TP Thủ Đức và các địa bàn giáp ranh phối hợp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Ngày 1-3, tại TPHCM, các địa phương, đơn vị gồm: Thành ủy TP Thủ Đức (TPHCM), Thành ủy TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cùng Thành ủy TP Thuận An, Thành ủy TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ký kết chương trình phối hợp, giai đoạn 2024-2025.

Đến dự chương trình ký kết có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM: Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức và các đồng chí lãnh đạo TP Thủ Đức, TP Biên Hòa, TP Thuận An, TP Dĩ An, ĐHQG TPHCM.

1-3-1-9952.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại lễ ký kết chương trình phối hợp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chương trình nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1-3-4-939.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dấu ấn cho chặng đường lịch sử

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh sáng kiến đưa ra chương trình hợp tác ý nghĩa giữa 4 thành phố và ĐHQG TPHCM; đồng thời khẳng định đây là sự kiện đặc biệt, là dấu ấn cho chặng đường lịch sử các địa phương, đơn vị đã và đang đi về phía trước.

1-3-7-6059.jpg
Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh chứng kiến các đơn vị ký kết phối hợp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hoan nghênh, đánh giá cao những nội dung phối hợp, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, các nội dung đã chứa đựng được tinh thần của các nghị quyết mà Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành phát triển vùng Đông Nam bộ nói chung, TPHCM nói riêng cũng như nội dung chương trình hành động của Chính phủ, Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...

Đồng chí cho rằng, chương trình phối hợp là đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở cấp rất sát với cơ sở.

Điểm lại các nội dung phối hợp, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá đây là các nội dung rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân tiểu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, đồng chí đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung hợp tác cải thiện về kết cấu hạ tầng để đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm bớt ách tắc, vướng mắc ảnh hưởng đến đi lại, vận chuyển hàng hóa kể cả đường bộ và đường thủy.

1-3-5-2910.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, địa bàn của các địa phương, nhất là ĐHQG TPHCM là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nguồn lực, vị trí, tiềm năng, sức bật đang là trung tâm của vùng Đông Nam bộ. Do đó, đồng chí cho rằng các nội dung ký kết là biểu tượng để hành động, cùng với thực hiện tốt nhiều nội dung khác sẽ là thực hiện tốt Nghị quyết 24.

Nhấn mạnh đến việc làm của người dân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, lao động ở khu vực này rất năng động; đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị có giải pháp giảm nghèo bền vững, để kéo giảm khoảng cách giữa người dân ở các thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo chương trình của TPHCM để tiểu vùng này sẽ là hạt nhân thúc đẩy hoạt động phát triển của các địa phương, đơn vị.

Trong triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị bám sát nguyên tắc, cơ chế chung và nâng lên, đẩy nhanh, quan tâm đến xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị của tiểu vùng và của các tỉnh, thành phố ngày càng trong sạch vững mạnh. Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính để người dân bớt thời gian chờ đợi, tránh mất cơ hội làm ăn, phát triển của người dân và doanh nghiệp; có giải pháp kết nối thông tin để xử lý các công việc của địa phương.

“Câu chuyện hôm nay sẽ trở thành lịch sử của ngày mai, chúng ta phải làm sao để xây dựng tiểu vùng phát triển hơn, năng động, sáng tạo, chất lượng cuộc sống người dân tốt hơn, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm môi trường xã hội, môi trường an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, đồng chí bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, nội dung nào vượt thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp trên cho một lần cơ chế, thậm chí ủy quyền để tránh trường hợp phải đi xin. “Phải chủ động hơn để hành động quyết liệt”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Tại chương trình, lãnh đạo các Tỉnh ủy Bình Dương và Đồng Nai cũng khẳng định sẽ ủng hộ, hậu thuẫn cho chương trình đạt hiệu quả.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, chương trình ký kết với mục tiêu xây dựng tiểu vùng trung tâm vùng Đông Nam bộ “nổi bật về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục – đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế” đồng thời “Nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới”

Theo ông Hoàng Tùng, mạng lưới giao thông đường bộ gắn kết 4 thành phố thành một vùng đô thị thống nhất và tích hợp, tạo nền tảng cho các hoạt động giao thương sôi động trong vùng.

Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, nhất là trong quản lý ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí, giúp đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng về cơ hội cho tất cả các địa phương.

1-3-2-1117.jpg
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của 4 thành phố. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phối hợp thực hiện 5 nội dung

Tại chương trình, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng thông qua nội dung tóm tắt chương trình phối hợp.

Theo đó, các địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện 5 nội dung. Về chỉnh trang và phát triển hạ tầng giao thông tại các điểm giáp ranh, các địa phương, đơn vị thực hiện rà soát và lên danh mục ưu tiên đầu tư công của từng địa phương theo thiết kế chung của tuyến đường vào tháng 3 và tháng 9 dựa trên cơ sở quy hoạch và cơ chế phân cấp của địa phương.

Riêng các tuyến hẻm có mật độ dân cư đông đúc khó thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thực hiện vận động theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng tham gia chỉnh trang đô thị. Đối với tuyến đường Vành đai 2, 3, việc thực hiện căn cứ vào ngân sách quốc gia. Do đó, các đơn vị nghiên cứu đề xuất chính sách sử dụng đất theo hướng có lợi cho nhân dân bị ảnh hưởng từ dự án. Các bên cũng phối hợp thực hiện thi đua trong việc xây dựng công viên trong khu dân cư; phối hợp nghiên cứu, đề xuất mở tuyến xe buýt kết nối giao thông của 4 địa phương và ĐHQG TPHCM.

1-3-h1-578.jpg
Phường Long Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) nơi kết nối TPHCM với Dĩ An (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với nội dung đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, các địa phương, đơn vị thường xuyên duy trì công tác phòng chống dịch bệnh trong các khu dân cư giáp ranh. Hỗ trợ khám chữa bệnh cho hộ nghèo, công nhân, học sinh, sinh viên, người lao động trong các khu nhà trọ của các phường giáp ranh…

Về văn hóa – giáo dục, các địa phương, đơn vị luân phiên tổ chức liên hoan các chương trình ca nhạc đờn ca tài tử; phát triển và tổ chức giao lưu các môn thể dục thể thao; khơi dậy, khuyến khích và phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong cộng đồng; xây dựng Quỹ phát triển tài năng trẻ Tiểu vùng miền Đông. Nghiên cứu Nghị quyết 98 của Quốc hội để xây dựng chương trình phát triển và chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế tài chính. Riêng ĐHQG TPHCM xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng quá trình phát triển của 4 thành phố trong tương lai.

1-3-khu-dhqg-tphcm-6565.jpg
Khu ĐHQG TPHCM nằm ở phần đất thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về bảo vệ môi trường, mỗi địa phương có kế hoạch trồng mới cây xanh phân tán trên địa bàn; cùng tham gia chương trình “Vườn cây quà tặng”; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, không để đất đai hoang hóa, phát sinh tụ điểm cỏ, rác gây ô nhiễm; tuyên truyền và có hoạt động bảo vệ nguồn nước của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Về an ninh - trật tự, thực hiện quy chế phối hợp của công an 7 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ về đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh. Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện của 4 địa phương và ĐHQG TPHCM trong phòng ngừa xã hội; phòng ngừa nghiệp vụ; biện pháp tố tụng, công tác điều tra xử lý tội phạm để quyết tâm kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội hàng năm.

1-3-cau-vuot-linh-xuan-ket-noi-tp-thu-duc-va-di-an-binh-duong-8914.jpg
Cầu vượt Linh Xuân kết nối TP Thủ Đức (TPHCM) và Dĩ An (Bình Dương). Ảnh: HOÀNG HÙNG
1-3-6-6806.jpg
Dịp này, Sở QH-KT TPHCM, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm trên lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tin cùng chuyên mục