Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đồng kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn triển khai hệ thống quan trắc môi trường tự động. Vì sao phải hoãn và Chính phủ có nên đồng ý với những kiến nghị này?
Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường) có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, quy định các DN bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT các địa phương để theo dõi, giám sát. Như vậy, xét về mặt thời gian, nghị định này ban hành trước khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra và cũng đủ thời gian để các DN lập kế hoạch đầu tư hệ thống. Còn xét về tính cần thiết thì đây là một trong những yếu tố phải có để đảm bảo các DN tuân thủ quy định bảo vệ môi trường một cách thường xuyên, liên tục, ngăn chặn nguy cơ lén lút xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Từ năm 2003 đến nay, rất nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn về vấn đề bảo vệ môi trường đã được ban hành, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Nguy nan nhất là những con sông vốn là nguồn cung cấp nước sạch cho hàng chục triệu dân đều ở mức cảnh báo ô nhiễm gia tăng, thậm chí có những khu vực còn không thể sử dụng để làm nước cấp sinh hoạt cho người dân.
Khảo sát của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN-MT đã chỉ rõ, Việt Nam có nguồn nước ngọt phong phú, dồi dào. Thế nhưng, trong những năm gần đây nguồn nước ngọt sạch ngày càng khan hiếm do 80% lượng nước ngọt đã có dấu hiệu ô nhiễm từ mức nhẹ đến rất nặng. Nguyên nhân do lượng lớn chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa qua xử lý vẫn thải bỏ tràn lan ra môi trường. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Bộ TN-MT đã tham mưu Chính phủ nâng mức xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm môi trường từ 500 triệu đồng/hành vi lên 2 tỷ đồng/hành vi, cộng với xử lý hình sự cá nhân liên quan. Thế nhưng, tình trạng lén lút xả chất thải ra môi trường vẫn tồn tại phổ biến tại nhiều địa phương.
Còn theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có gần 300.000 người mắc các bệnh ung thư. Hơn 100.000 người trong số đó tử vong hàng năm. Nguyên nhân xuất phát một phần từ vấn nạn ô nhiễm môi trường. Con số này cũng ngày càng tăng nếu như vấn nạn ô nhiễm môi trường không được ngăn chặn. Trước thực tế đó, việc điều chỉnh thêm một bước, buộc những DN có lưu lượng xả thải lớn (bao gồm khí thải, nước thải) phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động là rất cấp thiết để ngăn chặn nguy cơ môi trường bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Ở góc độ khác, trách nhiệm xã hội (chủ yếu là bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm thiểu chất thải, năng lượng trong quá trình sản xuất…) là yếu tố bắt buộc để DN có thể đưa hàng vào thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Những lý do nhằm miễn trừ trách nhiệm môi trường cho DN xuất khẩu đều không được chấp nhận. Nếu vi phạm, DN chỉ có một cách là rút lại hàng về nước. Do vậy, nhiều DN trong nước dù khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng tuân thủ nghiêm túc quy định này.
Suy giảm lợi nhuận của một DN có thể phục hồi trong 1 năm hoặc 10 năm. Nhưng suy giảm môi trường có thể phải mất cả vài trăm năm để phục hồi, thậm chí có những hóa chất gây tổn hại môi trường tồn tại vĩnh viễn và không thể phục hồi. Quan trọng hơn, một khi môi trường bị ô nhiễm thì sức khỏe cộng đồng sẽ bị đầu độc thông qua chuỗi cung ứng thực phẩm, nước uống. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, vậy các DN có “thẹn lòng” khi kiến nghị cho phép “hẹn” lại trách nhiệm môi trường với cộng đồng?