Đây là cuộc triển lãm đặc biệt vì không chỉ gắn với họa sĩ tên tuổi Nguyễn Văn Chung, mà còn là những tác phẩm của một gia đình giàu truyền thống hội họa.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969 và sớm nổi tiếng là một họa sĩ có nghệ thuật vẽ lụa truyền thống điêu luyện và sang trọng. Ông được giữ lại làm giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam trước khi vào giới tuyến Quảng Bình- Quảng Trị, để cho ra đời nhiều tác phẩm được công chúng ghi nhận như Bà mẹ Gio Linh, Làm việc dưới hầm, Dưới cồn cát, O Thúy Hồng…
Với sức biểu cảm phong phú và ấn tượng, nhiều tác phẩm của người họa sĩ tài hoa này đã có mặt trong sưu tập của nhiều bảo tảng trên thế giới như Bảo tàng các dân tộc Phương Đông (Nga), Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương (Ba Lan) và nhiều sưu tập cá nhân trong nước và nước ngoài, như: Trăng trên cồn cát, Trong lán dân quân, Khâu nón, Trăng về sáng...
Cùng giới thiệu chung tác phẩm trong triển lãm “36-59-74” là họa sĩ Đào Thành Dzuy (con rể )- họa sĩ thành danh từ những năm đầu tiên của giai đoạn mở cửa và họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1974, là con trai của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Không chỉ thế, triển lãm này còn có sự tham gia của mọi thành viên trong gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Chung: cháu của ông tham gia thiết kế và trình bày các ấn phẩm của triển lãm, con gái ông chuẩn bị phần hậu cần. Và đặc biệt, triển lãm này còn có sự đóng góp của các đồng nghiệp cũ của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm là một sự kiện đáng trân trọng, ghi nhận đóng góp của họa sĩ Nguyễn Văn Chung đối với nền mỹ thuật nước nhà.
Nhân dịp sự kiện đặc biệt này của hoạ sĩ Nguyễn Văn Chung, gia đình ông cũng giới thiệu cuốn sách gồm hơn 200 bức ký hoạ trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của ông.