Theo đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của TP trong 5 năm qua đã đạt và vượt các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế, UBND TP, số bác sĩ trên 10.000 dân tăng từ 16,07 năm 2016 lên 20 năm 2020; số điều dưỡng trên 10.000 dân tăng từ 33,34 năm 2016 lên 35 năm 2020.
Số bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học tăng từ 3.565 năm 2010 lên 5.537 năm 2015 và 7.164 người năm 2019, trong đó: 304 tiến sĩ (chiếm 4,25%); 1.157 chuyên khoa II (chiếm 16,15%); 2.164 thạc sĩ (chiếm 30,20%); 3.539 chuyên khoa cấp I (chiếm 49,40%).
100% cán bộ, công chức, viên chức y tế được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn đối với từng loại chức danh theo quy định, đã trực tiếp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Số bác sĩ công tác tại trạm y tế có trình độ chuyên khoa cấp I và tương đương trở lên đạt 104%; Số trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đạt 100% so với chỉ tiêu.
Số bệnh viện hạng II trở lên có dược sĩ lâm sàng đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế có 2 bác sĩ: đạt 100%. Trình độ, năng lực đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ngày càng được nâng lên đã trực tiếp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, kéo giảm tình trạng quá tải bệnh viện.
Một số chương trình đào tạo y tế của thành phố được quan tâm đầu tư tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế khi dịch chuyển lao động tự do trong nội khối ASEAN.
Theo Sở Y tế TPHCM, giai đoạn 2021-2026, ngành y tế TP phấn đấu đạt 21 bác sĩ/10.000 dân; 40 điều dưỡng/10.000 dân. Bên cạnh đó, 100% cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao thái độ phục vụ.