TPHCM lắng nghe bộ ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI

Chiều 25-6, tại Hà Nội, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban Đảng, bộ - ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh QUANG PHÚC
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh QUANG PHÚC

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện Thường trực UBND thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Thành ủy.

Tham dự hội nghị góp ý có đại diện 27 Ban Đảng, bộ ngành Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn sự quan tâm của các bộ ngành đồng thời nhấn mạnh, TP muốn nghe ý kiến đánh giá cả về thực trạng cũng như góp ý các giải pháp sắp tới.

TPHCM đạt nhiều thành quả quan trọng

Nêu khái quát về thực trạng của TPHCM, phương hướng nhiệm vụ 2020 -2025, Bí thư Thành ủy cho biết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2015-2020 có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt, không đạt 2/14 chỉ tiêu gồm GRDP/người (mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng đạt); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính (mục tiêu đứng thứ 5 nhưng không đạt). TPHCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước, gấp gần 3 lần bình quân cả nước, có GRDP/ người cao nhất cả nước (khoảng 6.800USD/người, gấp 2,3 lần bình quân cả nước). Giữ vững vị trí là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm khoàng 22% - 24% GDP Việt Nam (Hà Nội 16%). TPHCM cũng là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (27% tổng thu ngân sách cả nước). Dự toán thu ngân sách năm 2020 của thành phố là 405.828 tỷ đồng, lớn hơn dự toán thu ngân sách của 52 tỉnh, thành cả nước có mức thu từ thấp nhất trở lên (401.334 tỷ đồng).

 TPHCM lắng nghe bộ ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI ảnh 1 Hội nghị lấy ý kiến các ban Đảng, bộ - ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TPHCM đóng góp bình quân 27% thu ngân sách cả nước, GRDP chiếm bình quân 23% GDP cả nước, dân số chiếm 9,3% dân số cả nước, song tỷ lệ chi ngân sách chỉ chiếm 5% tổng chi ngân sách cả nước. TPHCM cũng là địa phương có tỷ lệ thu hút đầu tư xã hội thông qua đầu tư công cao nhất cả nước: 1 đồng đầu tư công kéo theo 9 đồng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (bình quân cả nước: 5 đồng). Là địa phương có vốn đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực lũy kế đến năm 2019 cao nhất cả nước với 47,34 tỷ USD (Bình Dương 34,38 tỷ USD, Hà Nội 34,13 tỷ USD). Là địa phương có người nhập cư lớn nhất cả nước và có số lao động gia tăng hàng năm lớn nhất nước: bình quân 5 năm có khoảng 1 triệu người nhập cư, trong đó có 630.000 lao động (126.000 lao động/năm).

Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM, TP là địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo với năng suất lao động cao nhất cả nước. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên ban hành Đề án Xây dựng thành phố thông minh (11-2017) và hiện đang triển khai xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm dịch vụ viễn thông 5G ở Việt Nam; là địa phương đầu tiên công bố đề án số hóa TPHCM; là địa phương đầu tiên đã trình và được Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển; đã thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm như 1 đơn vị cấp sở, phát huy tác dụng tốt; thành lập Trung tâm báo chí đầu tiên của cả nước..

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, TPHCM là một địa phương có nguy cơ lây nhiễm rất cao dịch Covid-19, song đã cùng cả nước tổ chức phòng, chống dịch quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả trong ngăn dịch Covid-19 trên địa bàn. Là địa phương đầu tiên triển khai các giải pháp phòng dịch: cho học sinh nghỉ học, xây dựng bệnh viện dã chiến, cách ly triệt để người đã bị nhiễm và tiếp xúc, đeo khẩu trang, đóng cửa các dịch vụ thiết yếu, ban hành các bộ tiêu chí hoạt động an toàn dịch cho doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế, chợ…

Song song đó, TPHCM cũng là địa phương đạt nhiều thành tựu về giáo dục, y tế, xử lý rác thải, giảm tai nạn giao thông.. Trong thời gian qua, TP giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người giảm. Điểm nóng tôn giáo không còn. Số vụ tội phạm hình sự giảm…

Về công tác xây dựng đảng, trong nhiệm kỳ 2016 -2020, đã thi hành kỷ luật đảng 40 tổ chức đảng (tăng 36 tổ chức đảng so với nhiệm kỳ 2010-2015), 2081 đảng viên, trong đó có 5 Thành ủy viên, 69 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.  

 TPHCM đối mặt nhiều thách thức lớn

Về các thách thức đối với phát triển thành phố, các yếu kém của thành phố, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, dân số thành phố tăng nhanh, sau 5 năm khoảng 1 triệu người, làm phát sinh nhu cầu nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục, xử lý chất thải, giao thông, dịch vụ hành chính công. Dân số TP sẽ vượt 10 triệu người trước năm 2025. Trong khi đó, quỹ đất rất ít (diện tích thành phố chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số thành phố chiếm 9,2% dân số cả nước và sẽ tăng). Hiện nay, bình quân 1 người dân thành phố chỉ có 233m² đất cho phát triển kinh tế, giáo dục, dịch vụ xã hội, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật. Đến năm 2030 sẽ có huyện Bình Chánh và quận Bình Tân dân số hơn 1 triệu người, 3 quận khác dân số từ 700.000 đến 900.000 người, 2 quận khác dân số hơn 500.000 người.
 TPHCM lắng nghe bộ ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: QUANG PHÚC

Là thành phố đông dân nhất cả nước, kinh tế lớn nhất nước, song tỷ lệ đường giao thông chỉ 2,1km/1km² đất đô thị, là rất thấp so với định mức chuẩn là 10km đường/1km² và là tỷ lệ thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Ách tắc giao thông đang làm ách tắc kinh tế và đời sống nhân dân. Song song đó, do ảnh hưởng của đô thị hóa, khai thác nước ngầm và biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập lụt ở thành phố không ngừng gia tăng do nền đất lún bình quân 1cm/năm, nước biển dân bình quân 0,5 - 1cm/năm. Chi phí cho việc xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn nước biển dâng tràn vào TP là vô cùng tốn kém. Đáng chú ý, mặc dù năng suất lao động cao nhất cả nước và thu nhập đầu người cao nhất cả nước, song tỷ suất sinh của thành phố (1,3 con/phụ nữ) lại thấp nhất cả nước. Tức là về mặt dân số và lao động, sự phát triển của thành phố không bền vững. Nhiều người dân không thấy yên tâm và hạnh phúc khi muốn sinh 2 con.

Theo đồng chí Bí thư, trong khi dân số gia tăng 1 triệu người sau 5 năm, đòi hỏi đầu tư rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì nguồn lực tài chính công của thành phố quá nhỏ, do tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giảm từ 33% xuống chỉ còn 18%, không thể đáp ứng nhu cầu tiếp tục phát triển bền vững và tăng năng suất lao động. Với 9,3% dân số quốc gia, đóng góp 23% GDP cả nước, 27% thu ngân sách cả nước song TP chỉ được sử dụng 5% chi ngân sách quốc gia.

“Trước các thách thức nói trên và bất hợp lý kéo dài về cơ chế tài chính công của TP thì tính vượt trội của TP so với các địa phương khác về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, chất lượng cuộc sống của người dân, về đóng góp ngân sách theo đầu người lao động đang giảm dần. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến trách nhiệm là một đầu tàu kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước, là một trung tâm phát triển phía Nam và cả nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Đồng chí cũng thẳng thắn cho rằng, sự yếu kém trong tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh TP (năng suất lao động cao nhất cả nước, song chỉ số cạnh tranh địa phương đứng thứ 14/63, chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 7/67 năm 2019), thể hiện sự tồn tại dai dẳng của tham nhũng vặt, sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan nhà nước và cấp ủy trong cải cách hành chính và hiệu quả lãnh đạo, quản lý thấp của cấp ủy và chính quyền các cấp. Chưa có sự đột phá trong cải cách hành chính và ý thức chính trị của người đứng đầu phải chấm dứt sự tụt hậu của TP trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Suy cho cùng sự yếu kém trong đánh giá đúng, kịp thời, khách quan đối với cán bộ, công chức và việc xử lý không nghiêm các cán bộ, công chức tiêu cực, suy thoái là nguyên nhân của tình trạng trì trệ nói trên”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá. Bên cạnh đó, TP chưa khai thác hết sự sáng tạo của người lao động, tiềm lực khoa học công nghệ, nguồn vốn và khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp; sự hợp tác với các địa phương trong vùng, với các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam...

Từ thực tế đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu 8 quan điểm phát triển TP, 6 nhóm giải pháp phát triển TP cả về kinh tế; văn hóa- xã hội; phát triển hạ tầng đô thị; quốc phòng – an ninh – trật tự an toàn xã hội; đối ngoại - hợp tác quốc tế; đổi mới quản lý TP.

Cùng với đó là nhóm giải pháp xây dựng Đảng - Chính quyền; các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận; các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố. TP cũng đề ra 24 chỉ tiêu phát triển (thêm 10 chỉ tiêu mới về chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống so với giai đoạn 2015 -2020).

Tin cùng chuyên mục