Ngày 5-4, tình hình lây lan virus cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp khi có thêm 1 nông dân chết tại Hồ Châu, phía Đông tỉnh Chiết Giang và 2 người nhiễm bệnh mới tại tỉnh Giang Tô. Trong khi đó, chính quyền Thượng Hải đã tiêu hủy hàng loạt gia cầm và đóng cửa chợ mua bán gia cầm Hỗ Hoài, nơi phát hiện virus cúm H7N9, do lo ngại dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng.
Khó phát hiện hơn H5N1
Theo Tân hoa xã, người đàn ông thiệt mạng nằm trong số 16 ca nhiễm bệnh phát hiện tại phía Đông Trung Quốc. Nạn nhân là trường hợp thứ hai tử vong vì virus cúm H7N9 tại tỉnh Chiết Giang. Bốn trường hợp khác đều chết ở Thượng Hải. Cơ quan y tế Thượng Hải đang theo dõi một người bị nghi nhiễm cúm H7N9 sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân đã qua đời cũng do nhiễm virus cúm. Bệnh nhân nhập viện vào cuối ngày 4-4 với những biểu hiện như sốt, chảy nước mũi và đau họng.
Chính quyền Thượng Hải cho tẩy trùng toàn bộ khu chợ Hỗ Hoài, các phương tiện vận chuyển gia cầm. Ngoài ra, công tác truy tìm nguồn gốc của số chim bị nhiễm bệnh cũng đang được triển khai nhanh chóng. Hoạt động buôn bán gia cầm sống tại 2 khu chợ gần chợ Hỗ Hoài cũng đã bị đình chỉ sau khi các mẫu xét nghiệm phát hiện virus H7N9 xuất hiện tại đây.
Theo Tạp chí Nature (Anh), nghiên cứu của các chuyên gia từ nhiều nơi trên thế giới cho biết chủng cúm H7N9 có 8 đoạn gen đều có nguồn gốc từ 3 loại virus làm gia cầm nhiễm bệnh. Đặc biệt, các đoạn gen H7 và N9 được phát hiện có chung những đặc tính nhận dạng gần giống với những virus đã lây lan khắp châu Á và châu Âu trước đây. Trong khi đó, sáu phân đoạn còn lại giống hệt chủng virus H9N2 thường được phát hiện trong chim hoang dã và gia cầm ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Gen của loại virus mới nhất đã biến đổi để dễ dàng trú ngụ trong các tế bào của bộ phận hô hấp các động vật có vú. Các nhà khoa học tại một số viện nghiên cứu trên thế giới cảnh báo khả năng phát hiện loại virus cúm gia cầm mới H7N9 còn khó hơn virus H5N1 vì lây nhiễm cho một số gia cầm mà không gây ra những triệu chứng có thể nhận thấy.
Nỗi lo đại dịch
Để trấn an dư luận cho rằng loại cúm gia cầm mới có thể gây ra dịch bệnh giống như bệnh SARS trước đây, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định sẽ dồn toàn lực ngăn chặn loại cúm mới này. Vào năm 2003, nhiều báo chí nước ngoài cáo buộc nhà chức trách tại Trung Quốc đã cố che giấu thông tin về dịch bệnh Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS), căn bệnh đã làm thiệt mạng khoảng 10% trong tổng số 8.000 người bị nhiễm trên toàn thế giới.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia đang gấp rút phân tích các mẫu virus H7N9 do phía Trung Quốc cung cấp để lọc ra loại tốt nhất dùng cho việc điều chế vaccine. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định sản xuất hàng loạt vaccine ngừa H7N9 phải được cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng vì quyết định này sẽ đồng nghĩa với việc phải hy sinh các mũi tiêm phòng bệnh cúm mùa. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), các xét nghiệm ban đầu cũng cho thấy loại cúm gia cầm mới này có phản ứng với thuốc Tamiflu của hãng Roche (Thụy Sĩ) và Relenza của GSK (Ấn Độ).
| |
THANH HẰNG (tổng hợp)