Biện pháp phong tỏa toàn quốc đột ngột hồi tháng 3-2020 để đối phó với sự lây lan ngoài tầm kiểm soát của dịch Covid-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khó khăn, nhiều người thất nghiệp, dồn nhiều gia đình vào cảnh sống dưới ngưỡng nghèo. Đến cuối năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, một lần nữa nước Pháp bị phong tỏa. Thế nhưng, điều bất ngờ là nước Pháp lại chứng kiến người Pháp “chưa bao giờ hào phóng” như vậy.
Có thể nói, lệnh phong tỏa đã làm gia tăng mong muốn được sẻ chia với cộng đồng. Chẳng hạn tại TP Lille, miền Bắc nước Pháp, cho dù các khoản quyên góp vẫn không đủ để cung cấp thực phẩm cho 4.000 hộ gia đình sống phụ thuộc vào cứu trợ thực phẩm, nhưng các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ ghi nhận các khoản quyên tặng tăng 1/3 so với năm 2019. Nhiều người lần đầu tiên quyên góp cho các hiệp hội thiện nguyện. Không chỉ vậy, số người tham gia hoạt động tình nguyện cho Hội Chữ thập đỏ chi nhánh Lille cũng tăng gấp đôi. Đối với người dân ở Lille, tăng cường đóng góp, hỗ trợ người khó khăn là một hành động hợp với lẽ tự nhiên, bởi họ thấy tình cảnh cùng khổ ngày càng nhiều, và giúp đỡ những người sống quanh mình là một ý tưởng đúng đắn.
Theo một đánh giá thường niên về các khoản quyên tặng cho những tổ chức thiện nguyện được công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua, con số đóng góp trong năm 2020 đã tăng vọt. Các khoản quyên góp từ thiện tăng gần 14% so với năm 2019, tương đương hơn 1 tỷ EUR, mức tăng cao nhất tính từ 17 năm qua. Dịch bệnh cũng khiến phương thức quyên góp của người dân Pháp có nhiều thay đổi: đóng góp trực tuyến chiếm hơn 1/4 tổng số tiền các tổ chức, hiệp hội từ thiện quyên góp được. Con số này đã tăng 72% trong vòng 1 năm.
Theo báo cáo trên, người dân Pháp quyên tặng cho những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất bằng cách cứu trợ lương thực thực phẩm, giúp đỡ về chỗ ở. Riêng các khoản quyên tặng dành cho cứu trợ thực phẩm đã tăng 45%. Các hiệp hội từ thiện không liên quan đến khủng hoảng y tế cũng được hưởng sự hào phóng nói trên, chẳng hạn các hiệp hội bảo vệ động vật. Ngược lại, các hiệp hội văn hóa và thể thao lại ít được trợ giúp tài chính hơn so với năm 2019, chủ yếu do các mạnh thường quân trong lĩnh vực này, thường là các doanh nghiệp, cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong lúc dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, một điều đáng lưu ý là giới trẻ Pháp chính là những nạn nhân đầu tiên của nghèo đói. Theo số liệu mới nhất của Viện Thống kê quốc gia Pháp, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp tăng 6,3% trong vòng 1 năm. Riêng ở giới trẻ, tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 8%.Tỷ lệ nghèo khó ở nhóm thanh niên 18-29 tuổi chưa bao giờ cao đến như vậy tính từ 15 năm qua. Lý do chủ yếu là dù hợp đồng lao động bị ngắt đột ngột do dịch bệnh, nhưng nhiều thanh niên ở lứa tuổi 18-29 chưa đủ thời gian đóng góp xã hội để có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo luật định. Đầu tháng 6-2021, Hội đồng quốc gia về chính sách đấu tranh chống đói nghèo đã gióng hồi chuông báo động về tình trạng giới trẻ Pháp đang ngày càng nghèo đi và trợ cấp xã hội cho thanh niên dưới 25 tuổi hiện giờ không đủ để vực họ dậy.