Tháng rồi về Tam Ngãi (Cầu Kè - Trà Vinh), quê hương của “Người mẹ cầm súng”, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Út - Út Tịch, thấy cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày. Ngọn lửa năm xưa trên quê hương người anh hùng vẫn đang thắp sáng vùng quê giàu truyền thống này.
Mật ngọt từ đất
Người mà chúng tôi gặp đầu tiên khi về Tam Ngãi là “tỷ phú cam sành” Huỳnh Thanh Sang với nón lưới rộng vành, áo sơ mi ngắn tay xanh bạc màu đang lững thững bước dọc con đường ven sông. Tính tình xởi lởi, chân tình, ông hé lộ “độc chiêu” để cây cam có giá trị kinh tế cao, đó là kỹ thuật làm trái nghịch mùa (tháng 4 đến tháng 6 Âm lịch). Một kg cam mùa nghịch có giá từ 25.000 – 32.000 đồng so với 4.000 – 6.000 đồng/kg mùa thuận.
Năm ngoái, chỉ khoảng 9 công đất trồng cam ông đã thu về 1,7 tỷ đồng, thương lái vào mua tận vườn và tự chuyên chở. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp ông thu hoạch trên 1 tỷ đồng/năm.
Khởi nghiệp từ hơn 2 công đất ruộng, loay hoay hoài với giống lúa IR 50404 vẫn không ngóc đầu lên được, hơn 10 năm qua ông lật đất sang vườn trồng cam sành. Thắng năm này tích góp mua thêm đất nay ông đã làm chủ hơn 30 công đất chuyên canh cam sành cùng măng cụt, sầu riêng... Len lỏi chưa giáp vườn của Hai Sang, tôi đã mỏi gối chùn chân. Cả khu vườn rộng lớn được lưới mùng bao quanh cao gần 2m chống thiên địch, cam từng hàng trĩu trái, có nơi oằn xuống gần sát đất làm khách phải còng lưng luồn qua...
Dưới sông, trên lộ, cam dồn về tập kết đợi xe trên thành phố. Nhà tường san sát. “Dân ở đây coi bộ “khá” nhiều hả anh Hai?”, nhà thơ Phù Sa Lộc, người gốc Cầu Kè hỏi Hai Sang. “Từ cam cả đấy. Cả ấp Bưng Lớn và xã Tam Ngãi này người ta lên liếp trồng cam muốn hết cả rồi”. Nhưng chuyện vui “Tứ quý Tam Ngãi” danh vang khắp tỉnh thì ông không chịu nói. “Sang, Giàu, Lẫm, Liệt”, bốn anh em ruột nhà ông đều là những đại gia cam sành. Em ông, Huỳnh Thanh Lẫm cũng diện tỷ phú, mua cả biệt thự ở Cần Thơ cho con học đại học. Một tỷ phú khác của Tam Ngãi cũng bỏ trên 2 tỷ đồng mua nhà ngay Trung tâm Thương mại Cái Khế (Cần Thơ). Khát vọng cháy bỏng làm giàu trên chính mảnh đất của mình giúp nông dân Tam Ngãi đổi đời, khác xưa nhiều lắm.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngãi Ngô Minh Đức phấn khởi thông báo, phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ (chiếm 910/1.312ha đất trồng cây ăn trái), mang lại hiệu quả to lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng lên hộ khá giàu. Năm 2010, số hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm tăng vọt thêm 493 hộ so năm 2005, đạt 547 hộ; có 224 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm và là “xã của những tỷ phú”. Quan trọng hơn, từ những nông dân sản xuất giỏi, ngoài việc xác định được bước chuyển dịch hiệu quả, một hướng đi đúng của Tam Ngãi nghèo khó khi xưa là nay đã xuất hiện những tín hiệu của một nền sản xuất lớn (trang trại): tích tụ ruộng đất tập trung, cơ giới hóa, áp dụng sáng tạo kỹ thuật và công nghệ mới (tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP)…
Men say từ người
Ông Lâm Thanh Hùng (Tám Hùng) đã 49 tuổi, dáng người gầy nhưng cứng cáp đang bận rộn cùng thợ xây nhà mới. Ông chính là người con trai út của nữ anh hùng Út Tịch. Ngôi nhà mới đồng thời cũng là nhà lưu niệm anh hùng Út Tịch tại ấp Bà My này có diện tích hơn 60m² (trong khu đất rộng hơn 2.000m² ông Hùng đang sử dụng) được thiết kế thoáng mát, khá đẹp với gạch men trắng ốp bên ngoài… “Vợ chồng tui có mỗi thằng con, năm nay 23 tuổi đang học nghề ở thành phố, hôm nay về phụ sửa nhà. Đất vườn trồng cam, bưởi… nhưng thu nhập không khá nên tôi chạy thêm xe ôm. Thế là đám giỗ sắp đến của má tôi sẽ được tổ chức trong căn nhà mới...”, ông Tám Hùng chia sẻ.
Tâm nguyện của anh hùng Út Tịch “Mẹ có chết, không còn ân hận nữa
Có xóm làng bao ủ các con thơ… Mai khôn lớn, đường vui con bước mãi
Mẹ gạt nhành gai khỏi vướng gót chân son…” (Hoài Anh) cũng là điều trăn trở không chỉ của các cấp lãnh đạo mà còn của bao đồng đội, đồng chí và nhân dân tỉnh nhà. Đất anh hùng sanh người hào kiệt. Cầu Kè là huyện anh hùng. Tam Ngãi cũng được phong tặng xã anh hùng. Ở xã này có đến 3 anh hùng LLVTND, 20 Bà mẹ VNAH, 112 gia đình liệt sĩ, 479 gia đình có công với cách mạng…
Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Thành Tâm tâm sự: “Sắp tới dự án Khu tưởng niệm Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Út và các anh hùng liệt sĩ xã Tam Ngãi có diện tích trên 1,4ha với tổng kinh phí khoảng 19 tỷ đồng sẽ được xây dựng ngay tại quê hương người nữ anh hùng. Đó còn là điểm du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống và tương lai sẽ có một cây cầu nối với cù lao Tân Quy…”.
Tam Ngãi khác trước nhiều lắm. “Trụ sở UBND xã mình đang ngồi đây chính là nền của bót Bà My ngày trước”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngô Minh Đức còn cho biết thu nhập bình quân đầu người tại xã đã là 13,5 triệu đồng/người/năm (năm 2007 mới chỉ gần 8 triệu đồng); điện, nước đều đạt trên 94% số hộ; đường sá đi lại đã kiên cố hóa; Trạm y tế Quân dân y đạt chuẩn quốc gia. Vui nhất là con em trong xã không còn lội bộ 4 - 5 cây số đi học nữa. Chỉ ngay tại ấp Ngọc Hồ, quê anh hùng Út Tịch đã có trường THPT, THCS và trường mầm non. Các lớp kỹ thuật vi tính, tiếng Anh…được mở liên tục ngay tại trụ sở xã khiến những đứa trẻ Tam Ngãi hôm nay thêm lanh lợi, vui tươi. Cả xã hiện có hơn 10 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và hơn 300 sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng...
“Vẫn còn hộ nghèo, vẫn còn nỗi lo “trúng mùa rớt giá”, đầu ra cho nông sản… những thách thức đó là trách nhiệm và quyết tâm của chúng tôi”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngô Minh Đức khẳng định. Trong 5 năm tới, Tam Ngãi phấn đấu đưa thu nhập đầu người lên 17 triệu đồng/người/năm, hình thành những vùng chuyên canh lúa, chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, đẩy mạnh giảm nghèo, duy trì 7/7 ấp văn hóa, tiến tới xã văn hóa, xây dựng nông thôn mới...
Vũ Thống Nhất