Tri ân người nằm xuống một cách thiết thực

 Liên quan đến việc đổi tên bia mộ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, dư luận hiện nay vẫn chưa đồng tình với quan điểm trên.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh giữ nước, trên khắp đất nước này đang tồn tại hàng chục ngàn ngôi mộ có bia ghi là liệt sĩ vô danh. Để thay đổi hàng chục ngàn bia mộ như vậy là một công việc khá tốn kém, trong khi hàng trăm ngàn gia đình thương binh, liệt sĩ vẫn đang rất khó khăn, cần nhiều hơn sự chăm lo từ Nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, việc thay đổi tên trên bia mộ cũng không thay đổi được bản chất vấn đề, do vẫn chưa có thông tin về liệt sĩ. 

Báo SGGP tiếp tục giới thiệu ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

PGS-TS HÀ MINH HỒNG, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM, 
giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH-NV TPHCM: Hãy nhìn hai chữ “vô danh” thật thiêng liêng

Chúng ta không một ai không có tên tuổi hay quê hương, nhưng hãy nhìn hai chữ “vô danh” đó xa hơn và thiêng liêng hơn. Chiến tranh khốc liệt, bom đạn ác liệt, việc trọn vẹn từng tên người đã nằm xuống không phải là một điều dễ dàng. Cũng vì lẽ đó, nên ý nghĩa thiêng liêng, sâu thẳm mà mỗi chúng ta khi nhìn vào những tấm bia mộ đề hai chữ “vô danh”, đó là tên các anh, các chị đã hòa vào tên đất nước, tuổi xuân của các anh, các chị đã cùng làm nên dáng hình đất nước hôm nay.
Tri ân người nằm xuống một cách thiết thực ảnh 1 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) 
là một trong những nghĩa trang liệt sĩ có nhiều bia mộ liệt sĩ
cần điều chỉnh thông tin. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Và điều thiết thực hơn nữa, chính là cách chúng ta giáo dục cho mỗi người dân về giá trị lịch sử, giá trị của hòa bình và trọn vẹn lãnh thổ ngày hôm nay. Để từ đó mỗi người, nhất là người trẻ, có một cái nhìn đầy đủ về lịch sử nước nhà, hiểu và tri ân người nằm xuống một cách thiết thực, đúng với tinh thần một quốc gia, một dân tộc có được chủ quyền từ biết bao sự hy sinh mất mát của lớp lớp cha anh.
Hiện chúng ta đang thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này. Việc thay đổi tên bia mộ ở những địa phương còn khó khăn là một vấn đề hoàn toàn khác. Hãy để kinh phí đó lo cho thế hệ mai sau, lo cho chính con cháu của những người nằm xuống vì độc lập, tự do của dân tộc này.  Ông LÊ NGUYÊN HỒNG, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Trị:
Hàng năm đều xin kinh phí để thay đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ
Qua rà soát, tỉnh Quảng Trị có 24.720 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có 20.501 bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa biết tên”, “Mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính” cần điều chỉnh, thay đổi thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ được thực hiện bằng cách sử dụng máy để tiến hành mài chữ cũ tạo mặt phẳng tấm bia và tiến hành khắc lại chữ mới. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chuẩn hóa thông tin 6.892 bia mộ liệt sĩ với tổng kinh phí 4,515 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn, với số lượng bia mộ liệt sĩ nằm phân bố ở các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh và kinh phí lớn nên hàng năm đều xin kinh phí từ Bộ LĐTB-XH để thay đổi, được cấp bao nhiêu tỉnh sẽ tiến hành thay đổi bấy nhiêu. Để hoàn thành điều chỉnh thông tin trên bia mộ, tỉnh Quảng Trị mới đây đã đề nghị Bộ LĐTB-XH quan tâm, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong năm 2023 để hoàn thành việc khắc lại và điều chỉnh thông tin trên 13.591 bia mộ liệt sĩ còn lại với tổng kinh phí 8,850 tỷ đồng. 
Thiếu tá NGUYỄN XUÂN THẤT, cựu chiến binh phường 5, quận Bình Thạnh, TPHCM: Trước hết phải nâng cao đời sống gia đình chính sách

Uống nước nhớ nguồn, chăm lo hương khói cho liệt sĩ là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chúng tôi rất vui khi thấy các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được chăm lo, tu bổ khang trang, mộ chí được hương khói, trong đó có đồng đội của chúng tôi. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, Nhà nước thực hiện thay toàn bộ bia liệt sĩ “vô danh” cũng là việc làm với mong muốn, ý tốt.

Tuy nhiên, trước khi thay đổi bia liệt sĩ, lo cho người đã ngã xuống thì phải cố gắng chăm lo cho những người còn sống, đặc biệt là gia đình chính sách, thương binh và người thân liệt sĩ. Những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp luôn dành nhiều ưu tiên cho đối tượng chính sách, với mục tiêu nâng cao mức sống gia đình chính sách ngang bằng hoặc hơn mặt bằng chung.
Ngoài chính sách cụ thể, hàng năm, các tổ chức đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, trao tặng quà, động viên gia đình chính sách, nhưng vẫn còn không ít gia đình chính sách, thương binh, người thân liệt sĩ gặp khó khăn. Năm 2022, Bộ LĐTB-XH đề xuất dành 400 tỷ đồng để tặng quà kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ, với 2 mức 600.000 đồng/suất và 300.000 đồng/suất. Những đại diện thân nhân liệt sĩ, thờ cúng liệt sĩ hưởng mức quà 300.000 đồng/suất. Gia đình thân nhân liệt sĩ, thờ cúng liệt sĩ luôn chia sẻ khó khăn với ngân sách Nhà nước, nhưng với tình hình giá cả tăng như hiện nay, mức quà tặng ấy  làm nhiều người chạnh lòng. Vì thế, điều mong muốn của chúng tôi là Nhà nước dành kinh phí chăm lo, nâng cao đời sống cho gia đình chính sách, thương binh và gia đình, người thân liệt sĩ.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH) cho biết, việc đổi tên bia mộ đã được nêu rất rõ ràng trong Nghị định 131/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, khoản c, điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh… Trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Tin cùng chuyên mục