Tình thân

Ngày mới kết hôn, tôi sống cùng gia đình chồng, trong căn nhà cấp bốn nhỏ xíu. Nhà chồng tôi đến từ một tỉnh lẻ miền Trung, cuộc sống lúc đấy khá khó khăn. Chúng tôi được chia cho một căn phòng hẹp, nhưng đầm ấm.

Buổi chiều sum vầy của gia đình một cựu chiến binh tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Buổi chiều sum vầy của gia đình một cựu chiến binh tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Ngày mới kết hôn, tôi sống cùng gia đình chồng, trong căn nhà cấp bốn nhỏ xíu. Nhà chồng tôi đến từ một tỉnh lẻ miền Trung, cuộc sống lúc đấy khá khó khăn. Chúng tôi được chia cho một căn phòng hẹp, nhưng đầm ấm. Tôi khi đó mới ngoài hai mươi, tuổi còn ham vui và vô tư, thích được chồng nuông chiều. Nhà chồng là một khái niệm mang tính “bên ấy” đầy dè chừng và đối phó. Chúng tôi chưa kịp có con, và tôi mơ mộng với những hình dung như “ăn sáng cùng nhau”, “tối thì trò chuyện”… đại khái thế.

Cho tới một lần, anh ruột của chồng tôi từ quê vào, người mà ngày chúng tôi đám cưới đã không vào dự. Thâm tâm có ý trách giận, nhưng tôi cũng chẳng nói ra. Nhà sáng đó nấu bún giò, và tôi theo thói quen vẫn muốn chồng cùng ăn sáng trên phòng riêng với mình. Nhưng mẹ chồng tôi tỏ vẻ khó chịu, kèm theo câu nói như ra lệnh: Anh em chúng nó lâu lắm mới gặp nhau, phải xuống ăn cùng chứ!

Đã gần 20 năm trôi qua từ ngày đó, người anh của chồng tôi đã khuất bóng sau một cơn bệnh bất ngờ, nhưng tôi vẫn nhớ như in nỗi ấm ức, bất bình của mình hôm ấy. Nhớ, kèm theo sự dằn vặt, ân hận và xấu hổ. Bởi cuối cùng, chồng tôi vì chiều chuộng cô vợ còn trẻ con của mình, nên sau khi ngồi một lát với anh trai thì bưng tô lên, nhằm tránh cảnh vợ hờn dỗi cả ngày… Cứ nghĩ lại điều ấy, là tôi tự trách bản thân nhỏ nhặt, ích kỷ và đáng ghét vô cùng. Dù tôi tin rằng, chẳng ai còn nhớ tới cái sự việc cỏn con đó nữa, cũng như hy vọng không ai nỡ trách cô dâu mới chưa biết xử sự cho phải phép năm nào…

2. Sau khi cha mất đột ngột, tôi bỗng đồng cảm với cảnh mồ côi của chồng mình. Nhớ trước đây, mỗi lần nhà có cúng giỗ, anh vô cùng chăm chút nhang đèn, tỉ mỉ dọn dẹp, sửa soạn phòng thờ. Phía nhà anh hiện chỉ còn mỗi gia đình người chị gái, và chồng tôi vẫn dành nhiều thời gian để ghé chơi, gần gũi. Đến khi không còn được gọi tiếng “cha” trong đời, tôi bỗng hiểu ra, tình thân đáng quý xiết bao, hãy năng lui tới gặp gỡ anh chị em, bà con xa gần khi còn có thể…

Đợt rồi, căn hẻm sát nhà của em trai tôi xảy ra hỏa hoạn. Phải khi trời sáng, mới thấy em tôi nhắn tin trên nhóm chat gia đình về sự việc, dù từ tinh mơ vợ chồng con cái em đã phải hớt hải chạy "giặc" lửa. Chỉ nghĩ tới nỗi hoảng loạn lúc đó thôi đã thấy thương vô cùng. Càng xót khi hiểu rằng em tôi sợ mọi người lo âu, mất giấc ngủ, ảnh hưởng tới công việc đầu ngày nên không dám thông báo. “Nhà có chuyện xảy ra thì phải hê lên chứ, có người thân chính là cần nhất trong lúc này mà!”. Một ai đó đã buông lời trách em, cũng là một cách để nhắc nhớ mọi người hãy luôn quan tâm và sẻ chia.

3. Bạn tôi kể, cô ấy ngạc nhiên khi nghe những lời mẹ mình vừa khóc vừa kể, lúc chị dâu mất vì tai nạn. Bạn bảo, ngày đó còn trẻ, chưa hiểu thế nào là sinh ly tử biệt, là tình nghĩa, là câu “trong nhà, chị con là người hiểu và giống tánh mẹ nhất, luôn chịu thiệt thòi, nhường nhịn” mang hàm ý gì. Khi ấy, bạn chỉ cho rằng, tình cảm lứa đôi vợ chồng mới là điều quan trọng nhất. Mãi tới sau này, bạn mới dần dà hiểu ra giá trị của những mối quan hệ gọi là tình thân. Như khi lo cho mẹ vẹn toàn chốn nghỉ ngơi cuối cùng, bạn tôi đã nghẹn ngào cảm ơn cả nhà, trong đó đặc biệt cảm ơn các anh chị em dâu, em rể và chồng mình, những người đã chung tay trong lúc bối rối tuyệt vọng ấy. Bạn tôi bảo, từ giây phút ấy, chỉ có tình thân là tồn tại, chứ những khái niệm ruột rà hay dâu rể đã chẳng còn phân biệt nữa rồi.

Năm trước, chúng tôi chuyển nhà, có các em tôi qua phụ giúp. Lúc mọi người ngồi vào mâm cơm tối, thì chồng tôi vẫn còn dọn dẹp chưa quay lại kịp. Một người bảo, chờ anh rể rồi ăn luôn cho đông đủ. Ngay lúc ấy, chồng tôi về tới, chở phía sau xe mấy thứ lặt vặt. Em trai tôi lật đật đứng dậy đỡ lấy. Khoảnh khắc đó, tôi xúc động hiểu ra thế nào là người nhà, là quan tâm và yêu thương. Tôi biết ơn em trai đã mở lòng đón nhận một “người lạ” ở đâu đó về bầu bạn với chị mình, làm anh của mình. Tôi càng mừng vì chồng mình luôn hiểu chuyện, thân thiết và rộng rãi với các em vợ, cũng như gia đình bên vợ. Điều đó đã giúp cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể bền bỉ đi qua nhiều giai đoạn sóng gió cũng như kha khá sự khác biệt.

Bởi cuối cùng thì, mọi yêu đương tuổi trẻ cũng đều mong được trở thành tình thân lúc về già…

Tin cùng chuyên mục