Ngày 20-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), Trung tâm Y tế và Phòng Y tế các quận huyện, TP Thủ Đức; các cơ sở tiêm vaccine phòng dại về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế quận huyện, TP Thủ Đức tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trên địa bàn để kịp thời thông tin khi phát hiện hoặc nhận được thông tin, giám sát về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc dại cắn.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật; vận động người dân kịp thời đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm phòng dại khi bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
HCDC phải chủ động, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động của phòng, chống bệnh dại trên người; phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan tổ chức tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ thực hiện công tác phòng chống bệnh dại trên người. Đồng thời phối hợp với Chi cục chăn nuôi Thú y (Sở NN-PTNT) trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời
Sở Y tế TPHCM yêu cầu Phòng Y tế quận huyện, TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật. Các cơ sở tiêm vaccine phòng dại phải đảm bảo nguồn vaccine để người dân tiếp cận đầy đủ; cán bộ y tế phải được tập huấn về kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn (bao gồm xử lý vết thương, chỉ định sử dụng vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại đúng, đảm bảo an toàn tiêm chủng).
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua dịch tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như là 100%.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (là các dây thần kinh nằm ngoài não hoặc tủy sống). Virus di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Người bị nhiễm bệnh có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, và có thể dài tới 1 năm. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.
Hiện không có cách điều trị hiệu quả bệnh sau khi các dấu hiệu của cơn dại xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.