
Từ năm 2001 đến 2005, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đã đầu tư xây dựng tới 30 Phòng thí nghiệm (PTN) với tổng kinh phí lên đến gần 170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đầu tư thì nhiều nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng.
- Càng mũi nhọn càng tốn kém

Máy kiểm nghiệm tính cơ lý của vật liệu trị giá hàng chục ngàn USD đang chạy “cầm chừng”.
Ảnh: Tg.L.
PTN công nghệ Nano được đầu tư xây dựng từ năm 2004 với kinh phí lên tới 4,6 triệu USD. Được đặt tại Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung, PTN công nghệ Nano là một trong những dự án lớn của ĐH Quốc gia TPHCM nhằm nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nano, một ngành mũi nhọn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại.
Không dừng ở đây, dự kiến PTN công nghệ Nano sẽ được đầu tư thêm khoảng 3 triệu USD nữa để mua sắm trang thiết bị, lắp đặt vào năm 2010. Mặc dù được đầu tư “hoành tráng” như vậy, nhưng qua báo cáo “Một vài kinh nghiệm xây dựng PTN công nghệ Nano và mô hình Phòng thí nghiệm dùng chung” của PGS-TS Đặng Mậu Chiến mới đây, chưa cho thấy nhiều về thành quả cụ thể mà PTN công nghệ Nano mang lại, ngoại trừ việc đang thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và 2 đề tài trọng điểm ĐH Quốc gia TPHCM thuộc lĩnh vực công nghệ Micro-Nano.
PTN công nghệ sinh học phân tử tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM được hình thành từ năm 2000 trên cơ sở một dự án đầu tư PTN trọng điểm của ĐH Quốc gia TPHCM. Mục tiêu và nhiệm vụ của dự án này là đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để tiến hành các nghiên cứu phát triển mới hoặc ứng dụng, triển khai các công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học tiên tiến trên cơ sở các công nghệ nền của công nghệ sinh học hiện đại. Với vai trò “mũi nhọn” như vậy nên từ năm 2003 đến 2005, PTN Công nghệ sinh học được đầu tư tiếp trên 4 tỷ đồng để nâng cấp thành PTN Trung tâm Công nghệ sinh học phân tử.
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TPHCM, từ năm 2001 đến 2005 trường đã đầu tư 30 PTN lớn nhỏ với tổng khi phí lên đến gần 170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Cụ thể: năm 2001 đầu tư 8 PTN với kinh phí 19,8 tỷ đồng; năm 2002 đầu tư 11 PTN với kinh phí 22,6 tỷ đồng; năm 2003 đầu tư 10 PTN với 32,6 tỷ đồng; năm 2004 đầu tư 12 PTN với 39,4 tỷ đồng; và năm 2005 đầu tư 15 PTN với 50,7 tỷ đồng.
- Nên xây dựng các PTN dùng chung
Trong bài viết “Vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng các PTN nghiên cứu thuộc ĐH quốc gia TPHCM”, TS Hồ Đắc Lộc (ĐH Bách khoa TPHCM) nhận định: Ở các trường ĐH, các viện nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học cơ bản được thực hiện tại các PTN, nhưng do ràng buộc về tài chính và cơ chế, các PTN chưa phát huy hết tác dụng.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ nhà giáo - nhà khoa học, ĐH Quốc gia TPHCM đã được nhà nước đầu tư các PTN với các thiết bị hiện đại đủ khả năng thực hiện các nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng ngang tầm khu vực. Tuy nhiên, để đạt được các kết quả mong muốn cần một cơ chế mở tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khả năng cạnh tranh của các PTN.
GS-TSKH Trương Minh Vệ (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng đã chứng minh rằng năm 2005, ĐH Quốc gia TPHCM triển khai 183 đề tài cấp bộ trở lên với tổng kinh phí 18,62 tỷ đồng (trung bình 93 triệu đồng cho một đề tài) và 50,63 tỷ đồng cho 15 PTN, nhưng doanh thu chuyển giao công nghệ chỉ 56,95 tỷ đồng, chưa đủ vốn đầu tư. Trong khi ở Trung Quốc đầu tư cho khoa học và công nghệ là một thì phải thu lãi là bốn. Điều đó cho thấy nhà nước đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thì quá… khiêm tốn.
PGS-TS Đặng Mậu Chiến (PTN công nghệ Nano) từng nhận định rằng khoảng 10-15 năm trước đây, nhiều nhà khoa học phàn nàn không có thiết bị để nghiên cứu. Ngày nay với nhiều nguồn vốn khác nhau, nhà nước đã đầu tư nhiều PTN với trang thiết bị hiện đại, nhưng tần suất sử dụng thấp, dẫn đến hiệu quả sử dụng kém. Do nhu cầu sử dụng thấp nên các PTN hiện đại không thể tự nuôi mình, trông chờ vào kinh phí nhà nước, hậu quả là nhiều thiết bị hiện đại không được sử dụng.
Vậy làm thế nào để đầu tư không lãng phí mà phát huy được hiệu quả các PTN?
Theo PGS-TS Đặng Mậu Chiến, cần xây dựng một mô hình PTN dùng chung nhằm nâng cao hiệu quả của các PTN. Tương tự, trong đề tài nghiên cứu về điều tra, khảo sát thực trạng các PTN tại khu vực TPHCM cách đây không lâu, PGS-TS Đặng Công Minh (Hội hợp tác các Phòng thí nghiệm - VINATEST) cũng đề xuất: Ngân sách nhà nước nên tập trung liên kết hoặc đầu tư vào một số PTN chủ yếu (PTN trọng điểm, PTN trong chương trình liên kết giữa TPHCM với ĐH quốc gia và một số trường ĐH khác, và PTN chủ yếu của trung ương và thành phố) hoạt động theo cơ chế “mở”.
Mặt khác, PGS-TS Đặng Công Minh nhìn nhận là các PTN thuộc khối nghiên cứu, giảng dạy ở các trường ĐH và các viện đầu tư thiết bị chưa đồng bộ, chưa đầu tư chiều sâu (do thiếu thông tin và tư vấn); mua máy móc theo kế hoạch tài chính chứ chưa theo nhu cầu và khả năng khai thác, hệ số sử dụng chưa cao…
Hơn nữa, các cơ quan quản lý chưa quan tâm tìm hiểu những PTN đơn vị nào thật sự có sáng tạo, đã đạt được một chuẩn nhất định nào đó, đã mang lại kết quả có chất lượng và thị trường đã chấp nhận để tập trung đầu tư, hỗ trợ, giao kinh phí triển khai các kết quả nghiên cứu. Trong khi ngân sách thường được phân đều cho các đơn vị nên kết quả đã được nghiên cứu thành công ở một số đơn vị, nhưng ngân sách lại tiếp tục giao cho các đơn vị khác nghiên cứu lại từ đầu.
Từ thực trạng của các PTN và hoạt động nghiên cứu khoa học, GS-TS Trương Minh Vệ nhận xét: “Hiện nước ta thuộc nhóm nước kém phát triển, một nền kinh tế dựa nhiều vào lao động cơ bắp chứ chưa dựa trên nền tảng của phát triển nghiên cứu khoa học và nguồn nhân lực trí thức”.
TƯỜNG LÂM
Thông tin liên quan |
Bài 1: Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Đầu tư bạc tỷ để chờ... lạc hậu |