Trên những cung đường biên giới Tây Nam - Bài 1: Những tháng ngày không thể gọi tên

Câu chuyện chúng tôi kể lại, có lẽ chỉ là một góc rất nhỏ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Đã là nỗi đau thì chẳng có lớn hay nhỏ, chỉ là cách chúng ta nhìn nhận, để người hôm nay hiểu trọn vẹn, người hôm qua không thấy mình bị bỏ lại. Chúng tôi gọi đó là “những tháng ngày không thể gọi tên”…
Chiến sĩ trẻ biên phòng sẵn sàng bảo vệ biên cương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chiến sĩ trẻ biên phòng sẵn sàng bảo vệ biên cương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

LTS: Dọc tuyến biên giới Tây Nam, nơi nào cũng có bia tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống. Nơi đường biên đó, tấc đất nào cũng từng thấm đẫm máu đồng bào. Đó là những chỉ dấu thời gian không thể che khuất về một thời mất mát đầy bi tráng của cuộc chiến tranh vệ quốc. Có những hy sinh đã trở thành tượng đài tạc vào đất trời và lòng dân miền biên viễn.

Từ cái chết đi tìm lẽ sống

Giữa khói chiều bảng lảng, trong đôi mắt tinh anh của người cựu chiến binh Lê Xuân Kinh (quê Bắc Giang) tràn ngập ký ức. Ông kể với chúng tôi câu chuyện xưa như thể đó là những lý do để ông sống trọn phần đời còn lại nơi mảnh đất này, nằm lại nơi lòng đất này, như tự nói với chính mình và những đồng đội đã hòa máu vào đất mẹ.

“Rạng sáng ngày 17-11-1977, 2 trung đoàn Pol Pot, chia làm 3 mũi tấn công trực diện vào đồn Phước Tân. Địch đông hơn ta cả về quân số lẫn vũ khí. Khi đó, ông Sáu Kinh là Thiếu úy, Đội trưởng đội trinh sát. Chỉ cần 1 đồn ngã xuống, chúng sẽ tiến sâu vào Tây Ninh, cửa ngõ vào thẳng Sài Gòn. Anh em tôi chỉ biết bắn ngày đêm, bắn đến chảy máu tai, đến mắt không nhìn thấy, không ăn và cũng không được phép khóc, cho đến khi có người nằm xuống, chúng tôi vẫn chiến đấu…”, người cựu binh nhớ lại.

7 ngày đêm, để giữ được trận địa biên giới, 36 chiến sĩ Đồn Phước Tân đã trở thành anh linh canh giữ đất mẹ. Những chứng nhân kể lại, họ, trong cơn đau, có người liên tục gọi tên vợ con rồi tắt thở khi trong túi áo vẫn còn nguyên quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Công an nhân dân vũ trang tỉnh Tây Ninh. Hay như Đồn trưởng Dương Văn Nho hy sinh khi vợ đang mang thai. Khi con ra đời, vợ ông đặt tên cho con trai là Dương Phước Tân để ghi nhớ nơi chồng và đồng đội chiến đấu.

Hai thế hệ bộ đội biên phòng tại bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, thuộc Đồn Biên phòng Phước Tân, Tây Ninh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hai thế hệ bộ đội biên phòng tại bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, thuộc Đồn Biên phòng Phước Tân, Tây Ninh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Năm 1978, một trận địa ác liệt 43 ngày đêm ở Long Khốt (Long An) cũng đã níu giữ 5 người lính trẻ ở lại với đất mẹ, một cuộc chiến chênh lệch giữa 40 người lính Việt Nam với trung đoàn cả ngàn lính Pol Pot, với 2.000 quả đạn pháo rót xuống đồn 773 (tên gọi trước đây của đồn Long Khốt) mỗi ngày. Câu chuyện của chúng tôi với chú Ba (Võ Văn Nào, nguyên Phó đồn trưởng Đồn Long Khốt, tỉnh Long An) ngừng lại đôi phút. Từ trong đồn, chú Ba chỉ tay hướng mắt ra phía bờ sông: “Hồi đó anh em giữ đồn, có đào chiến hào ra phía bờ sông để lấy nước nấu cơm, một đồng chí trong đồn ra lấy nước về nấu cơm bị bắn chết ngay tại chỗ”.

Đến 17 giờ ngày 22-1-1978, Đồn Long Khốt hoàn toàn bị bao vây cô lập, chỉ còn liên lạc với bên ngoài bằng vô tuyến. Nhiều thương binh cần được cứu chữa nhưng thiếu thuốc men, thức ăn, nước uống vì sông Long Khốt bị địch phong tỏa. Từ câu chuyện của chú Ba, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và biết ơn một thế hệ, điều gì đã làm nên những con người dũng cảm đến vậy, họ giữ bằng được đồn, dù vũ khí trong tay hiện đại nhất lúc đó là một súng cối 60mm và 1 khẩu thượng liên.

"Hàng năm vào ngày giỗ trận (25-9), các chú các bác quay lại chiến trường xưa. Người còn sống không chỉ găm trên mình những vết sẹo chằng chịt mà cả những vết thương lòng. Dù trải qua bao thăng trầm của tháng năm, chí khí cách mạng vẫn còn trong máu, bởi thế hệ của các chú là từ cái chết để đi tìm lẽ sống" -

Thượng tá PHẠM MẠC THUẦN, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lò Gò

Giữa sống và chết, chỉ còn Tổ quốc!

Tìm đến Đồn Lò Gò trong một buổi chiều tĩnh lặng của miền biên viễn, rừng cao su, rừng đước bạt ngàn như ôm lấy căn cứ này vào lòng mà bao bọc, chở che. Thời điểm chiến tranh biên giới nổ ra ác liệt nhất, Đồn Biên phòng Lò Gò nằm ở vùng lõm của Lò Gò - Xa Mát nên nhận trách nhiệm làm hậu phương lo cho tiền tuyến Xa Mát.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Đồn Biên phòng Lò Gò, kể, để giữ đất biên cương, 13 liệt sĩ đã gửi thân mình vào đất, là 13 cái tên đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Khi ngã xuống, người lớn nhất 33 tuổi, người trẻ nhất mới qua tuổi 16.

Thắp nén hương cho người đã khuất, Thiếu tá Nghĩa buông tiếng thở dài: “Tôi nhớ hoài câu chuyện về Binh nhất Nguyễn Tấn Tài, quê ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM. Anh chưa kịp có người yêu, gác lại ước mơ riêng mình, xung phong đi bộ đội và vĩnh viễn nằm lại nơi này. Đó là một trong những lý do, khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi được giữ lại làm giảng viên nhưng nhất định xin chuyển về làm lính biên phòng ở quê mình để bảo vệ tấc đất quê hương như các chú, các bác, các anh đã từng”.

Nhìn vào ánh mắt và sự chăm chút của Thiếu tá Nghĩa với từng bát hương, bia đá, chúng tôi hiểu trong trăn trở của người lính trẻ này còn có cả lý tưởng của tiền nhân.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Đồn Biên phòng Lò Gò, Tây Ninh bên bia tưởng niệm những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Đồn Biên phòng Lò Gò, Tây Ninh bên bia tưởng niệm những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cũng ở Lò Gò, chúng tôi được gặp Thượng tá Phạm Mạc Thuần, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lò Gò, người được ví như “từ điển sống” của vùng biên giới Tây Ninh. Người thanh niên Nam Định đến đây với nhiệm vụ đi lính nghĩa vụ, khi hoàn thành, anh quyết định ở lại gắn bó với các đồn biên phòng canh giữ cửa ngõ biên giới Tây Nam. Anh kể: “Đó là sự bi tráng của một thời, giữa sống và chết, người ta chỉ còn có Tổ quốc! Chỉ có như vậy, họ mới có thể chiến đấu với lực lượng chênh lệch”.

Tham gia giữ đồn Long Khốt trong 43 ngày đêm ác liệt năm ấy, chú Tám Bé (Nguyễn Văn Bé, 72 tuổi, Đồn phó Chính trị Đồn Thạnh Trị, nay là Đồn Biên phòng Bình Hiệp, tỉnh Long An) chia sẻ: “Sợ gì đâu bây ơi, nó bao vây mình bên ngoài hết rồi, nhưng tinh thần của người lính là kỷ luật, nên bằng mọi giá mình phải giữ được Đồn Long Khốt. Bên ngoài nó bắn vào thì anh em mình trong này cũng lựa thời cơ, tùy tình hình mà chống trả. Hồi đó, giữa làn tên mũi đạn tao còn không sợ, bây giờ kể lại với tụi bây có sợ gì nữa”.

Đồn Biên phòng Long Khốt đang được khẩn trương xây dựng, trong mớ xà bần còn ngổn ngang, chú Ba chỉ cho chúng tôi: “Chỗ này xưa là kho đạn nè con, nó bò vô tới chỗ này để tấn công mình luôn đó bây”. 43 ngày đêm anh dũng năm ấy, hơn ai hết, chú Ba hay chú Tám Bé và lịch sử sẽ ghi lại đầy đủ. Còn ở thời điểm này, chú Tám Bé, chú Ba nói chuyện với chúng tôi cùng nụ cười hồn hậu, thoải mái đúng chất dân Nam bộ, khiến chúng tôi cũng nhẹ lòng hơn. Tất cả những người lính năm ấy đã sống trọn vẹn với tuổi xuân của một thế hệ anh hùng…

Tháng 5-1975, ngay sau khi Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải, Pol Pot đã cho quân xâm chiếm đảo Phú Quốc, Thổ Chu, giết hơn 500 dân thường; khiêu khích bộ đội biên phòng. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, quân Pol Pot bất ngờ xâm nhập vào sâu lãnh thổ nước ta, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam, không ngừng tăng cường các hành động khiêu khích, lấn chiếm biên giới, ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, đêm 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Pol Pot đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Bất ngờ, tàn bạo, ám ảnh là vết thương mà nhiều tháng năm sau đó, người ở lại chưa khi nào nguôi ngoai.

Tin cùng chuyên mục