Mọi người đều biết, công việc tốt hay xấu đều do cán bộ, sự nghiệp thành bại cũng từ cán bộ. Do vậy, người tham mưu, đề bạt cán bộ cũng có trách nhiệm liên đới đến tốt-xấu, thành-bại đó.
Thế nhưng, lâu nay có tình trạng: bổ nhiệm, đề bạt đúng thì không biết do công của ai, mà đề bạt sai, nhầm phần tử xấu cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Đã có không ít đồng chí lãnh đạo hiểu cán bộ của mình chủ yếu qua các cuộc hội nghị, nghe những bài phát biểu của họ, nếu có đi xuống địa phương và cơ sở thì cũng “cưỡi ngựa xem hoa”. Lại có đồng chí nắm cán bộ qua các mối quan hệ thân quen, ai thường xuyên “gần gũi” thì hiểu họ nhiều hơn so với người khác.
Những ai “không biết” gần gũi, lấy lòng thủ trưởng có khi thiệt thòi, thậm chí gặp nhiều rắc rối nữa. Trong lúc đó, trình độ cán bộ tổ chức vẫn còn hạn chế, lại thêm tác phong không sâu sát nên chưa làm tốt vai trò tham mưu. Cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm không phải là không ai biết. Nhiều trường hợp có dư luận, đơn thư khiếu nại, tố cáo không ít, nhưng lãnh đạo và tổ chức chưa chú ý lắng nghe hoặc nếu biết thì chỉ thẩm tra qua quýt rồi cho qua.
Để đề bạt một cán bộ phải qua rất nhiều “công đoạn giám sát”, từ ban tổ chức, ủy ban kiểm tra, bảo vệ nội bộ, ban cán sự, đảng ủy khối đến cơ quan quản lý ngành dọc, nhận xét của chi bộ nơi cư trú… Quy trình chặt chẽ vậy nhưng vì sao vẫn có cán bộ không đủ chuẩn chất lọt vào bộ máy? Vậy trong công tác tổ chức, ai giới thiệu? Ai tán thành? Ai không đồng ý? Có phiếu trắng không? Trong tập thể lãnh đạo, ai biểu quyết đồng ý? Ai không chấp nhận? Có ghi vào biên bản, hồ sơ những ý kiến đó không? Những câu hỏi đó, lâu nay nhiều người ít được biết.
Cần phải có quy định rõ về trách nhiệm trong công tác cán bộ. Nếu ai giới thiệu được nhiều cán bộ tốt, có thể biết đó là người lãnh đạo hoặc cán bộ tổ chức công tâm, có quan điểm, phương pháp đánh giá cán bộ đúng. Ngược lại, ai giới thiệu đề bạt những người kém, xấu thì có thể biết đó là cán bộ tham mưu hay người lãnh đạo quan liêu, thậm chí có động cơ không trong sáng
TUẤN SƠN