GS Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học. Cuốn chuyên khảo gồm phần lớn những thành tựu nghiên cứu của GS và học trò của ông mang tên “Global Optimization - Deterministic Approaches” (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) được Springer (nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới) in lại 3 lần, từ năm 1990 đến năm 1996, được coi là kinh điển trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục. GS Hoàng Tụy đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010.
Tháng 7-2011, Giáo sư Hoàng Tụy trở thành người đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng “Constantin Caratheodory Prize” do Tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục trao tặng. Giải thưởng mang tên nhà toán học lừng danh Constantin Caratheodory người Hy Lạp (1873 - 1950), mới được tổ chức này đề xướng vào năm 2011, nhằm vinh danh những cống hiến đã vượt qua thử thách của thời gian. Như vậy, một lần nữa, toán học Việt Nam được thế giới vinh danh.
GS Hoàng Tụy được xem là một tấm gương tự học tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho nền toán học trong nước và thế giới, nhất là trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục. Năm 2007 khi ông 80 tuổi, Pháp đã trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự. Trước đó, năm ông 70 tuổi, Trường Đại học Linkoping - Thụy Điển cũng đã tặng ông tấm bằng như vậy.
“Chính vì thế, khi xét giải thưởng Constantin Caratheodory Prize, người ta nghĩ đến tôi vì tôi sáng lập ra ngành này và có những đóng góp cơ bản cho ngành. Tôi tự hào khi Việt Nam là quê hương của ngành Tối ưu toàn cục. Trải qua 40 năm, Tối ưu toàn cục đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Rất tiếc, ở Việt Nam lại chưa được ứng dụng nhiều. Tôi mong muốn xây dựng một tập thể các nhà khoa học ở trong nước lớn mạnh và nhanh chóng đưa toán Tối ưu toàn cục vào ứng dụng trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở Việt Nam”, GS Hoàng Tụy cho biết.
* PV: Xin GS nói một chút về hoàn cảnh ra đời của công trình mang tên Tối ưu toàn cục?
* GS HOÀNG TỤY: Những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta có phong trào các nhà khoa học đi vào thực tế. Lúc đó anh em làm toán rất lúng túng vì không biết đưa kiến thức toán học vào thực tế bằng cách nào. Tôi đã suy nghĩ và phát kiến ra “vận trù học” – đây là một ngành khoa học dùng phương pháp tối ưu để phân tích tìm ra những giải pháp tốt nhất trong nhiều tình huống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, phải đi sơ tán, ban ngày lên lớp dạy trong tư thế phải sẵn sàng tránh máy bay, ban đêm làm việc dưới ánh đèn dầu, tôi cũng ngạc nhiên không hiểu nhờ đâu mà mình lại có thể tìm ra và hoàn thành công trình đầu tiên mang tên Tối ưu toàn cục.
* Phát kiến đó được áp dụng cụ thể ra sao, thưa GS?
* Ngành áp dụng đầu tiên là giao thông vận tải. Trong hành trình vận chuyển, có rất nhiều đoạn xe tải phải chạy không, như khi chạy đến nơi lấy hàng, rất lãng phí. Chúng tôi đã tính toán để điều hành các xe rút bớt được quãng đường đi không, tiết kiệm được rất nhiều. Chính trong khi làm công tác vận tải, tôi nảy ra một bài toán gọi là “quy hoạch lõm”. Hồi đó cũng rất may mắn, tôi đã đề xuất được một phương pháp giải, đó là bài toán đầu tiên về Tối ưu toàn cục.
Lâu nay người ta vẫn nói là những vấn đề khoa học mới chỉ có thể nảy sinh ở những nước phát triển, còn những nước chậm phát triển thì không thể. Nhưng tôi chứng minh được rằng, tại một nước chậm phát triển vẫn có thể giải quyết được bài toán đã phát sinh tại các nước phát triển mà bản thân họ chưa giải quyết được.
* Hẳn GS có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với công trình này?
* Cuối tháng 8-1969, trước khi Bác mất, tôi được thông báo lên Phủ Thủ tướng làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng đến nơi lại gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác hỏi chuyện tôi rất nhiều, khi tôi ra về Bác có nói: “Chú hãy cố gắng áp dụng vận trù học”. Điều này khiến tôi rất hạnh phúc. Sau đó một thời gian, đồng chí Lê Duẩn mời tôi đến gặp, nói rằng đã đọc bài của tôi trên báo rồi chỉ thị cho Ủy ban Khoa học lập viện nghiên cứu để tôi làm ở viện này.
* Xin cảm ơn GS!
MAI PHẠM - PHAN THẢO