Trên quê hương “Người mẹ cầm súng”

Trên quê hương “Người mẹ cầm súng”

Người phụ nữ chèo đò qua sông Tân Vinh, nối từ ấp Bà My sang ấp Bưng Lớn là con dâu chị Út Tịch, nhân vật chính trong thiên truyện ký Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Con đò nhỏ, còn gọi là thuyền ba lá, đủ sức chứa tối đa là bảy người. Hai bến sông nhỏ, đường lên xuống hẹp, người qua lại đông, nhất là học sinh các ấp trên cù lao sang bên này học các trường phổ thông và dân đi bộ tới chợ trời ngay trên bến Bà My. Tiền đò mỗi lượt một người là một ngàn đồng, mỗi ngày thu được khoảng bốn, năm mươi ngàn đồng. “Xã cho gia đình tui lãnh đò này, không thu bất cứ khoản nào”. Chị nói và tự giới thiệu tên là Rớ, con dâu út của chị Út Tịch.

Có phải chính đoạn sông này có lần vào mùa nước nổi, chị Út chở một thuyền dưa hấu cùng mấy đứa con ra tới giữa dòng bị gió bão lật thuyền và chị đã bơi dìu mấy đứa con vào bờ, còn chọc lét cho nó cười để xóc nước trong bụng ra không? Nghe tôi hỏi vậy, một ông già, là khách qua đò, gật đầu: “Đúng đó chú mày. Hồi bả đang mang bầu, bữa đó nước lũ về tràn dâng ngập tới con lộ hai bên, bả chở thuyền dưa hấu qua khúc sông kia sang chợ Bà My bán, tới giữa dòng gặp lốc lớn lật úp xuống, vậy mà bả đưa được ba đứa con vô bờ. Ông Sáu Hò có thơ ca ngợi mà”.

Chị Rớ nói:

Anh Hiển và anh Hùng, con chị Út.

Anh Hiển và anh Hùng, con chị Út.

– Tịch là tên cúng cơm của ba tui. Khi vào bộ đội đến ấp này đóng quân rồi kết ngãi vợ chồng với má tui. Theo phong tục thời đó, người ta thường ghép tên vợ kèm theo tên chồng để cho dễ nhớ. Người xứ này thường gọi theo thứ nên lắm người có tên là Út, gọi Út Tịch là khỏi lạc với út khác. Sau đó, chiến tranh ác liệt, nhiều người cho rằng tịch nghĩa là chết, gây xui xẻo, nên ba tui đổi là Dũng. Tấm huân chương, bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ hiện giờ ghi tên Lâm Văn Dũng là vì nguyên cớ đó.

Anh Hai Xửng, Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngãi, nắm tay tôi:

– Vậy ra anh cùng cơ quan trước đây của anh Bảy Tấn? Phải chi anh Bảy còn sống để bà con rước ảnh về Tam Ngãi một chuyến.

Anh Bảy Tấn là nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi - gọi theo tục người Nam bộ. Một cách gọi thân mật, dân dã. Tôi sững người, xúc động, có phải khi nhà văn đã gắn bó với nhân dân, được dân coi như người thân ruột rà của mình, thì cách gọi cũng thân thương.

Nguyễn Thi là nhà văn gắn bó với nhân dân Nam bộ, không chỉ bằng tác phẩm mà cả cuộc sống hàng ngày.

Thời ấy, tới đâu, anh Bảy Tấn hòa vào cuộc sống dân làng như chính người dân ở đó, với những lo toan như chính họ. Có lẽ vì vậy, văn của Nguyễn Thi mang tính cách ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói của người miệt vườn. Cách viết của nhà văn kết hợp được chất hồn nhiên, đơn sơ của người nông dân miệt vườn thời bấy giờ và sự giản dị, uyên bác của một bút pháp chuyên nghiệp.

Sống giữa nhân dân, nhà văn biết cách kể chuyện theo lối dân gian. Mở đầu thiên truyện ký Người mẹ cầm súng, tác giả viết: “Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con gọi là Nguyễn Thị Út. Dáng người nhỏ gọn, chị có khuôn mặt tròn và đôi mắt to, sáng. Cô bác lớn tuổi gọi là con Út Trầu vì chị hay ăn trầu…”.

Chính câu văn tưởng như báo chí ấy lại ám ảnh người đọc đến lạ lùng, nó cung cấp cho người ta một địa chỉ của một vùng quê thân thiết như tình cảm sâu nặng như quê mình sinh ra. Thì chính tôi cũng vậy, tôi đã mang trong mình ước vọng muốn về cái xã Tam Ngãi từ thời còn học phổ thông. Vậy mà tới hôm nay tôi mới về đây.

Tôi hỏi anh Hai Xửng về nhân vật ông Sáu Hò, người đã làm những câu thơ dân dã như lời nói, như mẩu tin thời sự được uốn thành vần, bắt thành điệu, như khi tổ du kích chị Út chiếm bót giặc bằng tay không: “Nghe đây loa báo đầu giồng - Đờn bà đoạt bót tay không mới tài”; và sau trận đầu du kích Tam Ngãi đánh thắng quân Mỹ: “Mọc chê ta bắn ít thôi - Quận duột quần chạy, Mỹ chui gầm giường - Cái quân man rợ một phường - Cao tay đánh tới, cùng đường là đi”, có thiệt hay hư cấu.

Anh Hai đáp: “Thiệt chớ, nhà ông ở ấp Ngãi Nhì, ổng rành chữ Nho, xuất khẩu thành thi, trong chiến tranh ổng là trưởng ban thông tin xã, bà con gọi ổng là nhà thơ của Tam Ngãi”.

Hồi ấy, trạm thông tin là cái bảng lớn đặt trên cái bệ xi măng có mái che ở ngã ba, một lối rẽ vào chợ, một lối đi ra bến sông Tân Vinh, một lối vào trụ sở ủy ban xã bây giờ. Là trưởng ban thông tin xã nhưng sáng ông vẫn đi làm đồng, chiều làm vườn, buổi trưa và tối ông đạp xe tới các ấp, gặp đội du kích, nghe đài lấy tin tức rồi vận thành thơ chép lên bảng thông tin ấy.

Nhân dân các ấp Bưng Lớn, Vàm Nổi, từ bên kia sông chèo đò sang xem tin, các bà đi chợ về dừng chân, người biết chữ đọc cho người chưa biết nghe, các cháu thiếu niên chép vô vở đưa về nhà đọc cho ông bà nội ngoại nghe, đến thương hồ qua lại trên sông cũng neo thuyền ghe vào bến lên xem, bà con truyền nhau, lan rộng ra các xã, các huyện khác, rồi được nhà văn Nguyễn Thi chắp cho nó đôi cánh bay tới cả nước.

Chiều tối, anh Hai Xửng dẫn tôi tới thăm nhà anh Hùng, chị Rớ, người con út chị Út Tịch. Chúng tôi vừa đến cổng, ông già sang sông cùng chuyến đò với tôi ban sáng cũng đến. Anh Hai Xửng giới thiệu, đó là chú Tám Nhân, thời chống Mỹ là bộ đội địa phương hoạt động ở vùng này, nhiều lần phối hợp với đội du kích chị Út Tịch tiến công đồn bót địch, sau giải phóng chú trở về với ruộng đồng.

“Mình là dân ruộng, giặc tới đóng đồn, càn quét, giết chóc dân lành, phá hoại ruộng vườn là phải đánh, giặc tan về cầm cày, cầm cuốc, lăn lộn với đất đai” - chú nói và cười vang.

Vườn nhà anh Hùng rộng đến vài công, trồng bưởi, trồng dừa, xen kẽ là mương lớn nuôi cá tra, cá rô phi. Đất này do xã cấp, không phải nộp thuế chuyển nhượng. Ngôi nhà xây cũng là nhà tình nghĩa, bàn thờ có di ảnh vợ chồng chị Út.

Trong Người mẹ cầm súng, Nguyễn Thi đã chú trọng viết về gia đình chị Út, đặc biệt là anh Tịch.

Theo trí nhớ của chú Tám, ba anh Tịch là một người hiền như đất, nhà có đất ruộng nhưng gặp lúc bệnh tật phải bán rẻ cho địa chủ, thành ra trắng tay, chuyên đi làm mướn, gọi là tá điền, cái nghèo cái đói bám riết lấy gia đình ấy. Thời trước dân cày mất ruộng là chuyện thường. Đó là chưa kể nỗi đau khi thấy ruộng đất mình bị điền chủ lập mưu cướp trắng hay tụi Mỹ, quân ngụy mang kẽm gai bủa, gài mìn khắp nơi, đành phải bỏ hoang. Có ruộng đất mà phải ăn đong từng lít gạo từ Thái Lan, từ Phi Luật Tân mang tới. Đau quá, nhục quá! Vậy là đám dân cày, dân ruộng tụi tui, từ đàn ông, đàn bà đến thiếu niên phải cầm súng.

Biết rằng lấy súng trường, dáo mác, tầm vông, chọi với đại bác, với xe tăng của chúng là mình phải đổ máu, hy sinh nhiều, nhưng vẫn cứ chọi. “Còn cái lai quần cũng đánh” là câu nói của chị Út mà cũng là lời thề độc của dân ruộng tụi tui. Mình cứ chọi hoài rồi cũng tìm được cách đánh thắng chúng, xua được tụi nó về nước, giải tán tụi tay sai cùng chính quyền do nước ngoài dựng lên, lập chính quyền của dân. Chú Tám nói.

Và, chú cho hay, đối với nông dân, thời nào cũng vậy, đất đai là tài sản vô giá, người làm ruộng không còn đất sẽ là một bi kịch lớn cho họ và cho xã hội.

Chị Út hy sinh vào ngày 19-10-1967 trong một trận đánh Mỹ ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Sáu người con vợ chồng chị Út mà Nguyễn Thi viết trong Người mẹ cầm súng, sau đó còn tái hiện trong truyện ngắn Mẹ vắng nhà, hiện nay đã lớn tuổi, chỉ có hai người ở quê là anh Hiển và anh Hùng.

Anh Hiển là con thứ 5, khi lên ba có lần ôm súng của mẹ nghêu ngao hát: “Anh em ta như bạn con ùi - Nó có súng mình có dao găm - Nó nghéo cò mình nhảy vô đâm”, hiện bán nước ở cái quán đối diện với cổng nghĩa trang Cầu Kè, thỉnh thoảng, khách tới viếng mộ người mẹ cầm súng, ghé quán nghỉ ngơi, uống nước, họ nhắc lại chuyện chị Út nuôi con, đánh giặc năm nào.

Chị Rớ tỏ ra tự hài lòng về cuộc sống hiện nay của mình. Chồng chị, anh Hùng làm nghề chạy xe ôm. Trước đây, nghĩa là lúc xe Honda còn hiếm, anh đứng đón khách ở ngã ba đầu ấp, đón khách đi đường ngắn.

Mấy năm gần đây các gia đình đều có xe máy, hơn nữa đội ngũ Honda ôm được bổ sung từ những nông dân bán ruộng vườn, hành nghề xế ôm đông đảo, cái ngã ba ấy có tới tám, chín ông túc trực, nhác thấy bóng một người từ đằng xa, tất cả đã nhào tới tranh giành, có khi đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Hùng đành làm chân chạy xe dù, hàng ngày chạy xe theo các con đường quanh thị trấn bắt khách lẻ.

Hai Xửng cho tôi biết nét nổi bật nhất của lớp trẻ Tam Ngãi hiện nay là rất say mê học hành. Hiện nay cả xã đã có hàng chục cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và hơn ba trăm cháu đang học các trường đại học, cao đẳng.

Chúng tôi thường nhắc đến câu nói của chị Út trong lễ kết nạp Đảng: “Tôi không sợ nghèo, chỉ sợ dốt”, vì vậy dồn tất cả cho con cái ăn học. Có học mới thoát được nghèo. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Tam Ngãi nói.

Tôi rời Tam Ngãi vào buổi chiều, nắng đang nguội dần. Xe chạy dọc sông Trà Ôn, trên các con đường, học sinh từ trường đổ ra, màu áo học sinh khiến cho vùng quê này trẻ trung, đầy sức sống.

Tam Ngãi 20-3-2009

Ký của Nguyễn Quốc Trung

Tin cùng chuyên mục