TPHCM cơ bản không còn hộ nghèo - Bài 1: Còn nhiều việc phải làm

Khơi lòng tin, ý chí của người nghèo
TPHCM cơ bản không còn hộ nghèo - Bài 1: Còn nhiều việc phải làm

LTS: Qua 4 năm thực hiện Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 - 2015), hơn 130.000 hộ nghèo của TPHCM đã nâng được thu nhập trên 12 triệu đồng/người/năm; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nhiệm vụ giảm nghèo, tăng hộ khá trong thời gian tới theo chuẩn mới và cách tiếp cận mới ở TPHCM vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đến tháng 11-2013, TPHCM chỉ còn 21.000 hộ nghèo (chiếm 1,1% tổng hộ dân TP). Số hộ nghèo đang giảm từng ngày và dự kiến, cuối năm 2013, chỉ còn khoảng 14.000 hộ (0,7%) thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Điều đó đồng nghĩa, TP có thể kết thúc Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 - 2015) trước 2 năm so với kế hoạch.

Ông Hùng Giáo (ngụ đường Dương Văn Dương, quận Tân Phú) xác nhận gia đình mình đã thoát nghèo.

Ông Hùng Giáo (ngụ đường Dương Văn Dương, quận Tân Phú) xác nhận gia đình mình đã thoát nghèo.

Khơi lòng tin, ý chí của người nghèo

Ngôi nhà 40/13/16 Tô Hiệu (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) của chị Trần Thị Thanh Nhàn vốn chỉ rộng 20m², được tạo bởi các bức vách nhà hàng xóm. Chỉ trông cậy vào tiền làm mướn của người mẹ, nhiều khi cả 3 chị em Nhàn đạp xe đến trường với cái bụng trống không. Có lúc tưởng chừng hụt hơi, khuỵu bước đường học hành. Giữa lúc ấy, phường đã tiếp sức bằng 3 học bổng cho 3 chị em

Nhàn. Thấu hiểu cơ cực của mẹ và cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực của địa phương, Nhàn quyết chí học thật giỏi. Giờ đây, Nhàn đã trở thành cô giáo cấp 2 và đảm trách chức vụ trong đoàn thanh niên ở địa phương. Ngôi nhà xập xệ trước kia nay thay bằng ngôi nhà tình bạn khang trang. “Sự giúp đỡ đúng lúc của chương trình đã giúp tôi cùng gia đình không gục ngã và có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống” - chị Nhàn tâm sự.

Việc trang bị nghề nghiệp và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn được xác định là yếu tố then chốt để người nghèo có việc làm ổn định và tránh để con em hộ nghèo rơi vào “bẫy nghèo”.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, trên 60% hộ thoát nghèo nhờ sự trợ giúp về vốn và trên 30% số hộ thoát nghèo từ chính sách hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm. Nhằm giải quyết tình trạng phần lớn các hộ nghèo không có việc làm ổn định, các địa phương đã thiết lập cầu nối giữa doanh nghiệp và người nghèo tìm việc. Các doanh nghiệp trên địa bàn khi có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ thông báo đến UBND quận - huyện; quận - huyện sẽ báo cho phường, xã để “gửi gắm” lao động nghèo vào các cơ sở.

Ngược lại, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ được vay vốn ưu đãi với thủ tục nhanh gọn. Ý nghĩa cao đẹp của Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá ở TPHCM đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, chia sẻ với người nghèo. Nhiều chủ cơ sở như bà Nguyễn Thị Kim Thanh (chủ cơ sở sản xuất đèn cầy cưới Thanh Dũng, quận 11), anh Nguyễn Minh Tuấn (chủ tiệm nước giải khát ở quận 8), ông Bùi Ngươn Hoàng (chủ mô hình câu cá giải trí ở quận Thủ Đức)… trước đây từng trong cảnh nghèo khó nên giờ luôn đồng cảm và sẵn lòng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Sự quyết tâm chính trị, đồng thuận của nhân dân đã tạo ra các nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các hộ nghèo có thêm lòng tin, ý chí, biết cách tổ chức cuộc sống, biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Đó cũng chính là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo của TP.

Chưa bền vững

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, tốc độ giảm nghèo nhanh một phần do tác động khách quan bởi yếu tố trượt giá cao, đẩy thu nhập của người nghèo tăng lên. Mức 12 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 7,2 triệu đồng vào năm 2009. Vì thế, dù các hộ thoát nghèo nhưng thực tế chất lượng cuộc sống chưa có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, trong số hộ cận nghèo của TP, có đến 80% số hộ có thu nhập từ 12 - 14 triệu đồng/người/năm, thu nhập chỉ cao hơn chuẩn nghèo hiện nay một chút nên nguy cơ tái nghèo cao.

Một con số đáng lưu ý, với 21.000 hộ nghèo và 110.000 hộ cận nghèo, nghĩa là TP có khoảng 131.000 hộ (tức 7,2% tổng hộ dân TP) vẫn còn khó khăn trong thời buổi “bão giá”. So với hơn 152.000 hộ nghèo (8,4%) vào năm 2009 cho thấy, sau 4 năm, TP chỉ thực sự giảm nghèo an toàn được… hơn 1% tổng hộ dân.

Giai đoạn 2014 - 2015, TP sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới (dự kiến 16 triệu đồng/người/năm) và TP lại có khoảng 130.000 hộ nghèo. Với tổng số hộ khó khăn chỉ thấp hơn năm 2009 một chút như thế, cho thấy đa số người vừa thoát nghèo sẽ tiếp tục quay lại diện nghèo.

Trong khi đó, một bộ phận người nghèo không hết nghèo mà chỉ… dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Tại quận 6, khoảng 800 hộ nghèo (trong tổng gần 4.500 hộ nghèo) sang tái định cư ở quận, huyện khác, đã “giúp” quận 6 giảm bớt số lượng hộ nghèo. 265 hộ nghèo ở quận Bình Thạnh dịch chuyển đi nơi khác, đời sống ra sao, địa phương không nắm được.

Tương tự, 633 hộ nghèo của quận Tân Phú không còn ở địa phương vẫn được quận tính chung vào tổng số 2.960 hộ vừa thoát nghèo (kết quả giảm nghèo đạt 100%). “Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đơn giản vì họ đã đi nơi khác” - lãnh đạo UBND phường 11, quận 8 nhìn nhận trong một khảo sát về giảm nghèo.

  • Quên... “tăng hộ khá”

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, thời gian qua, TP mới tập trung giảm nghèo nhưng chưa làm được tăng hộ khá như tên gọi của chương trình. Nếu có chính sách tác động đến những hộ khá, các hộ này sẽ nhanh chóng bứt phá vươn lên, đóng góp tích cực vào nền kinh tế của TP. Thời gian tới, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ người nghèo, TP sẽ gắn kết các chính sách hỗ trợ cho các hộ khá.

  • Những con số trong Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3:

– Dự kiến, cuối năm 2013, TP có 12 quận và 140 phường không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo 0%); 11 quận, huyện cơ bản không còn người nghèo (tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%) và chỉ còn lại huyện Cần Giờ có tỷ lệ hộ nghèo hơn 17%.

– Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình giảm nghèo giai đoạn 3 gần 3.650 tỷ đồng. TP đã hỗ trợ không hoàn lại và hoạt động nâng cao năng lực Chương trình Giảm nghèo mỗi năm gần 187 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn tín dụng hàng năm bình quân hơn 222 tỷ đồng.

– Mỗi năm, có 12.000 - 15.000 lao động nghèo được giải quyết việc làm trong nước và 30 - 60 lao động nghèo đi xuất khẩu lao động.

– Hàng năm, khoảng 40.000 học sinh thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 50.000 học sinh, sinh viên được vay vốn hỗ trợ học hành.

– Khoảng 30% - 40% hộ nghèo có thu nhập trên 8 triệu đồng/người/năm và hộ cận nghèo có thẻ BHYT.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục