
Cũng như 3 lần trước, ban tổ chức luôn có sáng kiến mời nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Duy… đến gặp mặt, trao đổi cùng anh chị em học viên. Lớp bồi dưỡng “Cây bút mới” lần thứ 4 năm nay (2008) đã mời nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, Phó Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.
Lực lượng tham gia lớp bồi dưỡng viết văn lần này không đông đảo, nhưng thật đáng khích lệ. Họ là cựu chiến binh, giáo viên, học sinh, công chức và công nhân… thuộc nhiều lứa tuổi, trẻ và nữ chiếm 2/3.

Lớp bồi dưỡng thăm di tích Trường Dục Thanh (Phan Thiết), nơi Bác Hồ đã dạy học (1910 - 1911). Ảnh: TUẤN KHÔI
Vui mừng trước sự phát triển của phong trào sáng tác văn học nói chung của miền Đông Nam bộ và của Đồng Nai nói riêng, nhà văn Trần Văn Tuấn tập trung trao đổi về vị trí của văn hóa đọc trong cuộc sống hiện đại; sự phong phú đa dạng của các loại hình văn học và phong cách thể hiện.
Là một người lính thời chống Mỹ cứu nước, nhà văn Trần Văn Tuấn nhấn mạnh đến trách nhiệm công dân – nhà văn với đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, mà tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” viết về miền Đông Nam bộ của ông được bạn đọc biết đến qua giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 và giải thưởng văn học ASIAN 2007.
Những vấn đề lớn của văn học được trao đổi xoay quanh chủ đề Cuộc sống - Văn chương - Văn hóa - Xã hội. Nhà văn Trần Văn Tuấn đã trao đổi với các tác giả về giá trị thật của văn học. Ngày nay, những “cây bút mới” và cả những nhà văn chuyên nghiệp đều mong muốn có tác phẩm được xã hội biết đến và nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng vì sự nghi kỵ tò mò hay nổi tiếng vì sự sâu sắc ý nghĩa… lại là chuyện khác.
Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, các “cây bút mới” đừng quá băn khoăn về thể loại văn chương, đừng quá câu nệ về phong cách thể hiện. Văn chương cũng tuân theo quy luật tự nhiên, không thể gò ép. Có khi một tác phẩm ngỡ như chỉ là văn chương giải trí lại thu hút hàng triệu độc giả, có ảnh hưởng trong đời sống xã hội, nó trở thành văn chương có giá trị văn hóa. Hãy viết bằng vốn sống, tâm huyết và trách nhiệm… chúng ta sẽ có tác phẩm. Và hãy viết bằng nguồn cảm xúc thật, những điều biết rõ. Đừng để trí tưởng tượng vượt khỏi nền tảng chân thực. Với những đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, cứ viết để nếu chưa thành tác phẩm văn chương thì cũng là những tư liệu chân thực và bổ ích cho thế hệ những người cầm bút mai sau. Một lời khuyên với các cây bút mới, cây bút trẻ, tìm sự nổi tiếng không phải là những trang sách nói to nói lớn về tính dục, đảo ngược sự thật, nói xấu con người...
Tác phẩm của một nhà văn là tấm gương phản ánh chân thực hiện thực xã hội qua hình tượng nghệ thuật có tính điển hình. Họ dự báo, phát hiện, gợi mở… để góp phần cải tạo, xây dựng cái chân-thiện-mỹ. Với địa bàn miền Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là mảnh đất màu mỡ cho văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung.
Trảng Sa