Trưng bày nhiều hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga

(SGGP). - Tổ chức đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga, triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ” diễn ra ngày 6-11 tại Hà Nội được khai thác từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam, Cục Lưu trữ Liên bang Nga và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham dự đông đảo người dân hai nước Việt - Nga.
Trưng bày nhiều hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga

(SGGP). - Tổ chức đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga, triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ” diễn ra ngày 6-11 tại Hà Nội được khai thác từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam, Cục Lưu trữ Liên bang Nga và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham dự đông đảo người dân hai nước Việt - Nga.

Triển lãm với hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô (Liên bang Nga), mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô và hình ảnh của Người trong lòng nhân dân Liên Xô. Theo đó, nội dung triển lãm gồm ba phần: “Người đi tìm hình của Nước” (1911 - 1945), “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Liên Xô/LB Nga” (1945 - 1969) và “Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên Xô (LB Nga) mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học văn hóa của con em cán bộ Đại sứ quán Liên Xô và các nước Đông Âu ở Hà Nội 9-2-1962.

Cụ thể, những tài liệu, hiện vật trưng bày ở đầu đã tập trung vào một số nội dung chính như: Khái quát về tình hình xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; hoạt động của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tại Pháp, Mỹ, Anh; những lần đến Liên Xô của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các năm 1923, 1927, 1934; Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế (trong đó có Liên Xô) đối với Việt Nam... Phần thứ hai của triển lãm giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Liên Xô trong khoảng thời gian Người giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1969) với những nội dung chủ yếu như: Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đến thăm Liên Xô và Liên Xô đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam; một số văn kiện quan trọng về hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký... Đặc biệt, phần ba nhấn mạnh đến tình cảm yêu mến, kính phục của nhân dân Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia...

Chia sẻ trong lễ khai mạc, ông A.K.Sorokin, Giám đốc Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Quốc gia Nga, nhấn mạnh, đối với các công dân Liên bang Nga thì đối tượng của lòng tự hào đặc biệt đó là việc Liên Xô, mà quốc gia thừa kế là Liên bang Nga, đã nhiều lần chia sẻ với nhân dân Việt Nam trong những giây phút khó khăn trong lịch sử. Trong suốt nhiều thập niên, nhân dân hai nước đã gắn bó với nhau bởi sự hợp tác mà những trang lịch sử của nó cho đến ngày hôm nay vẫn giữ nguyên tính cấp thiết của nó.

MAI AN 

Tọa đàm khoa học “Quảng Châu trong hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh”

Nhân kỷ niệm 90 năm Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc (tháng 11-1924 - 11-2014), sáng 6-11, Viện Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học “Quảng Châu trong hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng ôn lại những hoạt động và cống hiến của Người đối với Đảng, cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân thế giới trong giai đoạn này. Các nhà khoa học tập trung làm rõ nội dung: Nguyễn Ái Quốc với việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (về tổ chức và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị xuất bản báo Thanh niên và tác phẩm “Đường Kách mệnh”). Thời gian hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc không chỉ quan tâm đến việc tổ chức lực lượng cho cách mạng Việt Nam, mà còn đặt cơ sở cho việc xây dựng tình đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước. Các nhà khoa học nhấn mạnh: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Quảng Châu là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình cứu nước của Người, là bước quan trọng thực hiện kế hoạch mà Người đã vạch ra từ tháng 6-1923.

Kết quả của tọa đàm sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm một giai đoạn trong tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần tích cực vào thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục