Tính đến nay, tỷ lệ XLNT đô thị của TPHCM hiện chỉ đạt 13,2% tổng lượng nước sinh hoạt. Trong đó, Nhà máy XLNT Bình Hưng công suất 141.000m3/ngày và Nhà máy XLNT Bình Hưng Hòa công suất 46.000m3/ngày.
Bên cạnh đó, một nhà máy khác là Nhà máy XLNT Tham Lương - Bến Cát đang từng bước đưa vào vận hành, xử lý khoảng 10.000- 15.000m3/ngày trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3/ngày. Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy XLNT Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ xử lý 480.000m3/ngày.
Trước mắt, TPHCM đang kêu gọi nguồn vốn ODA và các nhà đầu tư tham gia thực hiện Nhà máy XLNT Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày; Nhà máy XLNT Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy XLNT Bình Hưng Hòa công suất 180.000m3/ngày.
Hiện, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát quỹ đất, cắm ranh mốc tại các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy XLNT đô thị theo quy hoạch, kết hợp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia. Mặt khác, thành phố đã ban hành lộ trình thu phí dịch vụ thoát nước và XLNT tính trên giá nước sinh hoạt.
Theo đó, từ năm 2022, giá nước sinh hoạt tăng 15%, mỗi năm tiếp theo tăng thêm 5% nhằm tăng khả năng tái đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và XLNT trên địa bàn.