hình thức “giã cào” tin rác, nhà mạng và các doanh nghiệp quảng cáo qua tin nhắn rác chỉ việc ung dung ngồi hưởng lợi, còn người dùng ĐTDĐ thì... ”xin lỗi, chịu hổng nổi”, nhưng rồi ”chịu hổng nổi” cũng phải ráng chịu!

“Rác” từ nhà mạng

Tin nhắn rác thuộc loại “lịch sự” nhất có lẽ của các nhà mạng, song cũng không thể nói là không gây phiền phức cho người dùng ĐTDĐ. Các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone, Viettel… gửi tin nhắn tới tấp cho khách hàng của mình. “VinaPhone khuyến mãi 100 thẻ cào từ ngày… đến ngày…”, “Viettel xin giới thiệu chương trình miễn phí…”…  Đây là hình thức spam đầu tiên mà chính các nhà mạng tự áp dụng và dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, với giới kinh doanh trong lĩnh vực này, đó là ranh giới mong manh giữa quảng cáo qua mobile và spam SMS. Với loại tin nhắn này, người ủng hộ thì nói là quảng cáo có lợi, còn người khó tính cho rằng chính nhà mạng đang làm phiền khách hàng… Nhưng dễ nhìn thấy, ở đây nhà mạng được lợi nhiều nhất vì họ thực hiện được khả năng quảng cáo đến người dùng ĐTDĐ bất kể thời gian…

Khi các nhà mạng đều triển khai 3G tại Việt Nam, hầu như người dùng ĐTDĐ sử dụng 3G đều nhận thêm các tin nhắn liên quan nội dung số. Đây là loại tin nhắn mà nếu người dùng ĐTDĐ sơ ý trả lời hay làm theo hướng dẫn sẽ bị mất phí. Cần thấy rằng, sự phát triển của tin nhắn miễn phí trên nền di động 3G, Internet của người dùng smartphone như Zalo, Viber… đã “giết” tin nhắn truyền thống của nhà mạng. Cộng thêm với sức ép doanh thu nên nhà mạng đã tận dụng tối đa lợi thế của mình để chuyển tải đủ loại “rác” tới khách hàng. Các tin nhắn mang nội dung mời tải nhạc chờ, game hot, hình nền… đã rất phổ biến từ các đầu số nhà mạng. Giới kinh doanh nội dung số khẳng định, bản chất vấn đề này là cái “bắt tay” giữa nhà mạng và một nhà cung cấp nội dung số khác núp bóng thương hiệu nhà mạng.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ các nhà mạng, mỗi năm có tới hàng chục tỷ tin nhắn quảng cáo được phát ra, chiếm khoảng 10% lượng tin nhắn trên hệ thống. Phần lớn các tin nhắn quảng cáo này được gửi đi từ các doanh nghiệp dịch vụ di động.

“Rác” khắp mọi nơi

Gây mệt mỏi, phiền toái hơn là những tin nhắn rác “không chính thống” dạng spam tin nhắn qua đầu số.  Kiểu spam tin nhắn phổ biến mà mọi tổ chức, cá nhân đều có thể áp dụng, đó là dùng một modem và vô số SIM điện thoại giá rẻ để spam. Các nhân viên viễn thông chỉ ra, các đơn vị spam sử dụng các thiết bị GSM/GPRS/CDMA modem được lắp SIM và kết nối với máy tính qua cổng COM hoặc cổng USB để phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho đầu số của mình hoặc đầu số mình thuê với tốc độ hàng trăm tới hàng chục ngàn tin nhắn mỗi giờ.

Tin nhắn spam hình thức này chủ yếu là về lô đề, bóng đá, cá độ, thông tin trái với thuần phong mỹ tục và hầu hết là tập trung lừa đảo khách hàng “click” vào để thu tiền. Trong hình thức này, đừng tưởng nhà mạng không liên quan. Đó là vì SIM khuyến mãi quá rẻ, các công ty quảng cáo sẽ mua hàng loạt SIM khuyến mãi để tiến hành nhắn tin quảng cáo đến các thuê bao ĐTDĐ. Mỗi tin nhắn nội mạng gửi đi thường chỉ tốn khoảng 300 đồng nhưng chỉ cần một tin nhắn phản hồi họ đã thu lại 5.000-15.000 đồng. Cũng cần nói rõ hơn, mặc sức tin nhắn quảng cáo làm điên đầu người dùng ĐTDĐ, các nhà mạng vẫn “bình tâm” hưởng lợi.

Đặc biệt tại TPHCM, trong thời gian gần đây, tin nhắn rác phát tán với mức độ dày đặc và không chừa một ai, có nội dung chào mời mua căn hộ, dự án nhà đất, cho vay, bán SIM… đều xuất phát từ đầu số +8412… Không khó để nhận ra, đầu số +8412… là các đầu số SIM rác. Để làm việc này, chỉ cần mua SIM rác về gắn vào bộ thiết bị phát tán SMS và lập trình gửi đi. Đây là loại tin nhắn hiện gây phiền toái nhất cho người sử dụng ĐTDĐ. Trên tin nhắn rác này đều để lại số đi động của nhân viên giao dịch để liên hệ, đa phần số điện thoại để lại trên tin nhắn này là số thực, người thực.

Những hình thức nhắn tin lừa đảo

Tin nhắn hướng dẫn người dùng tải game... để cài đặt vào điện thoại nhưng trong quá trình cài đặt, sử dụng, người dùng sẽ bị trừ tiền âm thầm (thường là 15.000 đồng/lần nhắn tin hoặc tải game) trong tài khoản mà không có bất kỳ thông tin cảnh báo nào. Tin nhắn lừa đảo dạng tặng quà nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên hay những người ở vùng sâu, vùng xa. Tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng, tin nhắn mạo danh doanh nghiệp viễn thông di động thường dụ người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx. Khi người sử dụng bị mắc lừa do làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, tin nhắn hồi đáp hướng dẫn người dùng gọi tiếp đến các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc... khiến người dùng bị mắc lừa liên tục nhiều lần.

Kim Thanh


Loại nào dễ gây mất cước?

Dạng tin nhắn rác với nội dung “Có người thầm thương bạn gởi tặng món quà bất ngờ, gọi lại…” hay “Một bất ngờ may mắn dành cho bạn…, gọi lại để nhận và nghe lời thoại…”  thường dụ người dùng gọi lại vào tổng đài 1900… Đây là những tin nhắn gây mất cước nếu người dùng ĐTDĐ gọi vào tổng đài theo mời chào của nội dung tin nhắn. Với dạng tin nhắn này, tổng đài thuộc về các nhà mạng di động và cũng có tổng đài của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua Internet. Ở đây, nhà mạng di động hay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua Internet sẽ ăn chia với đối tượng phát tán tin nhắn rác nếu người dùng ĐTDĐ gọi vào tổng đài từ tin nhắn.

Tin nhắn rác OTT cũng phiền không kém

Song song các loại tin nhắn rác nói trên còn loại tin nhắn rác mới xuất hiện khi các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên nền 3G-Internet (OTT) bắt đầu đóng vai trò chủ yếu trong việc nhắn tin của người dùng ĐTDĐ.

Đã có không ít khách hàng than thở họ thường xuyên bị dựng dậy bởi những tin nhắn “rác” phiền toái khi được chuyển đến lúc nửa đêm. Những tin nhắn này xuất hiện ở tất cả các OTT (dịch vụ tin nhắn, điện thoại miễn phí) quen thuộc như Viber, Zalo, Line, Kakao Talk…, trong đó, thường xuyên và nhiều nhất là từ Viber.

Anh Trung Dũng, một kỹ sư xây dựng nhà ở quận 5, TPHCM cho hay: “Tôi cài dịch vụ Viber và thấy phát bực với tin nhắn rác, có ngày nhận đến cả chục tin. Phiền hơn, không hiểu sao tôi bị cho vào một nhóm của Viber mà hỏi các thành viên không biết ai thành lập, sau đó thì liên tục nhận tin rác. Tôi phải thoát khỏi nhóm đó mới bớt bị làm phiền”.

Với các ứng dụng OTT, người dùng nên cài những OTT cần thiết, nhiều người liên lạc và tuyệt đối tránh việc cài tất cả OTT trên một smartphone.

Tin cùng chuyên mục