Được đặt chân và sải bước chầm chậm ở bất cứ đảo nào của Trường Sa hay nhà giàn giữa biển Đông vời vợi, tất cả những thành viên trong 8 đoàn công tác của TPHCM đều dặn lòng phải làm một điều gì đó cho những người lính nơi đây. Triệu trái tim, một tấm lòng hướng về biển đảo là mệnh lệnh thôi thúc. Tổ quốc - Hai tiếng thiêng liêng…
Nghĩa tình hậu phương
Đại tá Biện Xuân Khương, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 146, người từng có thời gian gắn bó với quần đảo Trường Sa đến 19 năm tâm sự về những đổi thay của Trường Sa: “Đầu năm 1989, tôi ra đảo công tác. Điểm đảo đầu tiên tôi đến là đảo Sinh Tồn Đông. Điều kiện sinh hoạt ngày đó rất thiếu thốn. Cả đảo chỉ có một cái máy cassette. Điện không có cho sinh hoạt, chỉ đủ dành cho bộ phận thông tin. Mãi đến năm 1991, một số đảo như Trường Sa, Nam Yết, Song Tử, Sinh Tồn, Sơn Ca mới được trang bị hệ thống chảo thu tín hiệu vệ tinh. Năm 1997, được sự quan tâm của nhà nước và quân chủng, các đảo được trang bị hệ thống đèn biển. Cho đến thời điểm hiện tại thì tin vui nhất đối với Trường Sa là hầu như các đảo đều đã có sóng điện thoại. So với thời kỳ đầu, giờ đây, Trường Sa đã được cả nước hướng về nhiều hơn, dành nhiều tình cảm và sự hỗ trợ hơn”.
Theo Đại tá Biện Xuân Khương, so với các địa phương trên cả nước, Đảng bộ và nhân dân TPHCM là nơi dành cho Trường Sa nhiều tình cảm đặc biệt nhất. Điều đó thể hiện qua từng cánh thư của các em học sinh, đoàn viên, thanh niên và người dân viết cho lính đảo, qua những chuyến viếng thăm đều đặn mà chuyến nào cũng có đại diện lãnh đạo cao nhất của TP ra tận đảo thăm chiến sĩ hải quân. Sự lớn mạnh, phát triển của Trường Sa có công sức rất lớn của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân TPHCM. Hội Phụ nữ TPHCM gửi tặng dàn karaoke. Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức kết nghĩa với Đoàn thanh niên huyện đảo Trường Sa. Các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tại TPHCM cũng đã có rất nhiều công trình chuyển giao công nghệ để nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế biển đảo. Đặc biệt, Viện Tim TPHCM còn phẫu thuật tim bẩm sinh miễn phí cho con em bộ đội Trường Sa. Mỗi khi thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa gặp khó khăn về việc làm, thủ tục hành chính, họ luôn nhận được sự giúp đỡ, tháo gỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương tại TPHCM. Sự quan tâm hỗ trợ rất kịp thời đó thật sự làm ấm lòng chiến sĩ, giúp anh em yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Những chuyến đi của trái tim
* Trường Sa hôm nay đã và đang xây dựng nhiều công trình đa chức năng, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng mà còn tạo điều kiện cho quân - dân Trường sa và ngư dân các địa phương khác đến làm ăn kinh tế góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Truyền thống đoàn kết quân - dân ngày càng được trân trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ… Với tinh thần “Tiến ra biển, làm chủ biển và làm giàu từ biển”, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa, lực lượng hải quân sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương quản lý, nghiên cứu, khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển để thực sự là niềm tin, chỗ dựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ . Phó Đô đốc TRẦN THANH HUYỀN |
Khi Trường Sa hiện ra trước mắt đầy tự hào, tất cả chúng tôi đều có cảm giác lâng lâng đến khó tả. Không phải bởi sóng biển mà bởi cảm xúc khi đứng ở nơi được mệnh danh là “đầu sóng ngọn gió” của biển trời Tổ quốc. Đã có 8 chuyến công tác của đại diện Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM đem tình cảm của người dân TP đến với nơi đầu sóng ngọn gió ấy, khiến Trường Sa càng gần đất liền hơn bao giờ hết. Cuộc gặp gỡ tại mỗi đảo chìm, đảo nổi, mỗi nhà giàn chỉ có 1 - 2 giờ vậy mà để lại bao nỗi xúc động, bao niềm thương nhớ trong mỗi thành viên của các đoàn đại biểu TPHCM suốt những năm qua.
Trong chuyến đi thăm Trường Sa năm 2006, đồng chí Lê Thanh Hải (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND TPHCM) nhận xét: “Trong chuyến đi này, các thành viên trong đoàn gặt được nhiều “cái được”. Đó là được chứng kiến nỗi gian nan vất vả và tấm lòng người lính biển; cái được lớn hơn là có dịp được soi xét lại mình để rèn luyện, phấn đấu”.
Biết bao những cái tên, những giọng nói của các anh cứ in mãi trong mỗi chúng tôi. Đó là một chiến sĩ trẻ ở đảo Phan Vinh, 5 lần viết đơn tình nguyện xin ra đảo để canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc; đó là những lời tâm sự chân tình của một anh trên đảo Tốc Tan khi nghẹn ngào kể về mong muốn lớn nhất của cuộc đời là được trực tiếp dạy con học; là những anh lính trẻ trên đảo chìm Đá Tây chỉ hy vọng chiếc ti vi trên đảo không bị hỏng, để sợi dây nối liền giữa đất liền và hải đảo không bị gián đoạn… Từ đảo Trường Sa Lớn đến đảo chìm Tốc Tan, nơi đâu các cán bộ, chiến sĩ cũng dành cho đoàn những tình cảm thân thương nhất. Từ xa, những bàn tay cùng ngọn cờ Tổ quốc được các anh giương cao, vẫy chào. Rồi những đĩa kẹo, trái cây đóng hộp dành dụm được đem ra chiêu đãi đoàn; những gò má sạm nắng, gân guốc sáng ngời bên những cây đàn ghi ta chỉ còn mỗi 1, 2 dây: Không xa đâu Trường Sa ơi…
Cả nước vì Trường Sa
Qua mỗi chuyến đi, TPHCM càng thấy rõ những khó khăn, gian khổ mà cán bộ chiến sĩ hải quân đang gặp phải. Từ đó, mỗi cơ quan đơn vị, mỗi người dân TPHCM đều thấy rõ trách nhiệm của mình phải làm gì cho cán bộ, chiến sĩ, quân dân huyện đảo Trường Sa, để góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiều công trình ấm áp nghĩa tình của TPHCM đã đến với Trường Sa và DK1. Đó là công trình cung cấp điện sinh hoạt tại đảo Trường Sa Lớn trị giá hơn 6,2 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2008; nhà kính trồng rau sạch cho năng suất cao cũng đã được đưa vào sử dụng từ tháng 6-2008; công trình nghiên cứu công nghệ và xử lý chất thải bằng nước biển đã bắt đầu đưa vào sử dụng có hiệu quả… Chương trình “Vì Trường Sa thân yêu” hay “Cánh thư hải đảo” của đoàn viên thanh niên TPHCM cũng đã đem đến cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa những tình cảm ấm áp, chia sẻ với các anh nỗi khó khăn gian khổ. Đồng thời, qua các chuyến đi, TPHCM cũng muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được tiếp cận với quân dân Trường Sa - DK1, thấu hiểu những khó khăn thiếu thốn của cán bộ chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió để có nhiều biện pháp hỗ trợ.
Điện cho Trường Sa, nước ngọt cho Trường Sa, rau xanh cho Trường Sa, thông tin viễn thông cho Trường Sa… và rất nhiều phong trào thiết thực khác từ sự trợ giúp của TPHCM đã và sẽ tiếp tục làm đổi thay diện mạo huyện đảo - Trường Sa đã xanh hơn, sáng hơn, ấm hơn. Và mỗi năm, TPHCM tiễn hơn 100 con em của mình đến với Trường Sa. Chăm lo cho Trường Sa, cũng là chăm lo cho chính con em mình đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa vậy.
Phát biểu tại buổi tổng kết 6 chuyến công tác của lãnh đạo và nhân dân TPHCM tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân, nhấn mạnh: “Bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, hàng năm, đoàn đại biểu TPHCM đã đem nghĩa tình, niềm tin của người dân TP đến với Trường Sa - DK1. Đó là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết máu thịt quân dân giữa hải đảo và đất liền”.
“Cả nước vì Trường Sa”, những tình cảm gửi theo cánh sóng đến với các anh không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành tâm thức và hành động thường trực của đồng bào cả nước, trong đó có TPHCM. Trường Sa thật sự đã nằm trong tim của người dân cả nước.
Thạch Thảo - Mai Hương