Trên quê hương “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) từng là một hậu phương vững chắc của cách mạng. Trong chiến tranh, đồng bào S’tiêng bản địa nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân và sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro để nhường muối cho bộ đội. Chiến tranh nay đã lùi xa, bà con Bom Bo với truyền thống cần cù lao động, chí thú làm ăn đang vươn lên thoát đói nghèo.

Anh Điểu Té (34 tuổi), sinh ra và lớn lên ở Bom Bo là một trong những gia đình trẻ tiêu biểu có kinh tế ổn định. Sau khi lấy vợ rồi ra riêng, năm 2017 gia đình anh được cấp một căn nhà trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (gọi tắt là Khu bảo tồn Bom Bo).

Ngoài cơ ngơi hơn 1,8ha vườn gồm cao su, điều, cà phê trồng đan xen mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, vợ chồng anh còn tham gia làng nghề ẩm thực phục vụ du khách để kiếm thêm thu nhập. Từ khi được đầu tư xây dựng khang trang, du khách đến tham quan ngày càng đông, từ đó công việc của hai vợ chồng trở nên bận bịu tối ngày, giúp tăng thu nhập, có tháng tiền lời cả 7-8 triệu đồng.

Tương tự, vợ chồng chị Điểu Thị Xia (36 tuổi) cũng là một trong những gia đình trẻ siêng năng chí thú làm ăn, có cuộc sống ổn định trong Khu bảo tồn Bom Bo nhờ gắn bó với ngành nghề truyền thống đồng bào S’tiêng của mình. Là con của già làng Điểu Lên, được chân truyền từ cha mẹ, chị Xia giờ đây có thể chế biến đủ loại món ăn theo khẩu vị của đồng bào để phục vụ du khách. Chị tâm sự: “Ngoài chế biến ẩm thực phục vụ du khách, lúc rảnh tôi còn dệt thổ cẩm, chế biến rượu cần để bán cho du khách nữa”.

Người dân sóc Bom Bo trong lễ hội Cúng lúa mới .jpg
Người dân sóc Bom Bo trong lễ hội Cúng lúa mới

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Bù Đăng, cho biết thêm, để nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua tỉnh và địa phương đã triển khai nhiều chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, khuyến nông (giúp giống, cây trồng, vật nuôi, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất), hỗ trợ xây nhà, dạy nghề; nhất là nguồn đầu tư của tỉnh kéo điện, hỗ trợ phương tiện đi lại, đào giếng nước.

Trong đó, kinh phí hỗ trợ làm nhà lên đến 80 triệu đồng/căn, gấp đôi mức hỗ trợ của Trung ương, đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, đời sống dần ổn định. Trong chương trình giảm 1.000 hộ nghèo của tỉnh năm 2023 thì huyện Bù Đăng giảm được 502 hộ. Hiện toàn huyện chỉ còn 254 hộ nghèo, trong đó 165 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số và riêng Bom Bo còn 5 hộ. Huyện phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Xuất phát từ truyền thống giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước như lời bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng rất quan tâm đến văn hóa đồng bào S’tiêng, đặc biệt là khu vực sóc Bom Bo. Tỉnh đã cho quy hoạch, xây dựng dự án Khu bảo tồn Bom Bo nhằm bảo tồn văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số trên diện tích 113ha, khánh thành tháng 10-2015.

Khu bảo tồn Bom Bo hiện có bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn và nhất là bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg. Đây chính là địa chỉ đỏ của tỉnh Bình Phước, thường xuyên đón khách đến thăm để tìm hiểu về văn hóa của đồng bào S’tiêng, M’nông, xem trình diễn các điệu múa, dân ca, dân vũ, nghe diễn tấu cồng chiêng, xem nấu rượu cần, đan gùi…

Ông Vũ Đức Hoàng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bù Đăng, chia sẻ, huyện đang thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, được cụ thể hóa bằng kế hoạch của Huyện ủy. Trong đó, vẫn xác định nét riêng là văn hóa dân tộc thiểu số, cụ thể là đồng bào S’tiêng, M’nông là những dân tộc bản địa lâu đời.

Ngoài ra, Bù Đăng là “đất lành chim đậu” khi có tới 31 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, giàu màu sắc và hàng năm huyện đều tổ chức liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc để bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục