Đi đâu cũng gặp những vườn tiêu xanh ngát, với hàng hàng lớp lớp nọc tiêu được tỉa tót thành hình nón, vươn lên giữa núi rừng mênh mông. Bên cạnh đó, những vườn điều nhìn như một khu rừng vì nhiều cây đã trở thành cổ thụ, tàn che mát những mái nhà lợp ngói, vách tường bề thế. Một bức tranh tuyệt vời khắc họa những nét sinh động giữa miền rừng núi, minh chứng cho đời sống của người dân nơi đây đã vững vàng đi lên.
Mùa điều rụng
Chúng tôi đến xã Phú Văn huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước vào những ngày cuối tháng 7, dưới cơn nắng trưa khá gay gắt. Gió từ đại ngàn thổi về lồng lộng, làm xao động những rừng điều, những trái điều còn sót lại muộn màng rơi rụng xuống đất, như là quà tặng cuối cùng cho người nông dân. Mùa thu hoạch điều đã vào cuối vụ, thỉnh thoảng còn vài nhà vườn thu gom mấy trái điều rụng để bán cho thương lái mua về bán lại cho những cơ sở làm hạt điều rang muối. Mấy năm nay, mặt hàng điều rang muối đã phát triển khá mạnh, trở thành món ăn hấp dẫn và cũng là quà tặng tao nhã trong các dịp lễ tết.
Điều có đặc điểm là khi trái chín, tự rụng xuống đất, nhà vườn thu gom rồi nhặt lấy hột, còn trái thì chất thành đống ở một góc vườn, hương điều chín lên men lan tỏa thoang thoảng trong gió. Một hương vị đặc trưng của thủ phủ cây điều. Cây điều nơi đây còn được gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”, vì nó mang lại thu nhập cao cho người trồng. Nhưng vụ mùa năm nay, theo bà con cho biết, do thời tiết thất thường, năng suất cây điều xuống thấp lại còn rớt giá, người trồng điều kể như trắng tay.
Chúng tôi vào thăm vườn điều của bà Trần Thị Năm, thôn 3, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, khi bà đang nhặt những trái điều muộn vừa rụng. Nét mặt buồn buồn, bà Năm chỉ tay về phía mớ điều chín tới, nằm chỏng chơ dưới lớp đất đỏ bazan, nói: “Mấy bà cháu tôi đi nhặt nhạnh suốt ba ngày nay, chỉ được có bấy nhiêu, nhặt lấy hột chừng 3kg là cùng. Gặp mấy ông đi thu mua điều rang muối, họ lựa từng hột, mấy hột đèo, nhỏ, họ loại ra hết, cuối cùng chỉ còn lại 2kg thôi, được 60.000 đồng”.
Nhìn quanh vườn điều, thấy trái điều bỏ thành từng đống quanh vườn, tôi hỏi: “Nghe nói dạo này người ta tận dụng trái điều ép lấy cốt cho lên men thành thứ rượu nhẹ, thơm ngon mùi dâu tây, vị ngọt hơi chua, chát, có tác dụng bổ dưỡng làm ăn ngon, lợi tiểu, chống nôn, được người tiêu dùng ưa chuộng lắm. Sao bà bỏ hết trái, uổng quá vậy?”. Bà Năm lắc đầu cười buồn: “Tui cũng nghe nói vậy, nhưng có thấy ai đến mua đâu, còn mang đi bán, đâu có biết chỗ nào thu mua. Đành bỏ hết”.
Nồng nàn hương tiêu Bà Rá
Theo các thương lái chuyên thu mua tiêu, cho biết ở Bà Rá - Phước Long tuy số lượng tiêu trồng không nhiều bằng các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Đồng Xoài… nhưng có lẽ do thổ nhưỡng phù hợp với hồ tiêu, nên chất lượng tiêu ở Bà Rá - Phước Long có hương vị thơm lừng, độ cay nồng nàn, nặng hạt.
Để tìm hiểu người dân vùng Bà Rá - Phước Long trồng tiêu như thế nào mà hương vị độc đáo như vậy, theo hướng dẫn của mấy thương lái, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Quốc dưới chân núi Bà Rá, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Ông Quốc là người trồng tiêu lâu năm, kinh tế gia đình phất lên cũng nhờ tiêu. Ông vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm: “Thật tình tôi không biết tiêu Bà Rá lại có những đặc điểm ưu việt như vậy, chỉ có thương lái giàu kinh nghiệm mới đánh giá được thôi”. “Anh có ngại chia sẻ làm lộ độc chiêu của mình?”. Nghe tôi hỏi, ông Quốc cười ngất: “Có gì đâu là độc chiêu, cùng làm vườn thì thông tin cho nhau để cùng phát triển, tránh những rủi ro là quý lắm”. Hướng dẫn chúng tôi ra tham quan vườn tiêu sau nhà, ông Quốc bày tỏ: “Về kỹ thuật, mỗi người theo thực tiễn của mình mà có những đúc kết khác nhau. Riêng tôi, trước khi trồng hồ tiêu, quan trọng nhất là việc phải xử lý đất... Thời điểm khi tiêu ra bông cần phải có đủ nước, đủ độ ẩm, lượng bông sẽ đậu rất nhiều. Bằng lương tâm người trồng tiêu, ông Quốc không xịt thuốc trừ sâu từ 3-4 tháng trước khi thu hoạch, những bụi nào có sâu chỉ xịt ít thuốc sinh học để tránh lây lan qua bụi khác. Ông Quốc cho biết thêm, một lon tiêu gạt ngang ở đây đạt được 5,5 zem, vườn tiêu nhà ông hiện có trên 300 trụ, khoảng cách mỗi trụ 2,5m, được mùa mỗi trụ thu hoạch được 3kg tiêu tươi (10kg tươi được 3kg khô).
Chúng tôi tiếp tục đến thăm những vườn tiêu khác. Hầu như ai cũng than thở và lo lắng giá tiêu năm nay giảm, gây bất lợi cho việc trồng hồ tiêu. Hiện giá tiêu chỉ còn 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tuy giá cả bấp bênh như vậy, nhưng bà con vẫn bám trụ để trồng tiêu, không chuyển qua trồng các loại trái cây khác, vì tiêu khi thu hoạch, thời gian bảo quản được lâu, từ 3-5 năm, còn trồng các loại cây ăn trái khác không để lâu được, giá cả thua lỗ chỉ đổ bỏ.
Đầu tư để trở thành mặt hàng sản xuất lớn
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, mục tiêu phát triển hồ tiêu và điều của tỉnh đến năm 2020 là ổn định diện tích hồ tiêu 14.500ha, với năng suất 3,2 tấn/ha. Định hướng phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm định hướng của ngành nông nghiệp Bình Phước theo chủ trương của Chính phủ. Để giúp người trồng tiêu ổn định về năng suất, Sở NN-PTNT khuyến khích bà con dùng nọc sống để trồng tiêu như: gòn, trôm, cóc rừng, tam thất, lồng mức, keo… do các loại cây này dễ trồng, dễ nhân giống, vừa che mát cây tiêu và còn làm thức ăn gia súc. Đặc biệt, các giống cây này không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu. Song song với việc ổn định trong sản xuất, điều quan trọng là phải nâng cao sự hiểu biết của nông dân về sản xuất tiêu sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng là hàng đầu.
Về phần cây điều, ngành nông nghiệp tỉnh đang duy trì diện tích trồng điều là 134.170ha. Hiện nay năng suất điều còn thấp, bình quân chỉ 1-1,5 tấn/ha, do vườn điều phần nhiều là của bà con dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa đã già cỗi, lâu năm... Đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp Bình Phước đặc biệt quan tâm, đặt mục tiêu phải khẩn trương cải tạo, phát triển theo hướng tập trung, chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang hướng liên kết quy mô lớn. Vấn đề hỗ trợ nông dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số trồng hồ tiêu cũng như điều phải căn cơ, hiệu quả. Cách hướng dẫn kỹ thuật mới, tiên tiến, phải làm sao để bà con dễ hiểu, chấp nhận làm theo. Bên cạnh đó, một việc làm cũng rất cần thiết là thông tin về giá cả thị trường, diễn biến dịch bệnh sâu rầy, biện pháp đối phó, để bà con nông dân cập nhật thông tin, kịp thời ứng phó, có biện pháp phòng trừ hợp lý, không lạm dụng thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường xuất khẩu. Đây là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển thương hiệu hồ tiêu và điều của Bình Phước nói riêng, Việt Nam nói chung. Đặc biệt để giữ giá trị hồ tiêu Bình Phước trên thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích bà con nông dân áp dụng phương pháp canh tác theo hướng GAP. Theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ngành nông nghiệp Bình Phước đang tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ để hồ tiêu và điều sẽ là mặt hàng sản xuất lớn trên địa bàn Bình Phước.
Từ chân núi Bà Rá, chúng tôi về thị xã Phước Long khi chiều đã dần buông. Chim rừng líu ríu gọi bầy về tổ làm lao xao một vùng rừng núi yên lặng. Gió lạnh đã thấm vào da thịt. Ngang qua một khe nước, thấy nhiều người mang can nhựa hứng. Dòng nước chảy ra từ khe đá, trong vắt. Người dân cho biết, trong khe đá nơi đây có mạch nước ngầm, chảy quanh năm không bao giờ ngớt. Nước có vị ngọt thanh và mát lạnh. Màn đêm đã khuất dần trong bóng tối, dòng nước vẫn chảy tràn lan qua những thảm cỏ xanh rì tươi tốt. Dòng nước thấm sâu vào lòng đất đỏ bazan vùng Bà Rá này ngày càng thêm màu mỡ, phải chăng đó cũng là nguyên nhân mang lại vị đậm đà của các giống cây trồng truyền thống nơi đây?