Tranh luận và đồng thuận

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, xây dựng đất nước ta theo định hướng “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, mở rộng dân chủ là một trong những vấn đề cốt lõi mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

Mở rộng dân chủ, không chỉ là khát vọng của con người mà còn là mục tiêu phấn đấu của các thể chế chính trị, các quốc gia, dân tộc. Một khi nền kinh tế phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao thì vấn đề dân chủ lại càng được chú trọng và là động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chú trọng vấn đề này. Qua các lần Đại hội Đảng, có thể nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ có khác nhau, nhưng vấn đề dân chủ luôn là nội dung xuyên suốt mà Đảng đề cập trong các nghị quyết.

Trong thời kỳ xây dựng đất nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng đến vấn đề dân chủ. Mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VNXHCN. Mở rộng dân chủ để đảm bảo đầy đủ quyền và trách nhiệm của công dân đối với đất nước, đối với sự nghiệp chung. Những ngày gần đây, đặc biệt trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII này vấn đề dân chủ đã được thể hiện rất rõ trong việc thảo luận những vấn đề liên quan đến tầm vĩ mô, chiến lược và cả những bức xúc nhất thời, nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội, đến sự bình yên của mỗi gia đình. Ngày 29-5-2008, với 92,9% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua toàn văn nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Mọi người còn nhớ, trước đó, khi vấn đề này được chính thức nêu ra, đã có không ít ý kiến khác nhau, không chỉ trong diễn đàn Quốc hội mà của cả xã hội. Việc tranh luận, phản biện để làm sáng tỏ vấn đề vì sao phải mở rộng thủ đô, mở rộng đến đâu và lúc nào là điều cần thiết. Nhưng vì tương lai lâu dài của đất nước, vì các thế hệ mai sau và vì vị thế của đất nước ta trong thời kỳ hội nhập, dù tranh luận, có lúc đến “nảy lửa” thì cuối cùng đã có trên 90% số đại biểu Quốc hội đồng thuận với Thủ tướng Chính phủ mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội – trái tim yêu quý của Tổ quốc chúng ta.

Lại nữa, một vấn đề mang tính chất nhất thời nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển của đất nước và cuộc sống của từng người dân, đó là vấn đề kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ tính trong hội trường, đã có 123 ý kiến đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, kể cả Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân và giải pháp. Cuộc chất vấn ấy được truyền hình và phát thanh trực tiếp cho nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như những người quan tâm đến VN theo dõi. Phải nói trước những bức xúc liên quan đến vận mệnh của đất nước, từ người chất vấn đến người trả lời chất vấn, có thể cách đặt vấn đề và cả giọng nói có khác nhau, nhưng đều toát lên ý thức trách nhiệm chính trị đối với đất nước, đối với nhân dân. Đó thực sự là diễn đàn mang tính hội nghị Diên Hồng, hội nghị chính trị đặc biệt mà cha ông ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng ta đã từng làm khi có những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước.

Tranh luận ở một khía cạnh nào đó là biểu hiện của sự dân chủ. Đồng thuận thể hiện rất rõ kết quả của sự dân chủ đó. Tranh luận và đồng thuận là hai mặt của một vấn đề, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước.

TRẦN BẢO TRÂN

Tin cùng chuyên mục