
(Tác giả sách “Điệp viên hoàn hảo” viết về Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn)
Dự kiến trong tuần này, cuốn Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Reporter and Vietnamese Communist Agent - sách về cuộc đời Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn bằng tiếng Việt - sẽ ra mắt độc giả. Bạn đọc Việt Nam sẽ được biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp với những hoạt động bí ẩn, đầy tính nhân văn của nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn qua ngòi bút của giáo sư Mỹ Larry Berman. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã trò chuyện với tác giả Larry Berman, người vừa có chuyến thăm giới thiệu cuốn sách tại Việt Nam vào trung tuần tháng 9.
- PV: Theo ông, tại sao ông Ẩn nhận lời cho ông viết sách về ông ấy?
- LARRY BERMAN: Phạm Xuân Ẩn đồng ý cho tôi viết sách về cuộc đời ông ấy vì hai lý do. Thứ nhất, tôi là một sử gia người Mỹ và ông ấy tôn trọng các cuốn sách trước của tôi, đặc biệt là cuốn “Không Hòa bình, chẳng Danh dự: Nixon, Kissinger và sự trả thù tại Việt Nam”. Tôi tin ông ấy muốn chuyện đời mình được kể ở Mỹ và, như ông ấy thường nói với tôi, ông ấy chỉ còn sống được trong một thời gian ngắn. Ông Ẩn đã sống một cuộc đời phi thường và vì bản thân ông ấy là một phần trong tiến trình hòa giải giữa hai nước. Chuyện của ông ấy còn hơn cả chuyện về một điệp viên.
- Cựu nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti, người có cuốn sách rất thành công về ông Phạm Xuân Ẩn là “Người Việt Nam thầm lặng” (Un Vietnamien bien tranquille), vốn là bạn, là đồng nghiệp lâu năm với ông Ẩn. Ông có nghĩ mình sẽ gặp khó khăn hơn so với ông Pomonti khi cùng đề cập đến một nhân vật không?
- Ngược lại. Phạm Xuân Ẩn thường nói với tôi rằng vì tôi không phải là bạn ông ấy, không biết ông ấy trong thời gian chiến tranh, cũng không phải nhà báo mà là một học giả nên tôi sẽ phân tích khách quan hơn.
- Ông từng nói các cuốn sách trước về Việt Nam được ông viết qua cái nhìn của người Mỹ, còn đến khi viết “Điệp viên hoàn hảo” cũng là lúc ông bắt đầu nhìn Việt Nam qua con mắt của người Việt Nam. Ông có nghĩ mình đã thành công trong “vai trò” mới này không?
- Tôi đã nói rằng tôi viết cuốn sách này thông qua con mắt của một người Việt Nam, đó chính là Phạm Xuân Ẩn. Tôi đã cố gắng rất nhiều để hiểu được cuộc chiến và cả những xung đột bên trong con người ông bằng chính quan điểm của ông ấy. Tôi chỉ có thể nói chính độïc giả mới đánh giá được tôi có thành công hay không.
- Ông có thể nói rõ hơn về các kế hoạch dựng “Điệp viên hoàn hảo” thành phim?
- Tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị từ các nhà làm phim. Họ nghĩ chuyện đời ông Ẩn nên phát triển thành kịch bản phim. Trong khoảng 2 tuần nữa, tôi sẽ quyết định chọn một trong các lời đề nghị này và dự án làm phim sẽ bắt đầu triển khai. Tôi hy vọng bộ phim sẽ được trình chiếu ở Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Ẩn và thẻ nhà báo ở Mỹ. Ảnh: TƯ LIỆU
- Khi đề cập đến cuộc chiến tại Việt Nam, các nhà sử học Mỹ chú trọng đến điều gì?
- Các nhà sử học luôn tìm cách tập trung tìm hiểu về thất bại trong chính sách của Mỹ và tìm cách giải thích các thất bại, những điều mà người Việt Nam đã biết từ lâu.
- Hiện Việt Nam và bạn bè thế giới đang kiến nghị các công ty hóa chất Mỹ bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Cũng đã có phim tài liệu về sự kiện này. Ông có ý định viết về vấn đề này không?
- Không. Ngoại trừ việc tôi đang bắt đầu viết một cuốn sách về cuộc đời của Đô đốc Elmo Zumwalt*, người đã liên quan rất nhiều đến vấn đề chất độc da cam/dioxin trong và sau cuộc chiến. Đó cũng là dự định sắp tới của tôi ª
* Elmo Zumwalt Jr. là đô đốc hải quân Mỹ khi làm tư lệnh Hải quân tại Việt Nam (1968 - 1970) đã ra lệnh rải chất độc da cam, để rồi chính con trai ông là trung úy hải quân Elmo Zuwalt III tham chiến ở đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm độc và chết vì hội chứng ung thư nhũn não. Cháu nội đô đốc Elmo Zumwalt Jr cũng bị ảnh hưởng di truyền. Hai năm sau cuốn sách “Cha con tôi” của Elmo Zumwalt Jr (NXB Mac Millan, New York) ra mắt, đô đốc Zumwalt chết vì hội chứng như con và cháu ông.
Giáo sư Larry Berman hiện giảng dạy tại khoa Khoa học Chính trị, Đại học California tại Davis và là tác giả nhiều sách về cuộc chiến Việt Nam. Ông nghiên cứu chuyên sâu và giảng dạy về các vấn đề liên quan đến quy tắc điều hành của chính phủ và Tổng thống Mỹ và đặc biệt là về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhà sử học Larry Berman đã dành 4 năm (2003 - 2006) để viết tác phẩm này với 17 chuyến thăm VN và trực tiếp chuyện trò tâm sự với ông Phạm Xuân Ẩn, phỏng vấn những đồng nghiệp, cán bộ chỉ huy, bạn bè và gia đình ông. Tác giả đã tra cứu các kho hồ sơ lưu trữ của chính phủ, quốc hội, báo chí Mỹ; gặp gỡ những bạn học và người quen ông Ẩn trong thời gian ông học và thực tập nghề báo tại Mỹ từ 1957 - 1959. |
LÊ VÂN - VIỆT TRUNG