Trăm năm sân khấu cải lương - Bài 2: Những mất – còn thời công nghệ

Hiện nay, khán giả có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn. Vì vậy, cải lương rơi vào cơn “khủng hoảng”, sa sút trầm trọng.

Giấc mơ về một "thánh đường sân khấu"

Những "thánh đường sân khấu" đã chứng kiến bao buồn vui, những niềm hạnh phúc không thể diễn tả hết thành lời và cả những giọt nước mắt chảy ngược vào trong của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ cải lương Trương Hoàng Long, danh ca người Việt gốc Hoa đã có 57 năm gắn bó với sân khấu cải lương. Hiện nay, ông phải nhận show diễn tại các sân khấu kịch, nhận dạy các lớp thanh nhạc để tiếp tục cuộc mưu sinh. Trương Hoàng Long chỉ là một trong rất nhiều những nghệ sĩ như thế.

“Tại nơi từng là trung tâm của cải lương thì nay chỉ còn 2 rạp, đó là rạp Thủ đô và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, nhìn đời sống sân khấu cải lương hiện nay, tôi không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, tôi vẫn còn niềm an ủi khi không ít khán giả cải lương vẫn trung thành và luôn sẵn sàng đi xem khi có vở diễn mới. Tôi thấy tiếc khi nhiều người trẻ đam mê cải lương nhưng đất dụng võ lại quá ít”, nghệ sĩ Trương Hoàng Long bộc bạch.

Trăm năm sân khấu cải lương - Bài 2: Những mất – còn thời công nghệ ảnh 1 Nghệ sĩ Trương Hoàng Long (trái) trong một buổi tập cho vai diễn của mình
Ít đất dụng võ nên người trẻ say mê cải lương rẽ sang một hướng đi khác là điều dễ hiểu. Cùng với việc thiếu đội ngũ diễn viên kế thừa, cải lương còn đối mặt với thực trạng khủng hoảng kịch bản do lực lượng sáng tác ngày một thưa dần.

Một niềm đau đáu của các nghệ sĩ cải lương chính là vấn đề rạp hát. Năm 2013, TPHCM đã có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trên nền rạp Hưng Đạo cũ. Rạp hát hoàn thành trong sự ngỡ ngàng, thất vọng của nhiều người khi không thể đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của hoạt động tổ chức biểu diễn sân khấu cải lương.

Ước mơ về một rạp hát khang trang đến nay vẫn chỉ là mơ ước mà thôi. Thực tế, tiền thuê nhà hát Bến Thành, nhà hát Hòa Bình hiện nay khá cao so với kinh phí của các đoàn cải lương. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá vé lên cao, khan hiếm khán giả. Vì vậy, các nghệ sĩ tha thiết mong mỏi về một rạp hát dành riêng cho cải lương .

Có nỗi buồn rợn ngợp, ám ảnh như những đêm sân khấu không thể sáng đèn. Có nỗi buồn tiếc nuối suốt những năm tháng dài nhưng rồi rất nhiều nghệ sĩ vẫn không thể dứt ra được bởi cải lương như đã có mối duyên nợ từ kiếp nào. Dù tập luyện, biểu diễn trong khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn dốc lòng vì đam mê.

Hiện nay, ở TPHCM, hệ thống rạp chiếu phim nở rộ với đầy đủ điều kiện, thu hút giới trẻ. Để tìm lại nhịp thở vốn có của đời sống cải lương, nhiều tác giả, đạo diễn đã không ngần ngại phá cách để cải lương đến gần hơn với giới trẻ trong thời đại công nghệ số. Thế nhưng, thiếu rạp hát chính là một trong những rào cản lớn để thu hút người trẻ đến với cải lương.

“Tâm lý người trẻ thích những không gian giải trí có diện tích thoáng đãng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng thêm các thành tựu của công nghệ trong dàn dựng và biểu diễn, tạo sự hấp dẫn, tươi mới, trẻ trung, hiện đại. Đó là những điều mà sân khấu cải lương chưa làm được hiện nay nên các bạn trẻ bị thu hút bởi các rạp chiếu phim hơn là rạp hát cũ kỹ, lạc hậu”, Nguyễn Tuấn Anh, SV năm 3 trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết.

Nỗ lực “cứu” cải lương

Nhiều năm liền, sân khấu cải lương hiu hắt. Mô hình xã hội hóa dành cho sân khấu cải lương cũng chưa thật sự khởi sắc. Chút ánh sáng le lói khi vào những ngày này, sân khấu cải lương đang rục rịch chuẩn bị cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 diễn ra từ ngày 5 đến 20-9.

Có mặt trong một buổi tập của các nghệ sĩ cho vở Rạng ngọc Côn Sơn tại rạp Công Nhân mới thấy nỗi khổ của người làm nghệ thuật khi không có một sân khấu đàng hoàng để tập luyện. Đây là vở diễn được NSƯT Kim Tử Long đầu tư cho liên hoan, quy tụ lực lượng diễn viên trẻ từ cuộc thi “Đường đến danh ca vọng cổ” và “Chuông vàng vọng cổ”.

Theo NSƯT Kim Tử Long, “Sân khấu cải lương hiện nay có nhiều bạn trẻ ca hay, diễn tốt nhưng lại không có sân khấu, không có kịch bản hay cho họ thể hiện. Họ phải chạy show, làm các công việc khác để “lấy ngắn nuôi dài” nên chẳng thể nào dành toàn tâm, toàn ý cho cải lương”.

Trịnh Ngọc Huyền, cô gái miền Tây đoạt ngôi vị quán quân “Đường đến danh ca vọng cổ” mùa 2 không giấu niềm băn khoăn của mình khi đi theo con đường này. “Với tôi, cải lương là đam mê. Khi quyết tâm theo đuổi đam mê ấy, tôi không tránh khỏi những lúc chông chênh. Tuy nhiên, tôi may mắn vì được sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ gạo cội, tiếp cho tôi thêm niềm tin, lòng yêu nghề”, Trịnh Ngọc Huyền chia sẻ.

Trăm năm sân khấu cải lương - Bài 2: Những mất – còn thời công nghệ ảnh 2 Trịnh Ngọc Huyền say sưa tập luyện cùng bạn diễn 
Nhiều người yêu cải lương vẫn mơ giấc mơ về một ngôi nhà khang trang và ở đó, họ có thể yên tâm hát tiếp về những giấc mơ của mình. Thế nhưng, ngôi nhà cho những người làm cải lương tử tế, những người mộ điệu tử tế sẽ được gặp nhau dường như vẫn còn quá xa vời.

Không chỉ có nỗi ưu tư về một rạp hát, họ còn có nỗi lo game show, chương trình truyền hình thực tế đang lấn sóng truyền hình. Dẫu thế, không ít nghệ sĩ vẫn đặt niềm tin vào những game show được đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức cho cải lương.

Một thực tế không thể phủ nhận ở mặt tích cực của một số chương trình khi đã giúp người trẻ có cơ hội tiếp cận với cải lương. Đổi mới cải lương đều hướng đến việc tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ. Đây là việc phải làm cho đến nơi đến chốn chứ không thể hô hào suông.

Tháng 8, bộ phim Song Lang trở thành tâm điểm trong làng giải trí Việt. Đây có thể xem là sự nỗ lực của những người trẻ khi họ đang ra sức bảo tồn, nâng niu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trăm năm sân khấu cải lương - Bài 2: Những mất – còn thời công nghệ ảnh 3 Một cảnh trong phim Song Lang tái hiện sân khấu cải lương một thời
Có thể thấy, sự quyết liệt, dám nghĩ dám làm mà các đạo diễn, các nghệ sĩ đã mang đến nhiều sự tươi mới, hấp dẫn hơn cho cải lương. Dù là phim điện ảnh, vẫn còn ít “sạn” nhưng ở một góc độ nào đó, Song Lang đã cho người trẻ hôm nay những cảm xúc về sân khấu cải lương một thời lừng lẫy.

Nhìn lại những nghệ sĩ gạo cội của cải lương hiện nay, thời gian đã hằn lên họ bao đồi mồi, tóc trắng. Dẫu tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều nghệ sĩ chỉ cần nhắc đến sân khấu là đôi mắt họ như sáng lên. Cảm giác ấy chỉ những ai từng nếm trải thăng trầm của bục gỗ, màn nhung mới cảm nhận hết được.

100 năm sân khấu cải lương đã chứng kiến bao cuộc hạnh ngộ của con người với giấc mơ sân khấu, cùng nhau mở cửa một thế giới khác, đầy lòng yêu thương. Biết bao vở diễn đã đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ.

Sau 100 năm, cải lương vẫn chứa đựng một đời sống âm thầm, mãnh liệt. Những giấc mơ mà người nghệ sĩ và khán giả đã dành cho cải lương thật trọn vẹn và rất đáng để nâng niu, trân trọng.

Tin cùng chuyên mục