Được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thực hiện các hoạt động của dự án SPI-NAMA trong năm 2019. Kết quả tính toán ban đầu, kịch bản phát triển thông thường năm 2016, TPHCM phát thải 51.846 tấn CO2 và đến năm 2030 là hơn 160.000 tấn CO2. Nếu thực hiện 5 hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp, cao ốc, dân dụng, giao thông và năng lượng tái tạo tại TPHCM thì năm 2030 lượng phát thải còn 112.517 tấn CO2 (giảm 21%).
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, dự án đã tiến hành thử nghiệm áp dụng hệ thống báo cáo carbon cho 9 tòa nhà tại TPHCM để xây dựng kế hoạch giảm phát thải cho các tòa nhà và doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng lớn nhằm đưa ra các khuyến nghị cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đồng thời kế hoạch cũng tiến hành khảo sát triển khai các hành động giảm nhẹ trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực được chọn là cảng biển. Nhóm đã thu thập dữ liệu từ 17 cảng biển nhằm ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của cảng biển tại TPHCM.
Ngoài ra, dự án còn thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các sở ngành thành phố, bao gồm: tổ chức lớp tập huấn cho 20 cán bộ tham gia dự án về cách thiết lập và tính toán đường phát thải carbon theo kịch bản phát thải thông thường (BAU) và kịch bản phát triển (LCS); tổ chức khóa tập huấn cho 7 cán bộ các sở ngành tại Tokyo, Nhật Bản.
Với những kết quả đạt được, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động nhằm cắt giảm khí nhà kính mà thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung đã cam kết tại Hội nghị COP 21 (Việt Nam cam kết cắt giảm 8% khí nhà kính và 25% nếu được sự ủng hộ của quốc tế vào năm 2030).