Quyền hành pháp được liên tục mở rộng qua các đời Tổng thống Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã khác hẳn những người tiền nhiệm khi tăng tốc ký 6 sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi ngay trong tuần đầu tiên vào Nhà Trắng, cùng việc cách chức quyền Bộ trưởng Tư pháp, người phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia đa số Hồi giáo.
Quyền hành pháp của tổng thống
Hiến pháp Mỹ quy định “quyền hành pháp được trao cho Tổng thống Mỹ”. Sắc lệnh hành pháp là lệnh của tổng thống chỉ thị các cơ quan thuộc quyền, thường là về cách thực hiện một chính sách, cũng là cách tổng thống chứng tỏ việc thúc đẩy các ưu tiên quan trọng và để gửi thông điệp. Sắc lệnh hành pháp đã có từ thời Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington. Một số chính sách nổi tiếng hay tai tiếng nhất trong lịch sử Mỹ đã được thực hiện thông qua các sắc lệnh hành pháp, như Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ của Tổng thống Abraham Lincoln năm 1862 trong cuộc nội chiến Mỹ và sắc lệnh của Tổng thống Franklin Roosevelt năm 1942 quản thúc người Mỹ gốc Nhật trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Có giới hạn những gì tổng thống có thể thực hiện thông qua sắc lệnh hành pháp, đó là không thể thiết lập một luật mới hoặc mức thuế mới, điều thuộc quyền của Quốc hội. Để hợp pháp, một sắc lệnh phải giải thích cách thực hiện chính sách trong phạm vi pháp luật. Một ví dụ rõ là sắc lệnh Tổng thống Trump ký ngày 25-1 về xây dựng bức tường biên giới với Mexico, có thể yêu cầu cơ quan thuộc quyền tổng thống thực hiện các bước lập kế hoạch xây dựng bức tường, nhưng không thể chỉ cần có sắc lệnh là bức tường sẽ được xây dựng, mà phải được Quốc hội phê chuẩn kinh phí hàng tỷ USD. Ví dụ khác là sắc lệnh của Tổng thống Barack Obama đóng cửa nhà tù quân sự Mỹ ở vịnh Guantanamo đã bị phản đối tại Quốc hội và nhà tù này vẫn hoạt động.
Sắc lệnh hành pháp thường gây nhiều tranh cãi, như các sắc lệnh của Tổng thống Trump về người tị nạn, nhập cư bất hợp pháp, bức tường biên giới, Obamacare, cũng như sắc lệnh trước đây của Tổng thống Obama về thay đổi chính sách nhập cư. Tranh luận còn về thẩm quyền của tổng thống khi ban hành một sắc lệnh có vượt quyền được Hiến pháp và Quốc hội quy định. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã nói với báo giới về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump rằng: “Các tòa án sẽ xác định xem thẩm quyền có quá rộng”.
Biểu tình phản đối sắc lệnh nhập cảnh mới của Tổng thống Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami Florida, Mỹ Ảnh: ABC News
Khác biệt của Tổng thống Trump
Ngày 30-1, Tổng thống Trump cách chức quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates chỉ vài giờ sau khi bà chỉ thị bộ không bảo vệ sắc lệnh nhập cảnh mới trước tòa án. Sắc lệnh do Tổng thống Trump ký ngày 27-1, cấm nhập cảnh Mỹ vô thời hạn với người tị nạn Syria và cấm trong 4 tháng người tị nạn từ tất cả các quốc gia khác, cấm nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày với công dân 7 quốc gia đa số Hồi giáo, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra tại các sân bay lớn của Mỹ, các giám đốc doanh nghiệp lên án và ACLU khởi kiện sắc lệnh nhập cảnh mới.
Các sắc lệnh hành pháp giúp Tổng thống Trump chứng tỏ sự nhanh chóng và dứt khoát thực hiện các cam kết tranh cử, nhưng nhược điểm là có thể bị các tòa án bác hoặc không tạo ảnh hưởng đáng kể nếu không được pháp luật hỗ trợ… Trump không phải tổng thống đầu tiên mở rộng quyền hành pháp. Tổng thống George W. Bush đã sử dụng rộng rãi quyền hành pháp để phát huy sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố và Tổng thống Obama đã dùng quyền để ban hành các sắc lệnh về người nhập cư bất hợp pháp và quy định về phát thải khí nhà kính. Các tổng thống Bush và Obama ban hành các sắc lệnh hành pháp đều kèm cơ sở pháp lý cẩn thận nhưng không phải tòa án chấp nhận tất cả, trong lúc các sắc lệnh của Tổng thống Trump lại lỏng lẻo, dễ dẫn đến tranh cãi pháp lý...
Cách tiếp cận của Tổng thống Trump có thể làm hỏng triển vọng dài hạn của chính sách mà phe bảo thủ Mỹ đã tìm cách thay đổi trong nhiều năm. Mô tả sắc lệnh nhập cảnh mới của Tổng thống Trump là “không khôn khéo và vượt quyền”, The Wall Street Journal cảnh báo rằng “sự nguy hiểm của việc hành động quá nhanh mà không có sự chuẩn bị và thực thi quyền cẩn thận là tổng thống đang tạo nên lực lượng chính trị đối lập đáng gờm”.
Thu hồi sắc lệnh hành pháp?
Một sắc lệnh hành pháp có thể bị thu hồi theo 3 cách, do tòa án, Quốc hội hoặc tổng thống. Tuy nhiên, không cách nào dễ dàng, ít nhất là khi tổng thống ban hành sắc lệnh đang tại nhiệm.
Tòa án có thể đảo ngược hay hủy bỏ một sắc lệnh hành pháp, thẩm phán có thể phán quyết rằng tổng thống đã vượt quá quyền lực khi ban hành một sắc lệnh, điều từng xảy ra khi Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 6-2016 đã chặn sắc lệnh thay đổi chính sách nhập cư của Tổng thống Obama.
Quốc hội có thể thu hồi, sửa đổi hoặc thay thế một sắc lệnh hành pháp nếu tổng thống đã hành động vượt thẩm quyền Quốc hội cho phép. Quốc hội cũng có thể thông qua một dự luật đảo ngược một sắc lệnh hành pháp, nhưng tổng thống vẫn có quyền phủ quyết dự luật này để nó không trở thành luật, và nếu Quốc hội do đảng của tổng thống kiểm soát, các nhà lập pháp có thể không muốn khiển trách trực tiếp tổng thống. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) dẫn một nghiên cứu cho thấy Quốc hội đã sửa đổi chỉ khoảng 4% số sắc lệnh hành pháp… Tòa án có thể tuyên bố một sắc lệnh hành pháp vi hiến hay bất hợp pháp, nhưng trừ vài trường hợp ngoại lệ, tòa án không thường xuyên đảo ngược sắc lệnh. Theo giáo sư Howell, từ năm 1945 đến 1998, có đến 83% số vụ các tòa án sau khi xem xét một sắc lệnh hành pháp đã ra phán quyết ủng hộ tổng thống.
Tổng thống có thể thu hồi, sửa đổi hoặc thay thế bất kỳ sắc lệnh hành pháp, nhưng thường là hủy các sắc lệnh của người tiền nhiệm chứ hiếm khi rút lại sắc lệnh của chính mình. “Làm điều đó như phải thừa nhận rằng đã phạm một sai lầm rất lớn, sẽ rất tai hại cho sự nghiệp chính trị”, theo Alvin Tillery, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northwestern.
Hiếm sắc lệnh hành pháp bị thu hồi trong cùng nhiệm kỳ tổng thống ban hành, nhưng sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump đã khiến Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) ban hành lệnh ngày 29-1 miễn trừ thường trú nhân hợp pháp Mỹ khỏi lệnh cấm. Howell nói hành động này là khá bất thường vì “với hầu hết các sắc lệnh hành pháp, nếu không im lặng, ít nhất cũng được chấp nhận rộng rãi vì tổng thống thường đã trao đổi với các lãnh đạo chính trị chủ chốt, được sự chấp nhận của họ”. Trước đó, ngày 28-1, thẩm phán tòa án liên bang ở New York cũng đã ra phán quyết khẩn cấp ngừng trục xuất một số người đã đến các sân bay ở Mỹ, sau vụ kiện của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU).
Cơ chế kiểm tra sắc lệnh hành pháp có thể không được sử dụng thường xuyên, nhưng có vai trò giới hạn quyền lực tổng thống. Theo Howell: “Về nguyên tắc, tổng thống có thể viết bất cứ điều gì mình muốn trong một sắc lệnh hành pháp, nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng tổng thống có thể tạo dựng lại chính trường theo quan điểm riêng. Cơ chế kiểm tra có ý nghĩa của nó”.
THIỆN NGUYỄN