Tôi còn nhiều điều muốn nói với khán giả

* Trước làn sóng ồ ạt các chương trình truyền hình thực tế trên sóng hiện nay, hoạt động của các sân khấu kịch có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa chị?
Tôi còn nhiều điều muốn nói với khán giả

Đạo diễn Ái Như

“Tôi nghĩ mình không giỏi, không chiêu trò trong biểu diễn như nhiều nghệ sĩ khác. Nhưng thứ mà tôi có đầy đó chính là lòng tin mãnh liệt với nghề. Khi nhận vai tôi tin mình là nhân vật đó để hóa thân và thể hiện một cách trọn vẹn” - đạo diễn, diễn viên, nhà biên kịch Ái Như chia sẻ.

* Trước làn sóng ồ ạt các chương trình truyền hình thực tế trên sóng hiện nay, hoạt động của các sân khấu kịch có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa chị?

- Phải nói các gameshow, truyền hình thực tế, phim truyền hình... tràn ngập trên sóng như hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình hoạt động của sân khấu nói chung. Thế nhưng mỗi loại hình đều có sự hấp dẫn, lung linh riêng mà khán giả chỉ có thể đến với nó thì mới cảm nhận được. Xem một vở kịch phát trên truyền hình không thể nào hấp dẫn bằng ngồi xem trực tiếp tại sân khấu. Tuy nhiên, chúng tôi mỗi ngày vẫn phải níu kéo khán giả, lôi họ về phía mình. Với sân khấu Hoàng Thái Thanh (HTT), từ khi dời về Nhà Thiếu nhi quận 10, lượng vé có giảm sút do nhiều người vẫn chưa biết, nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn chờ khán giả.

Đạo diễn Ái Như

* Vậy cách thức lôi kéo khán giả của sân khấu HTT, của riêng chị hiện nay?

- Chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình bằng chất lượng, bằng sức hút của tác phẩm và trên hết là sự nỗ lực rất nhiều của anh chị em nghệ sĩ, của toàn bộ ê kíp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mỗi năm chúng tôi sợ nhất là mùa mưa, lượng khán giả đến với sân khấu rất ít, phải hoạt động cầm chừng. Thế nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, cho đến khi nào cảm thấy không thể cầm cự nổi nữa mới thôi.

* Trước nhiều áp lực như thế, làm sao để chất lượng vở diễn được đảm bảo, thưa chị?

- Chúng tôi luôn phải tính toán làm sao để duy trì được suất diễn, được sân khấu và giữ đúng lời hứa với khán giả. Vì vậy chúng tôi bắt buộc phải cân đo đong đếm chi li từng khoản. Trước kia nhiều vở diễn luôn có tuổi thọ cao thì nay hoàn toàn ngược lại, sau một vài suất diễn chúng tôi lại phải đầu tư dựng vở mới để khán giả đến với mình. Dựng vở mới thì phải tốn tiền đầu tư, quá trình dàn dựng, tập luyện có khi cả tháng trời, bên cạnh đó là thuế má, chi phí… nó như một vòng luẩn quẩn mà chúng tôi luôn phải tất tả chạy theo. Vì vậy HTT luôn cố gắng cân bằng, hợp lý mọi thứ nhưng chất lượng vở diễn vẫn được đảm bảo, đem đến cho khán giả những món ăn hấp dẫn nhất.

* Dường như dòng kịch tâm lý-xã hội mà chị đang theo đuổi có vẻ kén khán giả, có bao giờ chị nghĩ sẽ thay đổi, đi theo những dòng khác như kịch kinh dị, kịch ma để hợp thị hiếu?

“Đến lúc nào đó nếu cảm thấy mình cạn nguồn sáng tạo tôi sẽ dừng. Bởi trong nghệ thuật nếu mình cố khi không còn khả năng thì sẽ cho ra những tác phẩm kỳ dị, và tôi không chấp nhận điều đó”.

   

- Tiêu chí nghệ thuật của HTT là thể hiện những tác phẩm về tình yêu và thân phận con người. Ái Như là một thành viên của HTT nên cũng không ngoại lệ, hơn nữa, tôi nghĩ rằng mình không giỏi, không tự tin ở các đề tài đó nên không làm. Nếu thực sự để kiếm tiền tôi sẽ làm cái khác. Trong cuộc sống nếu mình theo đuổi cái gì mình yêu quý, trân trọng và cảm thấy phù hợp thì sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Mặc dù tôi biết theo đuổi nó mình rất cực, áp lực và mệt mỏi, thế nhưng đó là niềm đam mê của mình thì hà cớ gì phải bỏ. Tôi không muốn coi dòng kịch tâm lý-xã hội như một người yêu, ban đầu mình say sưa chinh phục để rồi khi chán chường lại đổ xấu cho nhau. Tôi biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình nên trong nghệ thuật tôi muốn làm để chạm đến sự rung động nơi trái tim khán giả. Vì vậy vẫn cứ là tâm lý-xã hội, đó là mảnh đất để tôi thể hiện mình.

* “Không làm nghệ thuật với đầu óc doanh nhân”, câu nói này dường như hơi mâu thuẫn?

- Đó không phải một tuyên ngôn, mà đúng hơn là lời tôi tự chê trách mình. Hầu như suốt 5 năm nay chúng tôi đều phải bù lỗ chứ chưa dám nói đến huề vốn, tôi phải tính toán để làm sao ít bù lỗ nhất, cân đong đo đếm để giữ được sân khấu sáng đèn, giữ thương hiệu của mình. Vậy làm sao tôi có thể nói tôi là doanh nhân cho được. Bởi kinh doanh là phải có lời, doanh nhân phải có cái đầu lạnh, quyết đoán, lỗ liên tiếp như thế thì phải bỏ chuyển qua làm cái khác. Nhưng với tôi thì không, tôi không biết gì khác ngoài viết, diễn và dựng. Vì vậy tôi đâu phải doanh nhân? (cười).

* Luôn phải bù lỗ như thế,  sao chị không... nghỉ cho khỏe, để toàn tâm toàn ý diễn, viết, dựng kịch, không phải lo toan gì cả?

- Tôi đã làm điều đó được hơn 25 năm, tôi đi diễn, dựng và viết kịch cho nhiều sân khấu và hơn 5 năm nay tôi và nghệ sĩ Thành Hội mới tách ra tạo dựng sân khấu cho riêng mình bởi chúng tôi còn nhiều điều muốn nói với khán giả. Một khi bỏ tiền ra để tạo dựng một sân khấu cho riêng mình, ở đó chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý sáng tạo, vẫy vùng trong không gian nghệ thuật riêng, không sợ ai bác bỏ ý tưởng của mình.

NSƯT Thành Hội và Ái Như (phải) trong vở Đêm Thiên Nga

* Nói về nghề diễn, một Ái Như biến hóa đa dạng trên sân khấu với hàng trăm vai khác nhau, có thể cho biết chị lấy cảm xúc từ đâu?

- Tôi tự thấy khả năng mình ít, tôi cũng không có được những chiêu trò, tuổi tác cũng đã lớn, ngoại hình thì không cuốn hút như các diễn viên trẻ bây giờ. Có lẽ thứ mà tôi có duy nhất là lòng tin, tôi có một lòng tin mãnh liệt với nghề. Trong hành trình tìm tòi, thể hiện, khám phá nhân vật để đem đến cho khán giả nhiều loại vai khác nhau, tôi tin mình là nhân vật đó, tôi hóa thân thành họ để có thể cười khóc cùng nhân vật. Lòng tin đó giúp cho tôi vượt lên những khó khăn để luôn biết cố gắng hơn trong nghề. Tôi biết mình không “màu mỡ” như nhiều nghệ sĩ khác và mảnh đất canh tác của tôi cũng không rộng, nhưng tôi tin mình có đủ hạt giống tốt để khai phá, để chạm vào tận đáy lòng khán giả.

* Một ngày của đạo diễn Ái Như?

- Tôi bị chứng mất ngủ, tầm 3, 4 giờ sáng mới có thể chợp mắt nên sáng tôi thức dậy muộn, khoảng 8 giờ hơn. Sau đó tôi tập kịch, viết kịch bản, dàn dựng kịch mới, giải quyết nhiều chuyện khác ở sân khấu và buổi tối thì đi diễn. Thời gian rảnh rỗi tôi vẫn luôn dành trọn cho gia đình, cùng nhau đi ăn uống, cà phê để cân bằng
cuộc sống.

* Chị có thể chia sẻ đôi chút về gia đình?

- Bên ngoài sân khấu tôi còn là một người vợ, người mẹ, người của gia đình. Ông xã tôi giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Con gái tôi hiện là giảng viên Trường Đại học Y Dược và con trai tôi năm nay chuẩn bị thi đại học. Gia đình luôn đứng sau ủng hộ tôi rất nhiều trong nghệ thuật. Hai con tôi mặc dù bận rộn với công việc, học tập... nhưng vẫn luôn cố gắng hỗ trợ mẹ, và tôi hạnh phúc vì điều đó.

Mỗi giai đoạn của đời người đều có những suy nghĩ và mục tiêu khác nhau để phấn đấu. Có thể cho biết chị, đang sống vì điều gì?

Ở giai đoạn này tôi thường nghĩ nhiều đến... cái chết. Nghĩ nhiều về nó để mình không hốt hoảng, lo sợ. Thấm thoát đã hơn 50 năm, tôi vẫn nhớ như in thuở ấu thơ, rồi lúc chân ướt chân ráo bước vào trường nghệ thuật cho đến nay cũng đã hơn 35 năm, tính ra còn được bao nhiêu năm nữa đâu mà không suy nghĩ về cái chết? Tôi bắt đầu suy nghĩ cho mình, làm sao để có được nhiều sức khỏe để làm nghệ thuật, để lo lắng, chăm sóc gia đình, để còn có thể nhìn thấy chồng, thấy con sum họp mỗi ngày. Cuộc sống của tôi là như thế, gia đình và công việc chính là niềm hạnh phúc lớn lao.

HOÀNG TUẤN

Tin cùng chuyên mục