Ngay trong mùa đầu tiên, Giọng hát Việt nhí 2013 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Nhưng cũng như nhiều chương trình truyền hình thực tế khác, nó cũng phơi bày những mặt trái đáng cảnh báo, đặc biệt là với những thí sinh còn rất nhỏ, đang ở tuổi đến trường.
Mặt trái ấy được một số phụ huynh phản ứng khá bức xúc. Trong đoạn nhật ký mang tên “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” đăng tải trên trang facebook cá nhân của anh Lương Quốc Thái, phụ huynh bé Thùy Mai, thí sinh tham dự cuộc thi, đã phơi bày toàn bộ mặt trái của chương trình truyền hình thực tế thu hút lượng người xem cao nhất trên VTV3 vào thời điểm chương trình đang diễn ra.
Đằng sau vẻ hào nhoáng được phát sóng rầm rộ trên sóng truyền hình quốc gia không chỉ có những vất vả đời thường của việc ăn uống, đi lại, thậm chí là cả trang phục (tất cả đều được chi trả bằng tiền của gia đình thí sinh) như câu chuyện anh Thái kể mà còn là những câu chuyện khác.
Cụ thể, sau đêm live show 3, thí sinh Vũ Song Vũ nhập viện vì sốt xuất huyết, điều trị tại Bệnh viện Bình Thạnh nhưng khi chương trình quay hình lại đưa Vũ đến một phòng khám tư nhân do họ chỉ định. Clip quay cảnh thí sinh Quang Anh nằm trên giường bệnh điều trị chứng viêm màng não phát sóng trong chương trình cũng hoàn toàn không có thật, chỉ là dàn dựng bởi đúng là cậu bé có bệnh thật nhưng là từ 2 năm trước và đã được điều trị khỏi hẳn ngay sau đó.
Đâu đó còn có những mất mát. Đó có thể là mất thời gian của các bậc phụ huynh vì đưa con đi thi, thậm chí các em vào sâu còn phải bỏ học vì chương trình kéo dài mãi đến sau ngày khai giảng. Đó là mất tiền, một số tiền chẳng nhỏ đối với không ít gia đình. Như gia đình thí sinh Thu Hà đã tiêu tốn hơn 50 triệu đồng, tương đương 10 tấn lúa của một gia đình làm nông bình thường.
Tính thương mại trong các chương trình truyền hình thực tế là điều chẳng có gì mới mẻ. Vì thế người ta phải tìm cách bày ra vô số chiêu trò để càng “câu” được nhiều nước mắt, tiếng cười, càng tạo ra nhiều ầm ĩ càng tốt bởi khi đó nhà sản xuất tha hồ thu lợi. Thế nhưng, áp dụng điều này với trẻ con là điều khó chấp nhận. Các chương trình giải trí hướng đến trẻ em, nên và cần phải góp phần định hình nhân cách cho trẻ, giúp trẻ nhận chân các giá trị tốt đẹp.
Đã và đang có thêm nhiều chương trình truyền hình thực tế thu hút sự tham gia của trẻ em. Tạo ra những chương trình giải trí phục vụ trẻ em là điều cần thiết, nhưng đó phải là những chương trình thật sự mang tính giáo dục và giải trí lành mạnh cho trẻ em.
GIA BÌNH