TPHCM: Cố gắng đưa gói cứu trợ đến sớm nhất với người cần

Tại buổi họp báo, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, về công tác an sinh, TP hết sức quan tâm, với mong muốn không để bất kỳ người dân nào bị đói, cố gắng đưa gói cứu trợ đến sớm nhất với người cần.


Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì buổi họp báo
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì buổi họp báo

Chiều 19-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Mỗi ngày có khoảng 1,2 triệu lượt người ra đường

Tại buổi họp báo, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, về công tác an sinh, TP hết sức quan tâm, với mong muốn không để bất kỳ người dân nào bị đói, cố gắng đưa gói cứu trợ đến sớm nhất với người cần.

TPHCM có hai đợt chi hỗ trợ, đến nay đã chi trả cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do… với tổng số tiền hơn 913,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ các hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động 12 tỷ đồng, thương nhân tại các chợ truyền thống gần 26 tỷ đồng… Khoảng 43.000 hộ nghèo, cận nghèo cũng đã được hỗ trợ 47,5 tỷ đồng.

Lý giải tình trạng người dân ra đường đông hơn trước đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM có hơn 10 triệu dân, thêm khoảng 3 triệu người diện tạm trú là khoảng 13 triệu người, nhu cầu đi lại rất lớn. Hiện nay khi TPHCM cho phép duy trì thêm một số hoạt động, thì số người được phép ra đường mỗi ngày khoảng 1,2 triệu lượt. Qua kiểm soát thì chỉ có một số ít người ra đường không có lý do chính đáng, cụ thể như Công an TPHCM kiểm soát mỗi ngày khoảng 200.000 trường hợp thì số người bị xử phạt chỉ chiếm 1,5%.

Bên cạnh đó, sau một thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế người dân ra đường, có một số dịch vụ trước đây bị cấm nay đã nới lỏng hơn để đảm bảo duy trì cuộc sống hàng ngày, như bảo trì các tòa nhà, xử lý cống nghẹt… Ngoài ra, có nhiều tuyến đường nhánh bị chặn, chỉ đi được ở những tuyến đường chính nên có cảm giác người ra đường đông hơn.

“Trong số 1,2 triệu lượt người ra đường cũng có khoảng 200.000 lượt người đi tiêm vaccine, nhóm đối tượng này không phải điều đáng ngại, nguy cơ nếu có chỉ là khi ùn tắc cục bộ ở các chốt kiểm soát ở thời điểm nhất định. Công an TPHCM đang rà soát lại kỹ 17 đối tượng được ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối, để tới đây nếu nhóm nào không thực sự cần thiết thì sẽ hạn chế bớt”, đồng chí Dương Anh Đức thông tin.

Truy cứu trách nhiệm hình sự tài xế chở thi thể người mắc Covid-19 về Bến Tre

Liên quan việc chở 46 thi thể của người mắc Covid-19 từ TPHCM về Bến Tre hỏa táng, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, qua xác minh, lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre ngày 16-8 điều tra xử lý vụ việc trên. Cụ thể, một tài xế sinh năm 1993, quê Vĩnh Long, điều khiển xe tải được tỉnh Trà Vinh cấp ưu tiên luồng xanh, đã chở 2 chuyến xe trong 2 ngày, với 36 thi thể từ TPHCM về một cơ sở hỏa táng ở xã Phú Hưng, TP Bến Tre. Hiện Bộ Tư lệnh TPHCM đang xác minh thêm thông tin về 10 thi thể còn lại.

“Việc tài xế lợi dụng xe được hoạt động trên luồng xanh để chở thi thể, là vi phạm quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19, quy định của pháp luật về vệ sinh dịch tễ. Việc di chuyển thi thể qua nhiều địa bàn cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan lớn. Cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ, truy cứu trách nhiệm hình sự”, Đại tá Nguyễn Tuấn bảo thông tin.

TPHCM: Cố gắng đưa gói cứu trợ đến sớm nhất với người cần ảnh 1 Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo thông tin tại buổi họp báo
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, ông rất thấu hiểu nỗi đau thương của những gia đình có người thân qua đời do Covid-19, mong người thân của mình nhanh chóng được hỏa táng và thờ cúng. Hiện Bộ Tư lệnh được giao phối hợp xử lý, bảo quản, khâm liệm, hỏa táng thi hài, vận chuyển, bàn giao tro cốt của người tử vong cho gia đình. Bộ Tư lệnh đã lập 7 đội công tác đặc biệt cấp thành phố, Ban chỉ huy quân sự mỗi quận huyện cũng lập tổ công tác để đảm nhận công tác này. Trường hợp các cơ sở hỏa táng quá tải, thi hài sẽ được quân đội bảo quản, thường xuyên chăm lo nhang khói, cúng cơm đầy đủ hàng ngày chờ hỏa táng.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thời điểm có thể chậm trễ, song bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm, tình cảm, mệnh lệnh từ trái tim người lính, cán bộ chiến sĩ xem người mất vì Covid-19 như người thân của mình. Chúng tôi bảo quản giữ gìn thi hài cẩn thận, hỏa táng theo đúng quy định và bàn giao về tro cốt cho gia đình trang trọng, chu đáo và sớm nhất có thể”, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo khẳng định.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, sau khi phát hiện Thường trực Thành ủy chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ vụ việc. Không để hiện trạng, các thi thể đó đi ra ngoài, vi phạm về phòng, chống dịch. Ông Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu phải ngăn chặn sự việc, tìm sai phạm ở đâu, có không việc các nhà hòm có thông đồng, gắn kết trong việc vận chuyển thi thể tử vong do Covid-19, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 về các địa phương hỏa táng.

Tin cùng chuyên mục