Trở lại đường 12A

Vậy là một lần nữa, đường 12A lại lên tiếng gọi tôi, kể từ chuyến trở lại đường 12A nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959 - 2009). Hai năm, so với lịch sử đường 12A - con đường được khởi đầu với bước chân những người yêu nước từ thời Cần Vương - là một quãng thời gian rất ngắn.
Trở lại đường 12A

Vậy là một lần nữa, đường 12A lại lên tiếng gọi tôi, kể từ chuyến trở lại đường 12A nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959 - 2009). Hai năm, so với lịch sử đường 12A - con đường được khởi đầu với bước chân những người yêu nước từ thời Cần Vương - là một quãng thời gian rất ngắn.

Vậy mà có biết bao điều đổi thay làm tôi ngỡ ngàng; ngay cả điểm khởi đầu và tên cũng thay đổi. Chiếc xe vừa qua cầu sông Gianh, anh Lâm, cán bộ chuyên trách công đoàn ngành giao thông vận tải Quảng Bình, nói: Bây giờ đoạn đường từ Ba Đồn lên Đồng Lê gọi là 12C. Đường 12A từ Mụ Dạ xuống tận cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) còn có tên theo hệ thống mạng đường xuyên Á là AH131.

Con đường cũng như con người, việc thay tên, thay điểm khởi đầu là hệ trọng lắm! Vì thế, chúng tôi vượt đèo Ngang ra cảng Vũng Áng để được tận mắt thấy diện mạo điểm khởi đầu mới của đường 12A.

Xe qua cửa khẩu Cha Lo.

Xe qua cửa khẩu Cha Lo.

Đường qua đèo Ngang hôm nay không còn được ngắm cảnh “…Lom khom dưới núi tiều vài chú/Lác đác bên sông chợ mấy nhà…” như Bà Huyện Thanh Quan đã tả, nhưng giữa thời buổi “tốc độ” này, chỉ mấy phút qua 600m đường hầm, đã sang đất Hà Tĩnh, cũng là điều thú vị. Và chợt nghĩ: với một bên là cảng Hòn La, một bên là Vũng Áng, cũng chẳng mấy chốc, vùng đất quanh đèo Ngang sẽ thoát cảnh “đang nghèo” - một cách chơi chữ thịnh hành lâu nay. Giao thông vận tải - trong đó có đường 12A, đã góp phần quan trọng đem lại sự đổi thay kỳ diệu ấy!

Vượt qua lối rẽ xuống cảng Vũng Áng, ra đến đầu thị trấn Kỳ Anh, chúng tôi mới bắt gặp lối rẽ lên đường 12A. Một ngã ba rất hoành tráng, vạch chỉ đường, bảng hiệu đều mới toanh, xứng đáng là một đầu mối của tuyến đường Xuyên Á đang được hình thành và đoạn Vũng Áng - Đồng Lê mang số hiệu AH131. Đường nhựa rộng phẳng lì, rất ít phương tiện lưu thông, nên dù trời mưa, tài xế vẫn cho xe chạy rất nhanh. Con đường băng qua vùng đồi thấp rồi đi dần lên cao. Đã thấy những vách núi dựng đứng, những khúc quanh liên tục.

Cũng may khi gặp quãng đường lầy lội gần địa phận Quảng Bình, tổ máy của Công ty 423 ở gần đó đã điều ngay máy xúc “dọn dẹp” thông đường, nên chúng tôi lên tới “Đồi 37” khi trời còn sớm. Cũng nhờ rải thảm bê tông nhựa hai lớp đoạn đường Khe Ve - Mụ Dạ, với kinh phí gần 200 tỷ đồng vừa hoàn thành, xe chạy lên đỉnh Trường Sơn trên tuyến đường vốn nổi tiếng cheo leo hiểm trở nhưng vẫn chạy được với tốc độ khá cao. Và thật may mắn, thời tiết như chiều lòng mấy người lính giao thông già, ánh nắng chiều dịu nhẹ, ấm áp chiếu sáng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở “Đồi 37” (còn gọi “Đồi Cha Quang”) hơn 40 năm trước.

Vậy là ước nguyện của Hội Tình nghĩa GTVT Quảng Bình, của các cựu chiến sĩ TNXP C.759 anh hùng như Trần Thị Thành, Nguyễn Thị Sâm, Trần Thị Huế… đã được thực hiện trọn vẹn. Nhà bia tưởng niệm ở đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Chúng tôi thắp hương kính viếng hương hồn các liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm rồi đi tiếp lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Cửa khẩu nay đã được xây dựng “to đẹp, đàng hoàng hơn” chẳng khác một thị trấn, các cán bộ hải quan và bộ đội biên phòng luôn bận rộn bên những đoàn xe xếp hàng đi, về.

Đồng chí Đinh Phú Hòa, một người con của huyện Minh Hóa, từng bám trụ ở đây suốt 10 năm (1987 - 1997), từ khi Cha Lo còn hoang vắng, vừa trở lại cửa khẩu Cha Lo trong cương vị Chi cục trưởng Hải quan, cho chúng tôi biết: Chỉ tính đến cuối tháng 8-2011, các chỉ tiêu đều tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, số thu ngân sách nhà nước tăng đến 79%.

Thời gian tới, sau khi cầu hữu nghị 3 bắc qua sông Mê Công nối Lào với Thái Lan hoàn thành (dự kiến ngày 11-11-2011), hàng hóa từ Thái Lan qua cửa khẩu Cha Lo sang Việt Nam, chắc chắn sẽ tăng cao. Trong công tác phòng chống ma túy, đơn vị đã phối hợp với Đồn biên phòng phát hiện 4 vụ vận chuyển cần sa với tổng trọng lượng 20,15 kg…

* * *

Từ đỉnh cao Trường Sơn nơi đèo Mụ Dạ, chiếc xe bon nhanh về xuôi. Chỉ chốc lát đã qua Cổng Trời, rồi Bãi Dinh… Lịch sử đã sang trang. Cũng như mọi miền đất nước, đường 12A - đầu mối quan trọng của “Đường mòn Hồ Chí Minh - đã có biết bao thay đổi, được xây dựng lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như Di chúc của Bác Hồ để lại.

Hơn thế, cửa khẩu Cha Lo còn được mở rộng thêm; phía trên Bãi Dinh, quãng gần nơi đặt mộ anh hùng Nguyễn Viết Xuân ngay sau lúc hy sinh, một khu đồi vừa được san bằng, chuẩn bị xây dựng thêm một trạm trung chuyển… Hai bên đường, những mái nhà sàn của bà con dân tộc Khùa, Mày… dựng bên nhau trên các sườn núi thấp, bao quanh có vườn cây trái sum sê, tạo nên một bức tranh thật đẹp, nhất là gần nơi vừa dựng được chiếc cầu treo bắc qua con khe lớn, dẫn nước từ đại ngàn Trường Sơn về tận cửa sông Gianh.

Trong tiếng xe rù rù êm nhẹ trôi xuôi, Lâm đưa mắt nhìn dòng khe và nói: Chỗ các em bơi qua khe đi học ở bản Ông Tú mà ti vi vừa đưa ở gần đây. Ngay lập tức, Bộ GTVT cử phái viên vào, cùng Giám đốc Sở GTVT tỉnh lên đường 12A xem xét thực trạng… Chưa có thể xây ngay được cầu, nhưng ngành giao thông trích ngay kinh phí mua áo phao tặng thầy giáo và các em học sinh trong bản…

Chúng tôi trở lại Đồng Hới theo đường Hồ Chí Minh rộng thênh thang và rất ít xe lưu thông. Dọc đường, bảng tên những địa danh Khe Rinh, đèo Đá Đẽo, bãi trung chuyển Khương Hà… lại gợi nhớ những trận chiến đấu khốc liệt hơn 40 năm trước, khi con đường còn mang tên đường 15. Và đây là lối rẽ sang đường “Trường Sơn Tây”; đó là ngã ba nối với đường 20 “Quyết thắng” với “hang Tám Cô”… Còn đây là tỉnh lộ 2 về Hoàn Lão, kia là đường vào Nông trường Việt Trung và phía trước đã thấy những cột cây số mang địa danh bên kia sông Bến Hải như Cam Lộ, Đông Hà…

Chiếc xe vun vút lao nhanh, có lúc tốc độ đến 100 km/giờ. Nhìn những tên đường hiện ra liên tiếp bên ngoài khung xe, tôi lại tưởng như nghe thấy tiếng gọi con đường, trong đó, tiếng gọi từ con đường 12A lịch sử có sứ mạng vinh dự như của một người lĩnh xướng trong dàn nhạc giao hưởng.

Trong cuộc chiến đấu vì độc lập và tự do của Tổ quốc, tiếng gọi từ đường 12A đã thôi thúc, gợi mở thêm hệ thống “đường mòn Hồ Chí Minh” với 5 tuyến ngang vượt Trường Sơn, khiến kẻ địch giàu sắt thép nhất thế giới cũng không thể ngăn chặn được sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Và hôm nay, đường 12A Khe Ve - Mụ Dạ đã trở nên quốc lộ 12A kéo suốt tận Ba Đồn và đang không ngừng phát triển, nối dài thành những tên đường mới 12C, rồi AH131… ra đến tận các cảng biển lớn…

Nguyễn Khắc Phê

Tin cùng chuyên mục