Trung Đông đói nghèo sau bất ổn

Trong khi bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia Trung Đông vẫn chưa được giải quyết, nhiều chuyên gia cho rằng dân số phát triển nhanh, thiếu hụt nguồn nước, bất ổn an ninh lương thực tiếp tục khiến thế giới Arab lao đao trong thời gian tới.
Trung Đông đói nghèo sau bất ổn

Trong khi bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia Trung Đông vẫn chưa được giải quyết, nhiều chuyên gia cho rằng dân số phát triển nhanh, thiếu hụt nguồn nước, bất ổn an ninh lương thực tiếp tục khiến thế giới Arab lao đao trong thời gian tới.

  • Lại sống nhờ lương thực nhập khẩu

Sau những năm 1970, Saudi Arabia nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu ngũ cốc. Áp dụng công nghệ khoan khai thác dầu, Saudi Arabia đã “tấn công” tầng nước ngầm nằm rất sâu dưới sa mạc để phục vụ việc tưới tiêu. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm tự lo lương thực, tháng 1-2008, chính phủ nước này cho biết tầng nước ngầm đang dần cạn kiệt và ảnh hưởng lớn đến sản xuất ngũ cốc.

Từ năm 2007 đến năm 2010, sản lượng lúa mì của Saudi Arabia đã giảm 2/3. Trước đó, sản lượng lúa mì bình quân mỗi vụ mùa của nước này là 3 triệu tấn. Các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn trong vụ mùa 2012 và quốc gia giàu dầu mỏ này sắp tới gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngũ cốc nhập khẩu để nuôi 30 triệu dân. Đầu tháng 2 vừa qua, chính phủ Saudi Arabia cũng đã từng thông báo về kế hoạch nhập 2 triệu tấn lúa mì trong năm 2011 và mức này có thể tăng lên 3 triệu tấn sau năm 2016.

Rất nhiều ý kiến cho rằng có thể sử dụng nước biển khử muối để tưới tiêu cây trồng. Tuy nhiên, chi phí để sử dụng công nghệ tiên tiến trên quá cao, một quốc gia giàu có như Saudi Arabia cũng không thể kham nổi. Chính vì thiếu hụt lương thực, rất nhiều nhà đầu tư của Saudi Arabia đã đẩy mạnh việc mua hoặc thuê đất ở các quốc gia khác như Ethiopia và Sudan để sản xuất lương thực rồi xuất khẩu ngược về nước này.

  • Yemen - Gần 60% số trẻ em suy dinh dưỡng

Tình trạng thiếu nước cũng đang xảy ra tại Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới Arập. Mực nước ngầm tại quốc gia này đang giảm ở mức 2m/năm. Tại thủ đô Sana’a, nơi có 2 triệu người sinh sống, nước máy chỉ được cung cấp 1 lần/ngày. Trong khi đó, Taiz, một thành phố nhỏ hơn ở phía Nam Yemen, phải 20 ngày nước máy mới có 1 lần.

Người dân Yemen chờ phát chẩn lúc bất ổn lan rộng.

Người dân Yemen chờ phát chẩn lúc bất ổn lan rộng.

Sản lượng ngũ cốc theo nước giảm xuống 1/3 trong 40 năm qua, trong khi nhu cầu về lương thực vẫn tăng đều do Yemen là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển dân số nhanh nhất thế giới. Hệ quả, Yemen phải nhập khẩu ngũ cốc hơn 80%; gần 60% số trẻ em bị suy dinh dưỡng, còi cọc về thể chất.

  • Syria, Iraq khốn khổ vì thủy điện

Syria và Iraq đang vật lộn với bài toán thiếu nước tưới tiêu. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ dòng chảy của 2 con sông lớn Euphrates và Tigris, nơi cung cấp nước tưới tiêu chính cho Syria và Iraq, bị suy giảm.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát thượng nguồn của 2 con sông trên, đã xây một con đập lớn làm giảm dòng chảy về hạ nguồn. Mặc dù cả 3 quốc gia đã có thỏa thuận về chia sẻ nguồn nước, nhưng với tham vọng mở rộng sản xuất thủy điện, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy 2 quốc gia hạ nguồn vào thế kẹt.

Để đối phó với việc thiếu hụt nguồn cung nước trong tương lai, nông dân tại Iraq và Syria đã và đang đào giếng lấy nước phục vụ trồng trọt. Điều này đang khiến nhiều người lo ngại về khả năng khai thác quá mức nguồn nước ngầm, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá.

Vụ mùa bội thu năm 2001 mang về cho Syria 7 triệu tấn ngũ cốc. Tuy nhiên, sản lượng ngũ cốc hiện nay đã giảm xuống 1/5. Tại Iraq, sản lượng ngũ cốc cũng giảm 1/4 so với mức đạt đỉnh 4,5 triệu tấn vào năm 2002.

Jordan, với dân số 6 triệu người, cũng đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn về lương thực. Hơn 40 năm trước, Jordan sản xuất ở mức 300.000 tấn ngũ cốc/năm. Đến nay, còn số này giảm xuống chỉ còn 60.000 tấn và chính phủ phải nhập hơn 90% ngũ cốc…

Sau khủng hoảng về chính trị, nỗi lo lương thực, dân số và nguồn nước có thể sẽ tiếp tục biến Trung Đông thành điểm nóng trong thời gian tới. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục