Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, đã có 39.916 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 7 tháng đầu năm 2018, tăng 45,6% so với cùng kỳ 2017. Cùng kỳ, có trên 75.790 doanh nghiệp thành lập mới, cộng thêm khoảng 18.690 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, sở dĩ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể lớn và tăng đột biến như vậy là vì các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, “làm sạch dữ liệu”, loại bỏ những doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu, nhưng không còn hoạt động.
Có thể thấy, bất chấp những nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có khả năng không đạt. Để có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, trung bình mỗi năm cần có khoảng 150.000 doanh nghiệp mới và phải là doanh nghiệp sống được, có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Đó là chưa kể, quá trình rà soát và loại bỏ bớt các doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy vẫn đang tiếp tục.
Trong khi đó, vẫn theo cơ quan thống kê quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2018 giảm 0,09% so với tháng trước. So với các tháng 7 của khoảng 10 năm trở lại đây, đây là tháng có CPI gần như thấp nhất, nguyên nhân chính là do giá gạo, giá xăng dầu và cả giá dịch vụ y tế đều giảm.
Đây là diễn biến khá ngược với dự báo, bởi sau mức tăng 0,61% của tháng 6-2018, nhiều ý kiến lo ngại rằng, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm. Việc CPI tháng 7-2018 giảm tốc, thậm chí còn âm so với tháng trước đã góp phần quan trọng làm dịu nỗi lo lạm phát cao quay trở lại trong năm nay, mặc dù CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng vẫn tăng 3,45%, tiến khá sát đến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%.