Từ khi World Cup được thương mại hóa mạnh mẽ hồi năm 1994 đến nay, chưa bao giờ mọi người lại chứng kiến một kỳ giải giàu cảm xúc đến vậy. Có rất nhiều bất ngờ đã xảy ra, những đội bóng được đánh giá cao như Tây Ban Nha, Anh, Italia… bị loại, trong khi những “tiểu quốc” như Algeria, Costa Rica… hiên ngang vào vòng 2. Ngoài các yếu tố như thời tiết, trọng tài thì cách lý giải được nhiều người đồng tình nhất đó là các đội bóng có tinh thần đoàn kết và niềm tự hào quốc gia càng cao, càng thành công tại đấu trường vĩ đại nhất thế giới này.
Lấy ví dụ như trường hợp của Brazil, họ đề nghị FIFA cho phép hát quốc ca không cần nhạc để cầu thủ được hòa mình với người dân. Hay như Hà Lan, Argentina, 2 đội bóng tài năng nhưng luôn thất bại vì các mâu thuẫn nội bộ thì lần này, các cầu thủ được phép sống cùng gia đình trong suốt thời gian thi đấu. Nơi nào có đội bóng thì nơi đó có hàng ngàn cổ động viên dựng lều xung quanh để thể hiện tinh thần thống nhất.
Chúng ta cũng thấy Bosnia Herzegovina, dù đã bị loại vẫn chơi tưng bừng ở trận đấu cuối và giành chiến thắng lịch sử trong lần đầu tiên quốc gia non trẻ này dự một vòng chung kết World Cup, hay toàn bộ đội tuyển Nhật Bản cúi đầu xin lỗi ngay trên sân vận động vì đã thi đấu không đúng sự kỳ vọng của người dân, nó khác hẳn việc các đội bóng châu Phi như Ghana, Cameroon mà cầu thủ luôn đòi hỏi chuyện tiền bạc trước khi ra sân thi đấu đều đã thất bại thảm hại.
Trong bóng đá hiện đại, khi mà khoảng cách về trình độ đã được thu hẹp, yếu tố tinh thần được xem như một lợi thế quyết định, mà ở đó niềm tự hào quốc gia luôn là điều kiện kết dính bền vững nhất.
World Cup tuy rất xa với bóng đá Việt Nam nhưng lại rất gần gũi là vì thế. Chưa biết đến bao giờ, Việt Nam sẽ đến được World Cup, nhưng chắc chắn tinh thần quốc gia thì không hề thua kém. Bóng đá Việt Nam vẫn luôn tự hào với yếu tố tinh thần trong thi đấu, nhưng cũng ít khi duy trì được yếu tố đó một cách ổn định. Những thất bại tại các giải đấu quốc tế thường đi kèm với các lý do như tinh thần thi đấu bạc nhược, tâm lý chấp nhận thua trước khi bắt đầu trận đấu…
Trong bóng đá hiện đại, người ta hơn thua nhau là ở trình độ, bản lĩnh, đẳng cấp chứ không ai biện minh cho thất bại, bởi yếu tố tinh thần khi đó là thứ duy nhất ngang bằng ở mọi trận đấu, đặc biệt là ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Thế nên, World Cup đem lại không ít điều giá trị cho bóng đá Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang cố gắng tái tạo một đội tuyển quốc gia mới dưới quyền tân HLV trưởng người Nhật Bản. Người hâm mộ không hy vọng sự đổi thay nhanh chóng về trình độ khi năng lực của cầu thủ Việt Nam hãy còn hạn chế, nhưng có quyền chờ đợi các tuyển thủ quốc gia phải chơi bóng bằng tinh thần “màu cờ, sắc áo”.
Những ngôi sao hàng đầu thế giới, các triệu phú đá bóng vẫn khóc khi hát quốc ca và sẵn sàng hy sinh danh tiếng để phục vụ thành công chung của đội tuyển, đấy chính là bài học lớn lao nhất mà bóng đá Việt Nam có được từ World Cup.
VIỆT QUANG