(SGGPO).- Gần 14 giờ ngày 22- 5, tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM bỗng đột ngột bị cúp điện, hệ thống đèn tín hiệu giao thông không hoạt động khiến giao thông hỗn loạn, các doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, kinh doanh.
Tại nút giao thông Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh Khai – Cao Thắng xảy ra tình trạng kẹt xe, các phương tiện giao thông hỗn loạn, cứ chen lấn nhau và không nhường đường, nhiều xe phải đứng một chỗ vì không thể di chuyển. Nhiều người dân và các bác tài xe ôm đã phải đứng giữa các giao lộ để điều tiết giao thông. Lượng xe ừn ứ kéo dài từ đường Cống Quỳnh (vòng xoay chợ Thái Bình) đến ngã tư Cao Thắng - Điện Biên Phủ.
Tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ Cống Quỳnh kéo dài đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa) lượng xe ùn ứ nghiêm trọng. Nhiều tuyến xe buýt cũng phải thay đổi lộ trình đi thích hợp để tránh các tuyến đường bị kẹt.
Tại giao lộ Lê Lai – Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1), xe máy và xe ô tô đứng giữa ngã tư không thể đi được, nhiều phương tiện xe đổ dồn về tuyến đường này một lúc mỗi đông. Tình trạng kẹt xe cũng diễn ra tại các ngã tư như Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh – Bùi Thị Xuân (quận 1), Lãnh Binh Thăng – Bình Thới (quận 11), Âu Cơ – Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Bình), ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân), hương lộ 2, ngã tư Bà Điểm,…
Ngay sau đó, lực lượng thanh niên xung phong cùng với cảnh giao thông có mặt tại các giao điểm ùn ứ xe để điều tiết giao thông. Hơn 16h cùng ngày, tình trạnh kẹt xe không còn xuất hiện tại các tuyến đường nhưng lượng xe vẫn ừn ứ.
Thời tiết oi bức lại không có điện, nhiều người dân đã ra công viên gần nhà để chống lại cái nóng. Nhiều quán nước, cà phê có máy lạnh cũng quá tải do nhiều người dân, nhân viên các công ty vào trốn cái nóng và chờ có điện để làm việc lại. Các công viên 30 – 4, Chi Lăng trở nên nhộn nhịp và đông người do nhân viên từ các toà nhà, cao ốc ra để trốn nóng.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân sự cố mất điện trên diện rộng và kéo dài là do sự cố trên lưới điện truyền tải quốc gia. Do tính chất sự cố xảy ra cúp điện khá nghiêm trọng nên chưa thể đóng điện cùng lúc cho toàn hệ thống, mà sẽ đóng điện trước cho một số khu vực theo sự chỉ đạo của Hệ thống điều độ và Trung tâm Truyền tải điện quốc gia.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sự cố xảy ra mất điện vào lúc 14h19, trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định. Sự cố đường dây 500kV trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc-Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9.400 MW).
Qua điều tra sơ bộ, sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định. Hiện xe cần cẩu (biển kiểm soát 81B-3745) đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ. Hiện tại, EVN đang nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng Công ty Điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam.
Đến 15h54 phút, EVN đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam.
Dự kiến trong chiều và tối nay, hệ thống điện miền Nam sẽ được khôi phục toàn bộ.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Doanh nghiệp chịu quá nhiều áp lực
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đang chịu quá nhiều áp lực bởi sức mua giảm sút, sản xuất đình đốn, nay ngành điện lại giáng thêm một đòn đau mà thiệt hại thì không thể đo đếm được. Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty may túi xách Hương Mi (Hami):Tăng chi phí sản xuất Từ đầu năm đến nay, công ty chúng tôi đã đối phó với hơn 10 lần cúp điện theo lộ trình nhưng riêng việc cúp điện ngày hôm qua là một sự cố lớn. Dù muốn hay không thì các doanh nghiệp đang phải chịu một khoản chi phí tăng thêm là không hề nhỏ. Ngoài việc chi phí cho nhiên liệu tăng thêm từ 2-3 lần thì tiến độ thực hiện các đơn hàng đã bị chậm lại (dù doanh nghiệp có sử dụng máy phát điện dự phòng), bởi lẽ các doanh nghiệp sản xuất túi xách đang bước vào cao điểm của đợt sản xuất để kịp cung ứng cho thị trường. Tôi mong muốn, sau sự cố lần này, ngành điện cần phải có biện pháp tối ưu để khắc phục. Bà Đinh Thị Kim Cúc, Chủ doanh nghiệp tư nhân Phước Thịnh Nhôm: Thiệt đơn, thiệt kép Với những doanh nghiệp lớn, có điều kiện thì họ thường sử dụng máy phát điện để ứng phó trước tình trạng cúp điện. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ như Phước Thịnh Nhôm thì mỗi lẫn cúp điện là một lần chúng tôi chịu thiệt đơn, thiệt kép do không có điện thì công nhân được nghỉ làm và họ vẫn được hưởng lương, còn công trình hoàn thành chậm thì chủ đầu tư sẽ phạt chúng tôi,… Do vậy, khi công trình đang thi công vào giai đoạn nước rút thì điều khiến chúng tôi lo sợ nhất vẫn là điện bị cúp bất thường. Mong nhà nước và ngành điện hiểu hơn cho nỗi khổ của những doanh nghiệp như chúng tôi! |
Hải Thanh - Hoàng Nga - Lạc Phong