
Căn phòng làm việc của nhà báo không thẻ này có diện tích chừng 4m2, nằm ở phía sau của hội trường hợp tác xã Đại An Khê. 17 năm qua, trời nắng nóng cũng như mưa dầm, nông dân Đào Bá Viêm lúc nào cũng cặm cụi làm việc như một nhà báo chính quy để kịp có tin, bài phục vụ chương trình phát thanh hàng ngày của đài tiếng nói… Đại An Khê.
Điều đặc biệt của tờ báo nói này là chỉ có một người làm việc. Vừa viết bài, biên tập và cầm luôn micro đọc bài phát lên đài cho bà con nghe. Người dân ở làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) thường gọi anh với cái tên kính trọng: tổng biên tập báo… làng.
Đam mê tận xương tủy
Tốt nghiệp THPT, có năng khiếu văn học nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Đào Bá Viêm không thể thực hiện giấc mơ thi vào Đại học Báo chí. Trở về quê, Đào Bá Viêm vẫn ôm mộng trở thành một nhà báo giỏi cấp làng. Hồi ấy, cả làng Đại An Khê chỉ có một chiếc tivi đen trắng, nhưng vì quá đam mê thời sự nên đêm nào anh Viêm cũng ăn cơm sớm đến ngồi hàng ghế đầu ở nhà hội trường để xem chương trình.
Anh Viêm nói: “Tôi đến xem thời sự để học cánh họ làm tin, bài như thế nào. Có lần tôi thấy ngoài đường quốc lộ 1A xảy ra vụ tai nạn giao thông ở Miếu Đôi làm chết 7 người. Dư luận bàn tán xôn xao không biết vì sao chiếc xe ô tô đang chạy lại lật ngửa ra. Hay là vì cái này, cái kia xui khiến.

Anh Đào Bá Viêm đang đọc báo Sài Gòn Giải Phóng cho bà con nông dân thôn Đại An Khê nghe.
Thế mà chỉ hai ngày sau thấy báo đưa tin một cách rõ ràng, chi tiết. “Nổ lốp trước, ô tô lật chết 7 người”, họ làm tin tài thật. Cầm tờ báo trong tay tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, rồi đọc cho bà con nghe để họ hiểu rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn chứ không phải do ma xô, quỷ đẩy…
Từ đó, anh Viêm quyết định viết báo. Viết những chuyện xảy ra xung quanh cuộc sống xóm làng, về một em bé con nhà nghèo học giỏi, về gương người tốt việc tốt gửi cho báo địa phương. Nhưng trước hết phải học cách viết. Mượn báo về, anh đọc cẩn thận từng mẩu tin, bài phản ánh, xem cách thể hiện của các tác giả.
Anh Viêm cho biết: Tôi mạnh dạn viết và gửi bài đi được gần mười ngày thì hôm ấy anh giao liên đưa báo về làng, tôi thấy mẩu tin mình viết được đăng. Mừng quá, mang tờ báo về nhà, đọc đi đọc lại nhiều lần. Thấy vậy, gia đình trêu bộ thằng Viêm đọc báo để khỏi ăn. Tôi ngại quá, vào giường nằm trùm chăn lại đọc cho đến khi thuộc lòng mẩu tin. Phải nói rằng, niềm đam mê báo chí của tôi đã ăn sâu vào máu thịt, xương tủy.
Năm 1987, khi đài phát thanh Đại An Khê không có ai phụ trách, anh Viêm thấy có cơ hội tốt để thực hiện giấc mơ trở thành nhà báo… làng nên tự nguyện vào làm việc ở đài.
4 bài, 10 tin…
Cơ ngơi của “tờ báo nói” này ngoài một chiếc micro cũ kỹ còn có một máy tăng âm, một cái loa và một chiếc bàn làm việc, chấm hết. Đối tượng phục vụ của “tờ báo nói” do anh Viêm phụ trách khoảng 2.300 người, đa số là nông dân lao động ở Đại An Khê. Nhiều lần anh Viêm trăn trở mình đã nhận trách nhiệm làm “tổng biên tập báo làng” nên phải gắng làm cho bằng được.
Mỗi ngày, anh Viêm tự tổ chức tin, bài bằng cách vận động các nông dân, các cán bộ lão thành, các em học sinh làm cộng tác viên. Đầu tiên chưa quen việc, ít người làm nhưng rồi cảm thấy vui vui khi nêu được một chuyện tốt trong xóm làng góp phần động viên bà con nên nhiều nông dân cũng tập tễnh làm... báo. Tất cả đều làm việc một cách tự nguyện, không lương, không nhuận bút. Riêng thu nhập từ việc làm “tổng biên tập” của anh Viêm được bà con trả cho mỗi tháng 50kg lúa.
Anh Viêm giải thích “quan điểm” tuyên truyền của mình: Tin, bài tập trung phản ánh vào các nội dung người tốt việc tốt, sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của bà con như phòng chống bệnh mùa hè cho trẻ em, gia súc, các loại phân bón cho cây trồng, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thời tiết, khí hậu….
Mỗi chương trình phát sóng của “tờ báo nói” ngốn hết 4 bài 10 tin, gồm có ba phần nội dung: Tin, bài của anh Viêm tự viết, của các cộng tác viên; cắt những mẩu tin trên báo liên quan đến sản xuất nông nghiệp; những chỉ đạo của hợp tác xã và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Tất cả các công đoạn anh Viêm đều tự tuyển chọn, biên tập và tự cầm micro đọc vào máy để phát ra cho bà con nghe.
Anh Viêm tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin mà mình cho phát lên đài. Mấy chục năm qua, anh đã làm tốt công việc của mình, chưa một lần bị cơ quan chức năng “thổi còi”, còn được khen thưởng vì thành tích tuyên truyền xuất sắc.
Nhiều hôm, bà con viết bài dài đến mấy trang giấy mà chẳng có dấu phẩy hay dấu chấm nào, anh Viêm phải tự tay ngồi biên tập lại từng câu, chữ. Nhưng cũng có những bài cộng tác viên gửi lên nội dung viết không đúng, lủng củng, vị “tổng biên tập” này thẳng tay loại ngay từ vòng đầu.
17 giờ 30 hàng ngày, giọng của anh Viêm lại vang lên đều đặn. Dân làng hớn hở đón nghe giọng nói thân thuộc: “Đây là đài phát thanh Đại An Khê. Xin mời bà con cô bác lắng nghe. Chương trình hôm nay có các tin chính sau đây…”. Ngày nào cũng vậy, mỗi chương trình phát thanh kéo dài 30 phút, đến 18 giờ. Nghe hoài thành quen, hôm nào bà con cũng chờ đến giờ G để nghe có thông tin gì mới không, khi nào xuống giống, khi nào bắt đầu vào vụ nuôi tôm, con cái gia đình nào tuần qua không vâng lời cha mẹ...
Suốt đời tự nguyện làm việc như vậy, lấy gì nuôi gia đình - tôi hỏi. Anh Viêm cười “Tôi đam mê nghề báo nên thấy mình phải có trách nhiệm với bà con. Ngoài giờ viết bài, làm phát thanh tôi vẫn ra đồng cày ruộng, trồng lúa, làm việc tại hợp tác xã”.
Xong việc đồng áng, mỗi ngày, cứ đến đầu giờ chiều anh Viêm lại ngồi vào bàn biên tập, sản xuất chương trình. Khó khăn nhất vẫn là phần tin, bài cộng tác viên gửi lên. Vì không có tiền trả nhuận bút, làm việc với tinh thần tự nguyện nên đôi lúc thiếu bài vở để phát thanh nhưng không dám mời ai cộng tác. Thế là “tổng biên tập” Viêm lại ngồi vào hí hoáy một hồi rồi cũng ra được vài tin, một bài ngắn cho kịp chương trình hàng ngày.
Hôm tôi có mặt ở làng Đại An Khê, anh Viêm đang đọc thời sự kỷ niệm 80 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trên sóng phát thanh của làng. Khi tôi tặng anh mấy tờ Sài Gòn Giải Phóng nhật báo, nét mặt anh mừng rỡ. Bởi vì hôm nay “Tổng biên tập” Đào Bá Viêm không cần phải ngồi viết tin, biên tập bài nữa, mà đã có thông tin trên Báo Sài Gòn Giải Phóng để đọc lên đài.
Tay mân mê cầm tờ báo, tay kia cầm micro, anh Viêm phát thanh trực tiếp: “Thủ tướng Phan Văn Khải đi thăm chính thức Mỹ và Canada”, “Giá bò sữa giảm mạnh, khó khăn song hành với thời cơ”… (trang nhất Báo SGGP ngày 16-6-2005). Vừa đọc, anh Viêm vừa nói: “Giá bò sữa giảm e người nông dân thiệt hại lắm anh hè”. Rồi anh lật tìm trang trong xem có mục nào nói đến các phương thuốc trị bệnh cho trâu bò, lợn và gà vịt” để chuẩn bị chương trình ngày mai đọc tiếp cho bà con cùng nghe.
Đào tạo nhà báo nông dân
Không biết có bao nhiêu nhà báo đam mê với công việc như nông dân Đào Bá Viêm làm báo? Có thể cách anh đang làm chưa chuyên nghiệp (chuyên nghiệïp sao được khi suốt ngày ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng) nhưng tác dụng của tờ “báo nói của ông Viêm” thì hết sức đa dạng, phong phú.
Bây giờ, ở làng Đại An Khê người dân hàng đêm không còn tập trung đến hội trường hợp tác xã ngồi họp để nghe ông chủ nhiệm thông báo tình hình công việc trong tuần tới. “Báo nói” của ông Viêm đã lo tất mọi chuyện. Mỗi ngày chỉ phát thanh hai lần sáng và tối (sáng 5 giờ 30, phát lại chương trình của tối hôm trước) thế là bà con nghe đầy đủ, không thiếu nội dung nào. Có nhà báo không thẻ Đào Bá Viêm lo toan mọi thông tin từ thành đến xã, bà con phấn khởi vô cùng.
Tôi hỏi anh mấy chục năm tự nguyện làm “tổng biên tập báo làng” như vậy chị nhà có ý kiến gì không, anh Viên cười hề hà: “Bà nhà thấy vậy vui thêm thì có. Việc tôi làm có ích cho xã hội cho bà con thì làm sao mà bả buồn được.
“Sức đâu mà anh chạy đi viết hoài được, 52 tuổi, chứ trẻ trung gì?” Tôi chất vấn. Anh Viên bộc bạch: Tôi mới đề nghị với huyện Hải Lăng mở lớp bồi dưỡng cách viết tin, bài cho cộng tác viên ở trong các chi hội nông dân, thanh niên. Nói thật, một mình làm lâu lắm rồi, được bà con tín nhiệm mấy nhiệm kỳ liền, bây giờ cũng mệt lắm chứ, ăn rồi đeo theo nó hoài, chẳng đi đâu được nên tôi mới nghĩ tới chuyện đào tạo nhà báo trẻ rồi sau đó tính chuyện bàn giao công việc.
Anh Viêm bảo: “Nếu ngày mai tôi nghỉ việc thì đã có được một đội ngũ cộng tác viên nông dân thay tôi đảm nhận được công việc ở “tờ báo nói” của Đại An Khê. Tôi thấy thế là mãn nguyện lắm rồi”.
LAM KHANH