Ngày 8-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận Pháp lệnh quản lý thị trường (QLTT). Kết thúc phiên thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành thông qua dự thảo pháp lệnh và dự kiến pháp lệnh sẽ được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký trong tháng 3.
Một trong những điểm đáng chú ý là về tổ chức của lực lượng QLTT. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến đề nghị quy định về mô hình tổ chức của lực lượng QLTT trong dự án pháp lệnh, cần làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Có ý kiến cho rằng việc cân nhắc mô hình tổ chức bộ máy của QLTT cần bảo đảm sự phối hợp, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong hoạt động QLTT hàng hóa. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ quy định cơ cấu tổ chức QLTT theo nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể tổ chức bộ máy của QLTT.
Chính vì vậy, dự thảo đã quy định: “Lực lượng QLTT được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất”, “Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của lực lượng QLTT các cấp”. Đồng thời bổ sung đầy đủ hơn trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức tại Chương VII dự thảo. Việc quy định mô hình tổ chức của lực lượng QLTT như dự án pháp lệnh tương tự mô hình tổ chức của các ngành khác (như thuế, hải quan...).
“Lực lượng QLTT có 6.500 cán bộ nhưng điều kiện trang bị quyền hạn cho lực lượng này còn hạn chế nên chưa phát huy hết vai trò. Tôi đã đến làm việc với Đội số 1 QLTT Hà Nội thì thấy rằng lực lượng này làm việc rất vất vả, không có kho tàng... Rất bi thương! Nếu như tập trung trang bị, quyền hạn rõ ràng thì lực lượng này mới làm tốt. Phải rà soát thật kỹ nhất để xử lý được các bất cập”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nhấn mạnh về sự cần thiết phải hoàn thiện mô hình QLTT.
Đề cập đến dự thảo pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhấn mạnh, tổ chức lực lượng giao cho Chính phủ quy định nhưng định hướng là phải tăng cường xây dựng lực lượng để đáp ứng được yêu cầu của tình hình đất nước và tình hình thị trường vô cùng phức tạp. Do chức năng chống gian lận, độc hại, an toàn cho dân, hàng hóa... nên phạm vi rộng, do vậy, cần tiến tới làm luật.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vệ sinh an toàn thực phẩm là câu chuyện từ cánh đồng đến mâm cơm. Vấn đề này đã chất vấn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thì lại bảo trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương, còn Bộ trưởng Bộ Công thương lại nói là Bộ trưởng Bộ Y tế vì Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm giao Bộ Y tế chủ trì.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây các bộ trưởng cũng hay bị bí do việc quản lý đang “rất cắt khúc, phân tán”. Nuôi con gà thì “ông nông nghiệp”, ra thị trường thì “ông QLTT” nhưng “con gà ăn cái gì, có bậy bạ không lại quay về ông nông nghiệp”. Chính vì lẽ đó nên Bộ trưởng Bộ Công thương luôn yếu trong quản lý nhà nước do phân tán quyền vào các nơi. Dù dự thảo đề cập rất nhiều nội dung nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị QLTT chỉ tập trung vào điểm quan trọng là căn cứ theo chuẩn quy định của các bộ để kiểm soát vi phạm, bắt giữ. “Nếu không tiến tới như vậy thì Bộ trưởng Y tế, Công thương, NN-PTNT... đều đổ tội cho nhau hết, dân chịu trận hết... Bộ Công thương phải như lực lượng cảnh sát đứng đường, như đèn xanh, đèn đỏ mới là lực lượng chuyên nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, pháp lệnh thực hiện “vài ba năm” rồi tổng kết thống nhất, tập hợp các lực lượng liên quan trong kiểm soát sản phẩm thuốc, nông nghiệp... vào thành lập tổng cục trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công thương. Lực lượng này sẽ quy định ra phẩm chất hàng hóa để kiểm soát, giám sát thì mới hiệu quả.
NGỌC QUANG