Những ngày qua, tranh cãi liên quan đến tác phẩm du ký của tác giả Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) được dư luận đặc biệt quan tâm chú ý. Buổi họp báo nhân dịp ra mắt cuốn sách thứ 2 của Huyền được tổ chức tại Hà Nội đã diễn ra khá căng thẳng khi một số người tham dự đã chất vấn tác giả về tính chân thật của tác phẩm.
Thật ra cách làm như Huyền Chip không mới. Rất nhiều bạn trẻ đã thực hiện cách đi này và viết thành sách, có thể kể đến những Trở lại của Nguyễn Nhật Lâm, John đi tìm Hùng của Trần Hùng John, Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai… Thế nhưng, vì sao chỉ có Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip bị nghi ngờ?
Thực tế, Huyền cũng không làm chuyện gì khủng khiếp hơn, gian nan hơn những nhà du ký Việt Nam trẻ tuổi khác. Mỗi tác giả đều có những khó khăn riêng trên hành trình của mình. Vấn đề của Huyền là sự thiếu minh bạch trong tác phẩm. Ngoại trừ tả cảnh, tả người, chụp hình lưu niệm thì hành trình của Huyền gói gọn trong hai chữ “may mắn”. Xin việc - đi đến đâu cũng được nhận, được trả lương cao; xin Visa - hầu như nơi đâu cũng cấp; vượt biên trái phép ngay vùng chiến sự - hoàn toàn thuận lợi… Dĩ nhiên may mắn là một phần của cuộc sống nhưng lúc nào cũng may cả thì bạn đọc có quyền nghi ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng hành trình của Huyền là thật nhưng khi chuyển thành tác phẩm, tác giả đã cố ý đề cao tính mạo hiểm, gian nan, để tạo sự thu hút với bạn đọc.
Sự nghi ngờ về tính chân thật tác phẩm du ký của một cây viết trẻ còn có nguyên nhân khác nữa là sự lo sợ tác phẩm dạng này nếu thiếu tính chính xác sẽ gây hệ lụy xấu đến bạn đọc trẻ. Các tác phẩm dạng du ký đáp ứng giấc mơ hiểu biết thế giới, khẳng định bản thân của người trẻ nhưng nếu vì một mục đích nào đó mà người viết không nêu rõ những khó khăn thật sự, những chuẩn bị, dự phòng thật sự có thể tạo nên tai họa cho những bạn đọc muốn bắt chước.
Có người biện hộ rằng bạn đọc phải tự phân định thật giả và đây không phải là sách hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, thực tế thì những tác phẩm dạng du ký vừa qua cũng không ai nhận mình là tác phẩm hư cấu và đều lấy tính chân thật làm điểm nhấn. Và đã là sự thật thì người cầm viết phải có trách nhiệm với những gì viết ra, nhất là khi tác phẩm có thể tạo ảnh hưởng đến người đọc khi họ tin theo.
Cách nay không lâu, sự kiện 4 bạn trẻ tự lái thuyền hơi trong đêm ra Côn Đảo gây sửng sốt nhiều người. Điều đáng nói là các bạn trẻ hầu như không có chuẩn bị gì, thậm chí chỉ có duy nhất 1 người biết bơi. Cách làm của các bạn học hỏi từ các cuộc hành trình mạo hiểm của một số bạn trẻ trên thế giới nhưng lại không biết rằng để thực hiện những chuyến mạo hiểm như thế, họ đã tham dự các khóa huấn luyện từ kiến thức hành trình đến kỹ năng sinh tồn, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để bảo đảm an toàn... “Mạo hiểm không đồng nghĩa với liều mạng” là câu châm ngôn của các nhà du lịch mạo hiểm thế giới. Sẽ chẳng ai mong muốn một ngày nào đó đọc tin tức có bạn trẻ Việt Nam gặp nạn khi đang vượt biên trái phép vùng chiến sự nào đó chỉ vì: “trong sách, tác giả vượt qua rất dễ dàng”.
TƯỜNG VY